Hà Nam: Đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT quần chúng
28/03/2024 | 08:28Kể từ sau đại dịch Covid-19, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) quần chúng ở Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân có ý thức tập luyện TDTT để nâng cao sức khỏe bản thân. Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong việc tổ chức các hoạt động TDTT đã góp phần làm cho phong trào TDTT, nhất là thể thao cơ sở phát triển sôi động. Đặc biệt, nhiều môn thể thao quốc gia, quốc tế được tỉnh đăng cai tổ chức đã khích lệ tinh thần thường xuyên tập luyện TDTT trong các tầng lớp nhân dân.
Ngoài các môn thể thao và hoạt động TDTT phổ thông, như: bóng chuyền hơi, dân vũ, dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, bóng đá… đến các môn thể thao có yêu cầu cao hơn, như: yoga, thể hình, aerobic, quần vợt, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đang có định hướng phát triển thêm môn thể thao dễ chơi, tiết kiệm kinh tế, nhưng mang lại hiệu quả sức khỏe cao là pickleball. Đây là môn chơi gần với quần vợt, nhưng diện tích sân nhỏ hơn, vợt bằng gỗ và dùng bóng nhựa để đánh tương tự quần vợt. Tuy nhiên, môn thể thao này không phải vận động mạnh như quần vợt hay cầu lông, cũng không quá khó so với môn bóng bàn. Chơi môn pickleball, người chơi sẽ dễ dàng tiếp cận hơn và đặc biệt phù hợp với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Về cơ sở vật chất, không tính các điểm, nhóm TDTT, hết năm 2023, toàn tỉnh có: 249 câu lạc bộ (CLB) thể thao cơ sở ở khu dân cư; 75 CLB thể thao cơ sở ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; 348 công trình đang sử dụng cho hoạt động TDTT. Tuy thể thao cho mọi người đã có sự phát triển, nhưng vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT, nhất là trong giai đoạn mới có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ.
Số lượng cán bộ chuyên môn cấp huyện phụ trách lĩnh vực TDTT còn thiếu và yếu; cán bộ văn hóa xã hội cấp xã kiêm nhiệm; số cộng tác viên TDTT không nhiều, mặc dù đã góp phần làm cho phong trào TDTT phát triển, nhưng chưa sâu, rộng và mang tính liên tục. Lực lượng vận động viên cho các hoạt động TDTT và các giải thể thao cấp huyện, xã không có và mang nặng tính bao cấp nên việc tổ chức các giải thể thao hạn chế, chất lượng và cả ý thức nhiều khi không cao.
Nằm trong lĩnh vực thể thao quần chúng, nhưng thể thao trường học cũng còn nhiều bất cập khi đây thường được coi là môn phụ, môn ít tiết; giáo viên chỉ mạnh về chuyên ngành theo học hoặc theo sở trường nên không thể bao quát và phát triển đa dạng các môn thể thao trường học. Vì thế, dù đa phần các trường học đã được đầu tư sân tập, nhà tập đa năng, nhưng phong trào TDTT học đường nhằm khích lệ tinh thần thể thao của học sinh, giáo dục các em về tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe chưa được như kỳ vọng.
Để nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của sự nghiệp TDTT góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời, để xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT trong giai đoạn mới, vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT&DL đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Kế hoạch nêu rõ phải đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT vào nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển TDTT.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan cho nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT; thực hiện tốt các chiến lược, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển TDTT của Trung ương; xây dựng kế hoạch phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài thể thao của tỉnh.
Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác TDTT, nhất là cấp cơ sở; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; bảo đảm các trường phổ thông có đủ giáo viên thể dục đạt chuẩn về trình độ, số lượng theo quy định; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở công lập về TDTT trong toàn tỉnh, tăng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tăng cường các nguồn lực xây dựng, nâng cấp các thiết chế TDTT từ cơ sở đến cấp tỉnh trên cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có.
Tích cực thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng, thành lập cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT; cung cấp các dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động các liên đoàn thể thao của tỉnh, từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn thể thao thực hiện…