Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội linh hoạt, thích ứng an toàn khi không tổ chức lễ hội

11/02/2022 | 15:29

Năm 2022 là năm thứ hai người dân Hà Nội lại lỡ hẹn với mùa lễ hội khi thành phố không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dù không tổ chức, nhiều địa phương cũng như đại diện cộng đồng dân cư vẫn đảm bảo nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền, những người có công với đất nước nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Tại một số nơi, người dân có thể đến dâng hương chiêm bái lễ Phật, lễ Thánh nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Hà Nội linh hoạt, thích ứng an toàn khi không tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Suối Yến - chùa Hương trước ngày đón khách trở lại. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Giữ gìn nghi lễ truyền thống trong sự an toàn

Với hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, Hà Nội là địa phương nhiều lễ hội nhất cả nước. Khi thành phố không tổ chức lễ hội, với nhiều người đó là sự thiếu vắng nhưng lại thật sự cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dù không tổ chức nhưng tại nhiều nơi, đại diện chính quyền địa phương, đoàn thể, cộng đồng dân cư vẫn làm lễ dâng hương với quy mô nhỏ, lượng người tham gia giới hạn. Những nghi lễ đó vừa giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo tín ngưỡng trong nhân dân.

Ngày 5/2 (mùng 5 tháng Giêng âm lịch), lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tưởng nhớ người anh hùng áo vải cờ đào cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn tại Di tích Quốc gia đặc biệt gò Đống Đa (quận Đống Đa), nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2022).

Ngày 6/2 (mùng 6 Tết), đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, tưởng nhớ, tri ân hai nữ Anh hùng kiệt xuất của dân tộc, nhân kỷ niệm 1.982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Cũng trong ngày 6/2, tại Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), đại diện nhân dân đã đến thực hiện nghi thức dâng hương. Tại Đền Thượng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), các nghi lễ dâng hương, tế lễ được thực hiện, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện nhân dân địa phương... Bên cạnh đó, nhiều lễ hội khác, đại diện chính quyền và cộng đồng làm lễ dâng hương với quy mô nhỏ, nhanh gọn khi không tổ chức lễ hội.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, khi có quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội Xuân, huyện đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhân dân nắm được và thực hiện. Từ đầu năm đến nay, các lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm túc.

Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đồng thời với việc tạm dừng tổ chức lễ hội, các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại những khu vực này. Nhiều chốt kiểm dịch được dựng lên để ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính lễ hội. Không ít người đến di tích vào ngày chính lễ được lực lượng chức năng giải thích, đã ra về.

Theo ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh, tại khu vực diễn ra các lễ hội Xuân, nhất là lễ hội Hai Bà Trưng, huyện siết chặt công tác phòng, chống dịch, đặt các chốt kiểm soát, bố trí lực lượng túc trực thường xuyên, giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn du khách chấp hành các quy định để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, huyện tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cũng như các phương tiện truyền thông khác về việc tạm dừng lễ hội, đóng cửa các di tích để người dân nắm được.

Thích ứng linh hoạt

Thông thường, cứ vào tháng Giêng, người dân Hà Nội cũng như các nơi khác nô nức trẩy hội, do vậy nhiều người không tránh khỏi tâm lý trống vắng khi năm nay lễ hội không được tổ chức. Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhiều di tích đang chuẩn bị hoặc đã bắt đầu mở cửa đón khách đến chiêm bái lễ Phật, Thánh.

Ngày 9/2, Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) đã bắt đầu mở cửa đón khách, sau một thời gian tạm đóng để phòng, chống dịch COVID-19. Ngày đầu mở cửa để khách vào chiêm bái, Phủ Tây Hồ không quá đông người vào lễ. Ý thức đến công tác phòng dịch, mọi người đều thực hiện 5K một cách nghiêm túc.

Chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) mở cửa cho người dân vào tham quan, lễ Phật ngay từ mùng 1 Tết Nguyên đán. Cũng như nhiều di tích khác, nhà chùa khuyến cáo khách thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch bệnh cũng như văn minh nơi thờ tự. Chùa Hà (quận Cầu Giấy) cũng mở cửa cho khách vào lễ từ mùng 2 Tết. Lượng người đến lễ không quá đông như các năm trước nên vẫn đảm bảo về khoảng cách tiếp xúc.

Ngày 16/2 tới đây, chùa Hương (huyện Mỹ Đức) sẽ chính thức mở cửa đón khách, trên cơ sở không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của địa phương. Để chuẩn bị cho công tác đón khách, huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch đón khách và phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, ngay tại khu vực bán vé và soát vé sẽ có lực lượng hướng dẫn yêu cầu du khách thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.

Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải đảm bảo công tác phòng chống dịch như vệ sinh khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, hành khách ngồi trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách. Ban Tổ chức bố trí một xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống cấp cứu phát sinh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, tại nơi thờ tự, lực lượng chức năng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và kẻ vạch, bố trí theo một chiều, rút ngắn thời gian lễ. Các điểm thờ tự bố trí người đón lễ bên trong, người trả lễ ra bên ngoài theo một chiều và ngay sau khi lễ xong. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo Báo Tin tức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×