Hà Giang: Số hóa di tích để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử
14/05/2024 | 15:27Ứng dụng công nghệ hiện đại, mở ra các trải nghiệm thú vị, cung cấp thông tin nhanh chóng, tiện ích, quảng bá hình ảnh đa chiều, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách... là bước đột phá mà công nghệ số mang lại trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa hiện nay.
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê là nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng. Giai đoạn 1939 - 1942, thực dân Pháp đưa tù chính trị từ các nơi lên giam giữ tại Căng Bắc Mê; lúc đông nhất, số lượng tù chính trị bị giam tại đây lên tới gần 300 người. Mặc cho gông cùm khổ cực, khí hậu khắc nghiệt, các tù chính trị vẫn tìm cách vận động đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, dạy văn hóa, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, năm 2021, tỉnh đầu tư trên 20 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích, trong đó điểm nhấn là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tạo ra sản phẩm du lịch về nguồn hấp dẫn, hiện đại. Không gian trưng bày được thiết kế và bài trí hiện đại, trải nghiệm phòng chiếu 3D với những hình ảnh sống động và chân thực về quá trình hình thành và các diễn biến lịch sử tại Căng; những cuốn sách điện tử với lời chia sẻ, hồi tưởng từ chính những chiến sỹ cách mạng từng bị giam giữ tại đây tạo nên trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn cho du khách. Tại các khu vực xung quanh khu di tích đều có quét mã QR, giúp du khách dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin, hình dung về khu di tích qua không gian mạng. Nhờ vậy, khách du lịch đến huyện tăng đáng kể. Năm 2023, Bắc Mê thu hút trên 65.600 lượt khách, tăng 119% so với năm 2022, đạt 146% kế hoạch. Anh Triệu Văn Nguyên, hướng dẫn viên tại khu di tích chia sẻ: “Thay vì nghe hướng dẫn viên giới thiệu bằng cách truyền thống, nhiều du khách thích thú khi tự mình xem, nghe và cảm nhận về những gì đã diễn ra tại đây hàng chục năm về trước, đánh thức được trong trái tim họ những thổn thức, xúc động và ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, quê hương mình”.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của trên 1.800 Anh hùng liệt sỹ và một mộ tập thể hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giờ đây đã trở thành hoa viên với kiến trúc đẹp, hài hòa, khang trang, có ý nghĩa lịch sử to lớn, đồng thời là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch tâm linh của tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ du khách, người thân, đồng đội tra cứu, tìm kiếm thông tin liệt sỹ, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối với các đơn vị, địa phương đăng ký và đưa vào sử dụng ứng dụng Zalo “Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên” bằng cách tìm kiếm “Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên” hoặc quét mã QR tại nghĩa trang. Thông qua tính năng trả lời tự động, trang Zalo cho phép thân nhân tra cứu thông tin, vị trí phần mộ của liệt sỹ ngay trên điện thoại thông minh. Thân nhân cung cấp càng nhiều thông tin về liệt sỹ thì kết quả tìm kiếm càng nhanh và chính xác. Ngoài ra, thân nhân, đồng đội, các đơn vị có thể đăng ký trước lịch viếng, cung cấp thông tin đoàn viếng và các dịch vụ hỗ trợ để Ban quản lý nghĩa trang chuẩn bị, sắp xếp lễ viếng chu đáo.
Là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức, giới thiệu lịch sử lâu đời và đa dạng văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, Bảo tàng Hà Giang đã được đầu tư, nâng cấp quy mô, hiện đại với nhiều ứng dụng số mang lại hiệu quả rõ nét. Trong đó, các không gian trưng bày được sắp xếp khoa học, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem đến cho du khách quy trình tham quan rõ ràng, mạch lạc. Thiết kế được lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến mang lại hiệu quả truyền tải thông tin và hiệu ứng về mặt thị giác. Tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping, đây là công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều; nội dung phim phản ánh quá trình hoạt động của vỏ trái đất, hóa thạch, hình ảnh về quá trình di cư, tụ cư của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Anh Nguyễn Văn Hưng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Bảo tàng Hà Giang đã bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, tôi rất ngỡ ngàng về ý tưởng trưng bày và công nghệ được áp dụng tại đây. Chúng ta có thể nghe, nhìn, chạm tay và sống với quá khứ hàng trăm đến triệu năm qua những hình ảnh trình chiếu vô cùng sống động, dấp dẫn và chân thật. Một Hà Giang hùng vĩ, lịch sử văn hóa lâu đời có thể thu nhỏ trong những thước phim công nghệ hiện đại, điều đó giúp ích rất nhiều cho du khách”.
Tại nhiều điểm di tích lịch sử, du lịch hiện nay, đặc biệt là trên Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn, các điểm quét mã QR cung cấp thông tin lịch sử, du lịch cũng được đầu tư, lắp đặt, tạo điều kiện rất thuận lợi cho du khách tiếp nhận thông tin. Cùng với đó, các trang website, mạng xã hội như facebook, youtube, fanpage, twitter đều được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp khai thác hiệu quả để tăng cường quảng bá, giới thiệu về mảnh đất và con người Hà Giang trên nền tảng số, qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang ngày càng nhiều hơn. Năm 2023, Hà Giang đón 3 triệu lượt du khách, tăng 32% so với năm trước, tổng thu từ du lịch đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Hiện nay, số hóa được xem là bước phát triển cao của lưu trữ và lưu truyền di sản văn hóa, lịch sử. Số hóa di tích, di sản văn hóa là quá trình chuyển đổi thông tin từ các tư liệu, hình ảnh truyền thống sang phương thức lưu trữ, phương tiện hiện đại như cơ sở dữ liệu số, sản phẩm 3D, bảo vật 3D, website, email, ảnh kỹ thuật số, phim, DVD, MP3, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trước những mối đe dọa xuống cấp, tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và tìm hiểu di tích, di sản một cách linh hoạt và hiệu quả.