Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

13/06/2022 | 08:31

Để xây dựng môi trường văn hóa trong các lễ hội truyền thống, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, trước hết cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham mưu tích cực, kịp thời của ngành VH,TT&DL...

Hà Nam có một kho tàng di sản văn hóa đậm đặc với gần 2.000 di tích, di chỉ khảo cổ học có giá trị đặc biệt, trong đó có trên 200 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, gần 1.000 loại hình văn hóa dân gian gắn bó hữu cơ với 209 lễ hội và lễ hội truyền thống ở các địa phương với những đặc trưng riêng. Hà Nam còn có nhiều di sản, làng nghề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam, Lễ hội đền Trần Thương, Hội vật võ Liễu Đôi, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội đền Lảnh Giang, Hát dặm Quyển Sơn, nghề làm trống Đọi Tam…

Bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi được công nhận là Bảo vật quốc gia; Di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (trong đó Hà Nam là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu) đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ trên, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh đặc biệt được quan tâm, nhất là những lễ hội gắn với di sản đã được ghi danh.

Những lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra chủ yếu vào mùa Xuân. Hằng năm, đối với các lễ hội vùng, Sở VH,TT&DL luôn chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và ban tổ chức lễ hội chỉ đạo quản lý chặt chẽ nội dung hoạt động của lễ hội; tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân và lực lượng tham gia lễ hội thực hiện tốt quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; yêu cầu các đơn vị xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội, ngăn chặn kịp thời những sai phạm tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức và quản lý, thực hành lễ hội.

Hà Nam: Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống - Ảnh 1.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống được dựng thành hoạt cảnh trong chương trình "Chiều cuối năm" Xuân Nhâm Dần 2022 tại đình Tam Chúc (Khu du lịch Tam Chúc, Kim Bảng)

Tuy nhiên, ở một số lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những lễ hội vùng, lễ hội truyền thống vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là trong khâu tổ chức có nhiều chủ thể cùng tham gia chỉ đạo: UBND các cấp, ban quản lý di tích, trụ trì chùa, thủ nhang nhà đền, đình… dẫn đến sự chồng chéo, không xác định được vai trò chủ thể quản lý, làm giảm tính chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quản lý và tổ chức lễ hội.

Ở một số lễ hội, việc lưu truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nghi lễ trong lễ hội đã bị mai một, không có người truyền dạy và không có người kế tục. Một số lễ hội lớn tuy đã có quy hoạch khu tổ chức lễ hội nhưng chưa có điều kiện xây dựng, hoàn thiện các hạng mục gây nên tình trạng quá tải ở một số điểm di tích, khu danh thắng nên phần nào làm ảnh hưởng đến việc tổ chức lễ hội.

Một số lễ hội chỉ thực hiện phần lễ, phần hội không tổ chức hoặc thiếu tính sáng tạo, hấp dẫn nên chưa thu hút được nhân dân và du khách tới tham dự. Ý thức của những người tham gia lễ hội, kinh doanh gắn với lễ hội chưa cao gây lãng phí, ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường công cộng… Vì vậy, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, đặc biệt là những lễ hội truyền thống đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể rất cần được chú trọng nhằm bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có của Hà Nam.

Để xây dựng môi trường văn hóa trong các lễ hội truyền thống, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, trước hết cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham mưu tích cực, kịp thời của ngành VH,TT&DL. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ tự, tôn vinh. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo di tích cần đi đôi với việc duy trì và phục dựng các hoạt động văn hóa lễ hội gắn với di tích, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế du lịch; đáp ứng nhu cầu du lịch về tâm linh, tham quan, nghiên cứu cùng các dịch vụ khác mang tính đặc trưng vùng miền để quảng bá hình ảnh địa phương, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường tại các lễ hội. Thực hiện thống kê, phân loại các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh, đánh giá để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và phân cấp quản lý cụ thể đối với lễ hội vùng, lễ hội làng theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan.

Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội không để xảy ra các hoạt động, hành vi phản cảm, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo Báo Hà Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×