Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

27/11/2023 | 16:38

So với cả nước, Hà Nam là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trên cơ sở Luật Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên ngành, trong đó có việc xếp hạng di tích, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; bảo vệ di vật, cổ vật; xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích để phát huy hiệu quả các giá trị của di tích.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Quy chế xếp hạng di tích cấp tỉnh, những năm qua, việc lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Số lượng di tích xếp hạng tăng nhanh, trung bình mỗi năm xếp hạng được từ 5 – 7 di tích cấp tỉnh, 1 – 2 di tích cấp quốc gia. Tính đến hết tháng 9/2023, Hà Nam có 230 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (chùa Đọi Sơn và đền Trần Thương), 95 di tích cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh.

Được sự quan tâm của Nhà nước, những năm vừa qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Từ năm 2009 đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có gần 80 di tích, cụm di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, có 11 di tích được tu bổ lớn, gồm: chùa Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh.

Hà Nam: Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 1.

Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương. Ảnh: Bình Nguyên

Bên cạnh nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đầu tư kinh phí đối với hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 kèm theo Đề án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; năm 2021, ban hành Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 62 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh được đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn của nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, mỗi năm nhân dân các địa phương, tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh công đức từ 20 – 30 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích. Nhiều di tích đã nhận được sự đầu tư từ nguồn xã hội hóa cao, như: chùa Thạch Tổ, chùa Bào Cừu, đình Hồng Phú, chùa Đọ Xá, đình Lạt Sơn (thành phố Phủ Lý); đình, phủ Ngò, phủ Thượng Vỹ, chùa Giáng (Lý Nhân); chùa Tứ, đền Ba Xã, đền Cửa Rừng, hang Gióng Lở (Thanh Liêm); đình An Bài, đình Đại Phu, chùa Hưng Long, chùa Diễm, chùa Đại Minh (Bình Lục); đình Hoàn Dương, đền Yên Từ, đền Lảnh Giang (thị xã Duy Tiên)…

Các di tích có quy mô lớn, tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, như: chùa Đọi Sơn; chùa Bà Đanh – núi Ngọc; đền Trần Thương; Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, đền Lăng; căn cứ địa Lạt Sơn… danh lam thắng cảnh Tam Chúc, Bát Cảnh Sơn đã và đang được Nhà nước lập quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, cảnh quan không gian và các công trình phụ trợ để trở thành các khu, điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh, đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Ngoài ra, các di tích đã được xếp hạng khác cũng nhận được nguồn đầu tư, tu bổ đã phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.

Hà Nam: Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 2.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Trúc, xã Thi Sơn, Kim Bảng. Ảnh: Bình Chu

Tuy số lượng di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi khá cao, nhưng có thực trạng là di tích xuống cấp không tu bổ bằng vật liệu truyền thống, mà được sửa lại hoặc phá bỏ xây mới bằng kết cấu bê tông sau đó sơn giả gỗ thay thế; nền di tích lát gạch hoa… đã làm mất dần yếu tố nguyên gốc của di tích. Công tác quản lý, bảo vệ đồ thờ, hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia ở các di tích đa phần được lưu giữ tại các di tích hoặc giao cho ban khánh tiết, thủ từ quản lý. Nhưng do công tác bảo vệ, bảo quản chưa chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật, trong đó mất cắp sắc phong, đồ thờ chiếm đa số.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở VH,TT&DL đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý, bảo vệ đồ thờ, hiện vật. Đối với các di vật, cổ vật quý hiếm, như thần phả, sắc phong… phải có phương án riêng để quản lý. Sở VH,TT&DL cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các hiện vật có giá trị cần tập trung bảo vệ, nghiên cứu; đề xuất lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho 6 hiện vật tiêu biểu, gồm: Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên); cuốn sách đồng có tên “Khâm ban đồng bài” xã Bắc Lý, kiệu đình Thọ Chương xã Đạo Lý, khay rồng thờ đình Văn Xá, xã Đức Lý đều thuộc huyện Lý Nhân; khánh đá chùa Điều, xã Vũ Bản (Bình Lục); hương án đá và bệ đá thờ Phật chùa Đặng Xá, xã Văn Xá (Kim Bảng).Căn cứ vào tiêu chí xếp hạng di tích và từ kết quả nghiên cứu phát hiện mới về di tích, trong vòng 10 – 15 năm nữa trên địa bàn tỉnh dự kiến có khoảng 191 di tích có thể đưa vào kế hoạch xếp hạng.

Theo kết quả nghiên cứu từ Bảo tàng tỉnh, sơ bộ thành phố Phủ Lý có 17 di tích, huyện Kim Bảng 9 di tích, huyện Lý Nhân 59 di tích, thị xã Duy Tiên 37 di tích, huyện Bình Lục 62 di tích và huyện Thanh Liêm có 7 di tích. Con số này sẽ được giữ vững và tiếp tục tăng lên nếu các địa phương tiếp tục quan tâm, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp từ nguồn xã hội hóa. Và để các di tích phát huy được giá trị, các địa phương cần chú ý bảo vệ hệ thống văn tự Hán-Nôm (câu đối, văn bia, sắc phong), nghiên cứu khôi phục lại các hoạt động văn hóa dân gian, nghi thức tế lễ, lễ hội truyền thống… đã từng gắn kết và là linh hồn của các di tích.

Theo Báo Hà Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×