Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội

06/12/2021 | 14:44

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc với 5.922 di tích, trong đó 2.581 di tích đã được xếp hạng. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã tạo ra sức ép không nhỏ đến việc bảo tồn di tích. Vì vậy, việc cân bằng giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội đang cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Hà Nội cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Đoan Môn là cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời nhà Lê trung hưng được tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN

Nhiều di tích bị tác động

Cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển xảy ra từ lâu và luôn đặt chính quyền địa phương trong thế khó khi giải quyết hài hòa mối quan hệ này. Những chuyên gia văn hóa thường bảo vệ công tác bảo tồn, còn những người làm kinh tế, xây dựng thường ủng hộ những dự án, công trình được triển khai. Để tìm giải pháp vừa phù hợp với phát triển kinh tế, vừa giữ được giá trị vốn quý của di sản, các địa phương luôn phải thận trọng, linh hoạt.

Những năm trước kia, giới khảo cổ học và những người quan tâm đến văn hóa Hà Nội tỏ ra lo ngại khi thành phố đầu tư công trình giao thông sẽ ảnh hưởng đến di chỉ Khảo cổ học Đàn Xã Tắc (quận Đống Đa). Nhiều chuyên gia lên tiếng, nhiều cuộc họp bàn được tổ chức và cuối cùng tuyến đường Xã Đàn được nắn chỉnh, dành ra một diện tích nhỏ để bảo tồn. Tiếp đó, việc bảo tồn di chỉ này tiếp tục được đề cập khi Hà Nội có kế hoạch xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Ô Chợ Dừa để tránh ùn tắc giao thông.

Nhiều người cũng không thể quên câu chuyện người dân Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) viết đơn trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ vì nhiều thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà nhưng không được xây dựng cao tầng, mở rộng diện tích. Với sự vào cuộc của thành phố Hà Nội, các quy định trong xây dựng tại di tích đã được nới lỏng, cùng với đó là quy chế quản lý di tích làng cổ cũng được ra đời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Gần đây, sau một thời gian dài các nhà khoa học lên tiếng bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (huyện Hoài Đức) khi tuyến đường vành đai 3,5 của thành phố chạy qua khu vực này và khu đô thị mới xây dựng bên cạnh tác động mạnh đến di chỉ thì cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ, đồng thời thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía Tây trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5. Lý do được đưa ra là đảm bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Phương án này đã được Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.

Mới đây, việc mở rộng đường giao thông để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, đã buộc phải giải phóng mặt bằng một phần diện tích khu đất bên cạnh chùa Vàng, thuộc khu bảo tồn cấp 2 của di tích. Diện tích này trước kia sử dụng làm sân chơi và là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội. Vì lẽ đó, việc mở rộng diện tích này chưa tìm được sự thống nhất giữa nhà chùa và người dân trong vùng. Thành phố Hà Nội đang giao cho huyện Gia Lâm phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết.

Cần có định hướng cụ thể

Không chỉ ở Hà Nội mà câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển còn xảy ra ở một số địa phương khác trong cả nước. Bởi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao thì việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống dân sinh ngày càng nhiều. Vì vậy những khu vực có sự hiện diện của di tích sẽ bị tác động ít nhiều dù chính quyền địa phương đã có những cố gắng để tránh ảnh hưởng đến mức thấp nhất có thể.

Việc quy hoạch các công trình phục vụ đời sống kinh tế - xã hội đã đặt ra khả năng ảnh hưởng đến di sản. Nếu các nhà quy hoạch không tính đến thì trong quá trình xây dựng tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Đề cập đến việc giải quyết mâu thuẫn này, các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa cho rằng, cần phải tuân theo Luật Di sản văn hóa. Khi triển khai các công trình, nếu gặp khu vực khảo cổ học thì các chủ đầu tư buộc phải dừng lại để phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khai quật; dựa trên kết quả thu được sẽ đề xuất biện pháp bảo tồn và cách thức triển khai tiếp công trình. Nhưng điều quan trọng, các chủ đầu tư cần có ý thức tôn trọng di sản, giữ lại những giá trị quý cho thế hệ sau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cho rằng, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác chưa có bản đồ di chỉ khảo cổ học. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng bản đồ này để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, tránh trường hợp khi triển khai vướng vào di chỉ khảo cổ học, ảnh hưởng đến cả hai bên.

Một điều quan trọng khác, các cơ quan chức năng cần làm thay đổi nhận thức của người Hà Nội về vai trò, giá trị của di sản văn hóa tại các quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Khi cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di sản văn hóa, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa thì lòng tự hào, tình yêu di sản văn hóa luôn được nâng lên, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức trong việc bảo tồn di sản.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×