Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội định vị thương hiệu "Thành phố văn hóa", "Thành phố sáng tạo"

11/06/2021 | 08:16

Sáng 10/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực trạng và giải pháp", do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm có đại biểu Trung ương, Thành phố Hà Nội, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hiệp hội Thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống...

Hà Nội định vị thương hiệu "Thành phố văn hóa", "Thành phố sáng tạo" - Ảnh 1.

Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực trạng và giải pháp"

Buổi tọa đàm tập trung xoay quanh 4 vấn đề: Nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa, có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Vấn đề thứ hai là những lĩnh vực mà các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa quan tâm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay. Vấn đề thứ ba là những sáng kiến tham vấn, gợi mở, đề xuất với thành phố các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Vấn đề cuối cùng là sự vào cuộc, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân trong quá trình thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tại tọa đàm, 12 ý kiến phát biểu của các nhà báo, nhà sản xuất, văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực như: Âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... đã nêu các tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế và những đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Theo các đại biểu, văn hóa cần được quảng bá, tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao nhận thức, "định vị" rõ hơn vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển chung của Thủ đô. Hà Nội cần phát huy giá trị hữu hình và giá trị vô hình, điều này cần được cụ thể hóa bằng những hoạt động, sự kiện để người dân và du khách có những trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: Du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình phát thanh, thời trang, điện ảnh, thiết kế, quảng cáo, các trò chơi giải trí...

Để phát triển công nghiệp hóa một cách hiệu quả, thành phố nên tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân; cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của mọi thành phần xã hội; định hướng, xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu...

Hà Nội định vị thương hiệu "Thành phố văn hóa", "Thành phố sáng tạo" - Ảnh 2.

Toàn cảnh Tọa đàm

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với phát triển thị trường văn hóa. Hà Nội còn thiếu những nhà sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp. Để khắc phục điều này, thành phố nên gắn phát triển điện ảnh với phát triển kinh tế của Thủ đô, từ đó xây dựng chính sách gắn với phát triển điện ảnh nhằm tăng thị phần của thị trường phim nội.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cảm ơn và ghi nhận những đóng góp, phát biểu của các đại biểu, giúp Ban Chỉ đạo bước đầu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Thành ủy cho vấn đề chuyên về lĩnh vực công nghiệp văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa bắt nhịp với dòng chảy hội nhập quốc tế.

Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...

"Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể", ông Nguyễn Văn Phong cho biết./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×