Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội 10 năm mở rộng: Lo phai nhạt văn hóa

28/09/2018 | 14:30

 Kết quả kinh tế, xã hội sau 10 năm Hà Nội mở rộng có lẽ dễ dàng đánh giá hơn văn hoá, nhưng nhiều văn nghệ sĩ chia sẻ những cảm nhận ban đầu đầy lo âu.

Lễ hội đường phố lớn ở Bờ Hồ kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: PHẠM HÙNG

Thách thức

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội quy tụ nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ trong hội thảo “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội sau 10 năm hợp nhất” ngày 25/9, với kỳ vọng bước đầu đánh giá văn hoá Hà Nội sau 10 năm hợp nhất Hà Tây.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được giao đề dẫn hội thảo, nhắc lại lời nhà sử học Trần Quốc Vượng từ mấy chục năm trước rằng tìm người Hà Nội gốc bây giờ khó lắm, có chăng vài người lưu giữ văn hóa Hà Nội cổ: “Hà Nội bây giờ hầu hết là người nhà quê, ở các vùng quê khác nhau”. Ông hóm hỉnh nhận mình là lão thợ cày Hải Dương, và chỉ sang NSND Trần Quốc Chiêm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - bảo là anh Hai lúa Thái Bình. Tuy thế, ông bảo vệ quan điểm: Hà Nội là thủ đô nơi chưng cất tinh hoa của cả nước vì thế không có chuyện kỳ thị địa phương, nhưng chắc chắn nhiều thách thức.

Dưới góc độ sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc lạc quan cho rằng văn hóa Thăng Long-Hà Nội và Hà Tây trong suốt tiến trình lịch sử luôn nương tựa vào nhau, hoà quyện khó chia cắt. Nhiều nghệ sĩ xứ Đoài vẫn được là chính mình khi chung mái nhà nghệ thuật với nghệ sĩ thủ đô, trở thành nghệ sĩ nổi danh trên đất Hà Nội. Trong khi nhiều người nhận Hà Nội nay có thêm không gian văn hóa nghệ thuật được đầu tư quy mô, thì một đại biểu giới mỹ thuật cho rằng người Hà Tây cũ chịu thiệt thòi hơn bởi cơ hội tiếp cận tác phẩm mỹ thuật ít đi do sự chuyển dịch về địa điểm.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bảo người Hà Tây một ngày đẹp trời trở thành người Hà Nội khiến nhiều người vui mừng nhưng cũng nhớ tiếc. Vì họ sợ vong ngã, sợ mất đi bản sắc văn hóa xứ Đoài nhiều đời xây đắp. Không những có Tản Viên linh thiêng và hệ thống đình chùa bậc nhất cả nước, họ tự hào đất hai vua, đất các danh sĩ như Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan, Tản Đà, Quang Dũng, các dòng họ Ngô Thời, Phan Huy, họ Khuất, họ Đặng.

Ông Nguyễn Sỹ Đại cũng lo ngại những thách thức về văn hóa của một Hà Nội mở rộng, nhấn mạnh vào sự cạn kiệt di sản truyền thống. Cốm Vòng, giấy sắc Nghĩa Đô, húng Láng của Hà Nội cổ bây giờ mơ cũng không có nữa. Hà Nội có những làng vô cùng đẹp, nếu giữ được như làng hoa Nghi Tàm, Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân thì chắc chắn Hà Nội vốn đẹp lại càng đẹp hơn. “Hà Tây cũ bây giờ cũng đứng trước nguy cơ”, ông nói. Hà Tây là đất trăm nghề nhưng nhiều nghề dần biến mất. “Nói Hà Nội là kết tinh tinh hoa văn hóa cả nước thì cũng phải thấy chiều khác là sự hội tụ của nhiều miền quê đang làm nhạt màu Hà Nội”, Sĩ Đại nói. Hai nền văn hoá tuy chung ở miền Đồng bằng Bắc bộ nhưng có nét riêng, nên nguy cơ nhòa lẫn rất cao.

Không hoà tan

Nhà thơ Vũ Quần Phương thẳng thắn: 10 năm nói về đổi thay văn hóa chưa đủ độ lùi, bởi chừng ấy thời gian chưa thể lắng xuống thành trầm tích. Chính vì vậy cần có thống kê điều tra thận trọng, nhưng ông cho rằng mỗi người dễ dàng có được sự cảm nhận. Nhắc lại quan điểm văn hóa thủ đô xuống cấp, nhưng Vũ Quần Phương nêu quan điểm có kết quả hôm nay là hệ quả của sai lầm, sáng tạo từ rất lâu trước đó, không chỉ do quá trình sáp nhập địa giới mà ra. Vì thế khi đánh giá kết quả từ việc sáp nhập không đơn giản là cộng vào, bởi có những cái cộng vào là được, ngược lại cộng vào lại hụt đi. Nhà thơ Bằng Việt lại cho rằng không có sự áp chế giữa văn hóa Thăng Long lên vùng văn hóa xứ Đoài, cũng không có sự phân biệt trong giới văn học nghệ thuật Hà Nội suốt 10 năm qua.

Không chỉ điểm tên những thách thức về suy kiệt hào khí, mai một di sản, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đề xuất: Để tránh mối nguy hòa tan văn hóa, nên điền dã, điều tra, lưu giữ đầy đủ nhất trong khả năng có thể về mặt tư liệu cũng như nghệ thuật các di sản văn hóa truyền thống của cả Hà Nội lẫn Hà Tây cũ, đánh giá đúng thực trạng. Phát hiện những xu hướng tiếp biến văn hoá, cổ vũ xu hướng tích cực và nhất là bồi đắp những phẩm chất Hà Nội bằng tác phẩm nghệ thuật.

GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nêu quan điểm đất Thăng Long tứ trấn thì từ xa xưa xứ Đoài gần gũi với Thăng Long hơn cả; nên khi về một mối, văn hóa dân gian xứ Đoài nhập vào hết sức tự nhiên với văn hóa Hà Nội, làm phong phú thêm cho văn hóa hội tụ ở đất kinh kỳ. Có thể dễ dàng kể tới đất trăm nghề với nghề mộc Chàng Sơn, khảm trai Chuôn Ngọ, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, nghệ thuật dân gian như hát Trống quân, rối nước, chèo. Cho rằng hội nhập văn hóa là nền tảng hết sức căn bản giúp Hà Nội phát triển hơn về mọi mặt, ông lưu ý trong quá trình ấy vẫn phải lưu giữ, coi trọng bản sắc xứ Đoài trong lòng thủ đô hiện đại.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×