Hà Giang: Phát huy truyền thông số trong quảng bá du lịch
14/10/2024 | 09:22Thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch (DL) được các cấp, các ngành quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nổi bật là đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số. Qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đặc trưng và tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư vào DL.
Hà Giang có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình, sản phẩm DL. Hiện nay, tỉnh đã hình thành và khai thác các sản phẩm DL đặc thù chủ yếu như: Du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, làng nghề, cộng đồng, nghỉ dưỡng... Đặc biệt, với địa hình chia cắt mạnh, có tính phân bậc đã tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với thung lũng mở rộng tạo nên nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo, là điều kiện lý tưởng để hình thành các sản phẩm DL khám phá, thể thao mạo hiểm. Phát huy thế mạnh đó, tỉnh tổ chức thường niên các giải thể thao như: Trình diễn đua xe địa hình, bay dù lượn, đua thuyền Kayak, chạy Marathon... Các sự kiện đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm từ các vận động viên chuyên nghiệp, du khách trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Với cảnh sắc hùng vỹ, nên thơ, Hà Giang được lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh, MV ca nhạc và các chương trình truyền hình thực tế. Ngoài bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao” còn có sự góp mặt của các bộ phim đình đám như: Lặng yên dưới vực sâu, Tết ở làng địa ngục, Cha cõng con... Cùng với đó, thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của lực lượng truyền thông cộng đồng trên môi trường số. Từ các kênh truyền thông trên nền tảng số, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ DL chất lượng của Hà Giang được quảng bá, giới thiệu tới du khách thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt. Trong đó, có thể kể đến ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem với ca khúc “Hà Giang ơi”; kênh Youtube “Challenge Me - Hãy Thách Thức Tôi” do Lê Hoàng Nam thực hiện. Hay như các kênh: Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Nguyễn Tất Thắng, A Páo… với hàng ngàn nội dung ấn tượng đã lan tỏa hình ảnh DL Hà Giang trên môi trường số.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm nâng cao công tác phối hợp trong hoạt động truyền thông DL, tạo không gian thông tin đồng nhất và hệ thống chuyên sâu. Trong đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức quảng bá trên các nền tảng số. Ngoài chương trình kích cầu DL tại các tỉnh, thành thường niên, hoạt động quảng bá qua truyền thông số được triển khai thông qua các ấn phẩm như: Hà Giang chào đón, Bách khoa thư DL, Bản đồ DL, ấn phẩm giới thiệu sản phẩm DL Hà Giang kết nối với các điểm du lịch Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc... Trong các chương trình khảo sát, xây dựng, giới thiệu các sản phẩm DL mới, Trung tâm kết hợp với các đơn vị truyền thông uy tín trong nước cùng tham gia quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của DL Hà Giang. Đồng thời, liên tục đổi mới, vận hành hiệu quả các trang thông tin điện tử, fanpage, mạng xã hội và tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin trực tiếp cho du khách qua website để nâng cao khả năng tiếp cận và lan tỏa thông tin.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ngành Văn hóa đã nhanh chóng thích ứng và đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số. Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thê thao và Du lịch tỉnh Triệu Thị Tình chia sẻ: Hà Giang xác định lấy bản sắc văn hóa tộc người, cảnh quan thiên nhiên làm trung tâm cho việc phát triển các sản phẩm DL. Do đó, các nội dung, hình thức truyền thông dựa trên những tiềm năng sẵn có để phổ biến và quảng bá rộng rãi đến mọi du khách. Cho đến nay, hoạt động DL Hà Giang không chỉ được biết đến qua cách thức truyền thống mà các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng, linh hoạt tiếp cận các kênh truyền thông hiệu quả qua nền tảng số. Toàn ngành cũng linh hoạt, sáng tạo tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu lễ hội, bản sắc văn hóa trên các kênh truyền thông của tỉnh và liên kết với các kênh truyền thông số của các cơ quan báo chí T.Ư. Đáng chú ý là truyền thông, quảng bá lễ hội thường niên, mang thương hiệu của Hà Giang trên các nền tảng số, mạng xã hội như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Qua những miền di sản Việt Bắc… Tổ chức các tour du lịch online trải nghiệm, thực hiện nhiều clip quảng bá về danh thắng, di sản, các điểm đến hấp dẫn, ẩm thực vùng miền cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Có thể khẳng định, truyền thông số đã góp phần quảng bá hình ảnh, định vị thương hiệu, đưa DL Hà Giang phát triển ấn tượng và dành nhiều giải thưởng danh giá. Thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực DL; tham mưu phối hợp, đồng hành cùng đội ngũ truyền thông cộng đồng trong thông tin những điểm đến hấp dẫn, sự kiện thường niên, lễ hội truyền thống; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm DL…
Theo Báo Hà Giang