“Hà Nội - Mùa chuyển”: Hơi thở hiện đại hòa với chất trữ tình của Phú Quang và Đỗ Bảo
05/04/2023 | 08:41Lần đầu tiên âm nhạc của Phú Quang và Đỗ Bảo cùng hòa quyện trong một chương trình âm nhạc được thực hiện bằng tâm huyết của một ê-kip hàng đầu với sự tham gia của các giọng ca Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh và Hà Trần.
Chương trình được thực hiện bởi Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với IB Group Việt Nam và Maine Coon Productions sẽ diễn ra vào 20h ngày 21 và 22/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Tổng đạo diễn: Phạm Hoàng Nam; Giám đốc âm nhạc: Đỗ Bảo; Giám đốc mỹ thuật: Lê Thiết Cương; Giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Cố vấn âm nhạc: Nguyễn Thụy Kha; Cố vấn nội dung: Trinh Hương; Chủ nhiệm chương trình: Chu Anh Hùng.
Nhắc đến Phú Quang hay Đỗ Bảo là nhắc đến những bản tình ca được đông đảo khán thính giả yêu mến. Mỗi người có một giọng điệu, phong cách riêng nhưng vẫn chung mảng đề tài nổi bật là tình yêu, những cung bậc cảm xúc yêu gắn với khung cảnh bốn mùa của Hà Nội. Âm nhạc của cả hai đều giàu tính trữ tình đem lại những cảm xúc lắng đọng, say đắm với nhiều thế hệ khán giả. Hai đêm tới đây tại Nhà hát Lớn sẽ là một dịp đặc biệt để những người yêu mến cả hai nhạc sĩ cùng tụ hội.
Phú Quang- Đỗ Bảo còn có điểm chung là đến với âm nhạc từ sớm, được đào tạo bài bản và dành một quỹ thời gian đáng kể cho khí nhạc, hòa âm, dàn dựng dàn nhạc. Có không ít những bản nhạc không lời trữ tình của Phú Quang được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng trong hàng chục năm qua đã trở nên quen thuộc với khán thính giả mặc dù có thể họ không biết đấy chính là những giai điệu được viết ra bởi tác giả Em ơi Hà Nội phố. Người viết các Bức thư tình cũng từng có hòa nhạc Gió bình minh cũng như album nhạc đương đại dành riêng cho nhạc cụ truyền thống.
Hai nhạc sĩ đều chỉn chu trong việc đưa tác phẩm ra công chúng bằng việc viết luôn bản phối. Cùng với giai điệu chính, những khán giả mộ điệu đã thuộc nằm lòng những câu nhạc dạo, đệm trong những ca khúc làm nên tên tuổi hai nhạc sĩ. Chính vì vậy đêm nhạc tới sẽ là dịp để chúng ta được nghe một số sáng tác của Phú Quang do Đỗ Bảo chuyển soạn lại. Mặc dù Phú Quang chủ yếu phổ thơ còn Đỗ Bảo đa phần tự viết lời nhưng cả hai nhạc sĩ đều trau chuốt câu từ. Họ cầu toàn và hướng tới sự hoàn mỹ trong nghệ thuật.
Đến với đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo, khán giả còn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thị giác song hành cùng âm nhạc của họa sĩ Lê Thiết Cương. Sân khấu sẽ được anh trang trí bằng một sắp đặt có tính trừu tượng lấy cảm hứng từ những mái nhà lô xô của phố cổ Hà Nội. Tác phẩm mang tên 'Lòng phố'.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện đêm nhạc mở màn cho chuỗi chương trình "Hà Nội mùa chuyển" với mong muốn góp phần tạo nên một bước chuyển cho đời sống văn hóa giải trí Thủ đô. Anh xác định chương trình là điểm hội tụ của nhiều anh tài từ các lĩnh vực, không nhằm mục tiêu bán vé mà sẽ tiệm cận một sự kiện văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức vừa đa dạng vừa chuyên sâu của khán giả hôm nay.
Nói về người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: "Tôi từng lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát câu nhạc của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, tôi có nhiều dịp được làm việc với chú trong những sự kiện biểu diễn mà chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Nhạc sĩ Phú Quang hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa tôi, trong đó có nhiều điều hay mà tôi quan sát học hỏi được. Tôi hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công cũng như cách mà âm nhạc của chú đã sống được trong lòng công chúng.
Chú Phú Quang phần lớn viết các tác phẩm phổ từ những bài thơ hay và viết ở gam thứ, tôi lại rất hiếm khi phổ thơ và phần lớn tác phẩm viết gam trưởng. Hay việc chú Phú Quang trung thành với khuynh hướng ca khúc trữ tình, các bản hòa âm bán cổ điển, còn tôi ở thế hệ khi đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, viết pha trộn đa phong cách, thì âm nhạc của chú và của tôi có không ít những điểm tương đồng. Cảm xúc lãng mạn, cảm xúc gắn với mùa đông Hà Nội, về các mùa khác, cách sử dụng những chùm ba trong giai điệu, các tiết nhịp cho giọng hát ở đó đề cao cảm xúc mà không quá chú trọng đến vấn đề hợp thị hiếu theo cách thị trường đã và đang du nhập là một số điểm mà tôi nhất thời nghĩ đến.
Tôi thích các bài hát về Hà Nội của chú Phú Quang. "Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế", chú Phú Quang đã viết thế. Còn tôi muốn thêm vế sau rằng "chia ly rồi hội ngộ". Cuộc hội ngộ này của chú cùng tôi có thể là do những điểm tương đồng giữa âm nhạc của chú và của tôi đều nảy sinh bởi những ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển, môi trường âm nhạc của Hà Nội, bởi những nét tính cách Hà Nội, các mùa của Hà Nội, hay những góc tính cách lãng đãng trong chú và tôi.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: "Giữa anh Đỗ Bảo với bố tôi có một vài điểm chung như đều yêu giao hưởng, phần phối cho những ca khúc của cả hai luôn đầy đặn. Nét tương đồng này càng làm tôi rất muốn có sự thử nghiệm kết hợp giữa hai người. Trong chương trình, Đỗ Bảo sẽ thoải mái sáng tạo với 3-4 bài của bố tôi. Tôi muốn sự thay đổi từ từ cho mọi người tiếp nhận chứ không muốn quá đột ngột.
Đỗ Bảo dù tiếp xúc chưa nhiều nhưng tôi thấy anh nhẹ nhàng, khiêm tốn, dễ chịu, hiền hòa... Chính vì vậy âm nhạc của anh rất đẹp, mềm mại, lãng mạn. Còn bố tôi góc cạnh, sắc sảo, kể cả trong câu chuyện hài cũng không bao giờ chỉ để cho vui, luôn có ẩn ý trong đó. Nên âm nhạc của bố tôi cũng vậy, không hiền, khá sắc nét, cái gì cũng đến tận cùng, xoáy sâu, mỗi câu mỗi từ đều phải có sự day dứt trong đấy. Cùng viết về mùa đông Hà Nội chẳng hạn thì mùa đông của Đỗ Bảo có thể sẽ đẹp hiền hòa hơn, còn của bố tôi có gì da diết, buốt giá hơn".
Không hẹn mà gặp, hai nhạc sĩ sẽ cùng hiện diện trong đêm nhạc chưa từng có tại Thánh đường âm nhạc Việt Nam - Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kết hợp giữa cảm xúc xưa cũ, nồng nàn của Phú Quang và hơi thở hiện đại trong chất trữ tình của Đỗ Bảo hứa hẹn sẽ làm nên hai đêm nhạc đáng nhớ với công chúng Thủ đô.