Hà Nam: Quan tâm đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa
07/04/2023 | 09:10Những năm qua, Hà Nam luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa vừa để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sáng tạo văn hóa của nhân dân, vừa để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa ở Hà Nam đã huy động, khai thác mạnh mẽ nguồn lực xã hội, thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về văn hóa trong sự phát triển xã hội.
Từng bước chuẩn hóa các công trình văn hóa theo yêu cầu đổi mới
Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Hà Nam đến năm 2030, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã được tăng cường. Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các mục tiêu theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Trong đó, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang làm cho các địa phương thay đổi diện mạo nhờ các công trình, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân được chuẩn hóa theo yêu cầu đổi mới.
Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), trước khi thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 2164/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ 2164), Hà Nam đã hoàn thành Đề án 1969 xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 – 2010 với một hệ thống thiết chế văn hóa tương đối dày dặn, gồm 60/116 nhà văn hóa xã, đạt 51,72%, 924/1.299 nhà văn hóa thôn làng, tổ dân phố, liên tổ, đạt tỷ lệ 71,13%. Năm 2011, các địa phương bắt đầu thực hiện phong trào xây dựng NTM, trong đó xác định tiêu chí số 6 (tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa) là tiêu chí có khả năng hoàn thành sớm.
Xây dựng nhà văn hóa trở thành phong trào ở mỗi địa phương, là tiêu chí đánh giá việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vì thế, các địa phương đã dành quỹ đất, kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thúc đẩy tiến độ về đích NTM ở nhiều nơi. Thế nhưng việc triển khai phong trào xây dựng NTM với nhiều nội dung, cần huy động sức dân đóng góp lớn nên tiêu chí số 6 chỉ thực sự được làm tốt ở một số địa phương có tiềm lực kinh tế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm thực sự đến đời sống văn hóa cơ sở. Thực hiện Quyết định 2164 cùng thời điểm với phong trào xây dựng NTM tạo đà giúp Hà Nam tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở, thể thao trên địa bàn dân cư tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; xây dựng các thiết chế đồng bộ, hoạt động hiệu quả, tác động tích cực đến các phong trào.
Theo báo cáo của ngành VH,TT&DL, thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 590/590 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhưng chỉ có 237/590 nhà văn hóa đạt chuẩn quy định của Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 2164, tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có tổng số 1.088/1.234 thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa độc lập và nhà văn hóa liên tổ. 862/1.234 thôn, làng, tổ phố có sân và địa điểm thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, cả tỉnh còn 686 thôn, tổ dân phố, trong đó có 360 thôn, tổ dân phố mới. Số hộ dân cư của những khu dân cư mới sáp nhập tăng, quy mô thiết chế văn hóa cũ khó đáp ứng yêu cầu sinh hoạt nên 102/360 thôn, tổ dân phố đề nghị xây nhà văn hóa mới; 204/360 thôn, tổ dân phố đề nghị cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa; 54/360 thôn, tổ giữ nguyên trạng nhà văn hóa để tiếp tục sử dụng. Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII ngày 06/12/2019 đã ban hành Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sáp nhập theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Dự tính nguồn ngân sách cấp tỉnh chi cho xây dựng nhà văn hóa thôn khi đó là trên 30 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành chức năng, hàng trăm nhà văn hóa thôn ở Hà Nam được xây dựng thời gian qua không còn phù hợp với tình hình mới.
Dù vậy, so với thời điểm thực hiện Đề án 1969 xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005-2010, việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa giai đoạn từ 2010 trở đi có nhiều thay đổi tích cực. Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Ở giai đoạn thực hiện Đề án 1969, để làm được nhà văn hóa, các địa phương hầu hết trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Nhưng giai đoạn sau này, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa dồi dào hơn, đa dạng hơn. Bởi, thời điểm này, đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân đã phát triển, điều kiện để nhiều người thể hiện trách nhiệm xã hội cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Hà Nam đã huy động được trên 100 tỷ đồng từ việc xã hội hóa nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Đến cuối năm 2020, 100% thôn, xóm, khu dân cư có nhà văn hóa. Quy mô nhà văn hóa cũng to hơn, đẹp hơn. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù là thời gian đại dịch Covid-19 tác động toàn diện đời sống xã hội, nhưng việc đầu tư cho cơ sở vật chất văn hóa của các địa phương vẫn được chú trọng nhằm mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 2021, trong tổng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021 có 6.590 tỷ đồng Hà Nam được giao chỉ tiêu, tỉnh đã phân bổ 4.700 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân nông thôn; kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình sau đầu tư khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn xã.
Nhờ có nguồn lực hỗ trợ kịp thời, sự quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa và diện mạo nông thôn của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, 91/109 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa độc lập; mỗi xã, phường có từ 1-3 sân vận động tập trung bảo đảm điều kiện tổ chức các hoạt động thể dục thể thao của địa phương. Đối với cấp thôn, toàn tỉnh có 662/686 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp của nhân dân. Đối với cấp huyện, toàn tỉnh có 4/6 đơn vị có nhà văn hóa được xây dựng độc lập, gồm huyện Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên; 4/6 đơn vị có một sân vận động tập trung bảo đảm các điều kiện theo quy định, gồm huyện Thanh Liêm, Lý Nhân, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý; 2/6 đơn vị có từ 1 đến 3 sân vận động tập trung gồm huyện Bình Lục, thị xã Duy Tiên; 6/6 đơn vị có thư viện. Trung bình mỗi năm, ngành VH,TT&DL huy động được 500 triệu đồng cho công tác tuyên truyền cổ động trực quan, 2 tỷ đồng cho xây dựng và phát triển phong trào, mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, trang phục để phục vụ biểu diễn; tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp trên 30 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích; trên 10 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và hàng chục tỷ đồng cho việc tổ chức các giải thể thao…
Kết quả xây dựng cơ sở vật chất văn hóa ở Hà Nam đã tạo môi trường hoạt động văn hóa lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho các tổ chức đơn vị, doanh nghiệp. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều hướng vào việc bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực. Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH,TT&DL, việc tập trung đầu tư, đồng bộ hóa các thiết chế văn hóa từ cơ sở đến tỉnh thời gian qua đã phát huy tốt vai trò chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Tại Hội nghị Tỉnh ủy quán triệt, triển khai chuyên đề năm 2023 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững”, PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Hà Nam đang trên đà phát triển, diện mạo NTM có những đổi thay vượt bậc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từ nông thôn đến thành thị, từ trường học đến nhà máy, xí nghiệp đều phát triển. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng đã tạo nền tảng cho văn hóa Hà Nam phát triển.
Thực tế, khi triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Hà Nam đã xác định: Để tạo nền tảng cho văn hóa Hà Nam phát triển phải xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh trên cơ sở quan tâm tới công tác văn hóa quần chúng, xây dựng các hoạt động văn hóa, các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa mới, thay đổi các thói quen và nếp sống cũ, xây dựng thói quen và lối sống mới. Cơ sở vật chất văn hóa từng bước được củng cố, hoàn thiện, tạo môi trường hoạt động văn hóa lành mạnh hơn, góp phần xây dựng con người Hà Nam thời kỳ mới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Ngoài hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng với hàng trăm tỷ đồng, hơn chục năm qua, Hà Nam còn xây dựng và phát triển môi trường văn hóa trong các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.
Tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao công nhân lao động được xây dựng trên diện tích 3.200m2, đưa vào sử dụng từ năm 2015 với tổng giá trị đầu tư 15 tỷ đồng. Tại Khu Công nghiệp Châu Sơn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao công nhân lao động cũng được xây dựng có các phòng chức năng hiện đại trên diện tích 6.700m2, với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng. Trên diện tích 4,2 ha, Nhà văn hóa, thể thao gắn liền với khu nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Đồng Văn II được xây dựng với tổng nguồn vốn 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tất cả các hạng mục đầu tư vào năm 2030. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng những thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ các nhu cầu cho công nhân lao động. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 145 thư viện, 190 nhà văn hóa, 23 sân bóng đá, 341 sân cầu lông, 366 sân bóng chuyền, 47 sân bóng bàn, 5 sân tennis, 279 phòng đọc. Hằng năm, tại các trung tâm văn hóa thể thao công nhân lao động, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức, khơi dậy tinh thần thi đua, đoàn kết, sẻ chia giữa các tổ chức công đoàn, người lao động và doanh nghiệp với nhau.
Cũng theo Sở VH,TT&DL, hầu hết các xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa độc lập bố trí cán bộ văn hóa xã hoạt động kiêm nhiệm. Hằng năm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tuyên truyền, cổ động nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và phục vụ nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương. Mỗi xã, phường, thị trấn đều được bố trí từ 10 triệu đồng/năm trở lên từ nguồn ngân sách cho hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở có bước phát triển mạnh mẽ về “lượng” và “chất”. Toàn tỉnh có trên 1.000 câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ với hơn chục nghìn diễn viên, nhạc công không chuyên và gần 2.000 câu lạc bộ thể thao, dân vũ thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia. Các địa phương đã xây dựng hàng trăm tủ sách xã, phường, thị trấn, hơn 1.000 tủ sách, thư viện thôn, tổ dân phố, trường học.
Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết: Trên 90% thôn, xóm có đội văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, sôi nổi góp phần làm phong phú đời sống văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Những câu lạc bộ hát chèo và hát dân ca ra đời khơi dậy trong nhân dân truyền thống yêu ca hát, gìn giữ vốn cổ từ những loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như hát Chầu văn, Dân ca Hà Nam, Chèo cổ, xẩm… Ở Kim Bảng, nhiều thôn xóm còn lấy nhà văn hóa là nơi tổ chức các đám cưới theo hình thức tiết kiệm, tôn vinh nghĩa tình làng xóm. Còn ở xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân mỗi nhà văn hóa thôn trở thành địa điểm tụ họp bà con mỗi chiều giao lưu văn nghệ, thể thao. Nhà văn hóa còn là nơi để nhân dân đến đọc sách hằng ngày…
Chưa bao giờ, ở Hà Nam, phong trào dân vũ lại phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương như hiện nay. Tại Thôn 1 xã Bối Cầu, sau khi nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 1 tỷ đồng, tích hợp các chức năng thư viện, hội họp, thôn đã tổ chức thành lập câu lạc bộ dân vũ của chị em phụ nữ. Nhờ hoạt động này, việc tập hợp nhân dân các thôn, xóm được sáp nhập trở nên gắn kết với nhau hơn. Hay như tại Thanh Liêm, nhờ có các thiết chế văn hóa bảo đảm cho những hoạt động vui chơi, giải trí, hội họp của nhân dân, các câu lạc bộ thể thao, dân vũ ra đời. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Thanh Liêm chia sẻ: Có địa phương sáp nhập 3 xóm với nhau. Một thời gian dài, người dân không thể nào hòa nhập, việc hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hóa của cán bộ, đảng viên và nhân dân gặp khó khăn. Nhưng khi các thiết chế văn hóa được xây dựng, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân, các phong trào thể thao, văn nghệ phát triển đã làm cho nhân dân trở nên đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Quan trọng hơn cả, các hoạt động văn hóa đã khơi dậy tinh thần cống hiến của nhân dân, đưa người dân đến các hoạt động vui chơi bổ ích, tránh xa tệ nạn xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, các địa phương vừa trải qua một thời gian dài hơn chục năm xây dựng NTM, sức dân đóng góp rất nhiều, nếu tiếp tục huy động người dân đóng góp nữa để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Thí dụ như ở Thanh Liêm, bên cạnh nhiều xã có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ sở văn hóa như Thanh Hương, Liêm Phong, Thanh Phong, Tân Thanh, nhiều xã vẫn còn gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa. Vì thế, trên địa bàn huyện chỉ có 27/97 nhà văn hóa thôn bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT – BVHTTDL. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Thanh Liêm cho biết: Mục tiêu cuối cùng là phát huy hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa chứ không phải xây xong để đó. Như ở huyện Thanh Liêm, chúng tôi đã có Đề án xây dựng thiết chế văn hóa, phấn đấu mỗi năm có từ 5-7 nhà văn hóa. Giai đoạn này, chúng tôi phải làm đâu chắc đó. Bởi vì, khi xây dựng các thiết chế này phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ nhằm tạo nền cho sự phát triển văn hóa địa phương. Thiết chế văn hóa sẽ là biểu tượng đẹp cho mỗi thôn làng để nhân dân gắn bó và thấy rõ trách nhiệm bản thân trong xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.