Hà Giang: Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh
02/01/2024 | 09:10Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 12 của UBND tỉnh về giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, văn hóa truyền thống (VHTT) cho học sinh (HS) phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các trường học và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các em HS, VHTT đã "bám rễ" vào thế hệ trẻ, luôn được gìn giữ, phát huy với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.
Là địa phương có 19 dân tộc, trong đó trên 85% là đồng bào dân tộc thiểu số với đa dạng VHTT độc đáo, đặc sắc. Toàn tỉnh có trên 60 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, 370 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT), trong đó trên 20 di sản VHPVT cấp quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều giá trị về lịch sử, địa chất, văn hóa xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHTT được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ. Gần 50% di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo, 34 di sản VHPVT được đầu tư phục dựng. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng lên, các giá trị VHTT như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, làng nghề, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát huy; 18 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản VHTT các dân tộc được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Bên cạnh kết quả đạt được, một số di sản VHTT của các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp hiệu quả để giữ gìn và phát huy giá trị VHTT.
Toàn tỉnh hiện có 816 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường PTDTNT và 194 trường PTDTBT; phần lớn học sinh trên địa bàn tỉnh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, VHTT cho HS phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục đã biên tập và triển khai sử dụng bộ tài liệu: VHTT các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức tích hợp giáo dục VHTT vào chương trình giáo dục và các hoạt động của nhà trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các nhà trường, HS. Các huyện: Mèo Vạc, Bắc Quang, Yên Minh, Xín Mần biên soạn tài liệu về VHTT các dân tộc trên địa bàn phục vụ truyền dạy tại địa phương.
Các trường học xây dựng kế hoạch, triển khai giảng dạy VHTT và lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương thông qua các môn học, các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, trải nghiệm thực tế; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nghệ nhân dân gian tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương; truyền dạy nghề truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc như hát sli, hát lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông, sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính; tổ chức cho HS tìm hiểu các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội mừng lúa mới, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê và các cuộc thi hát, múa, dân ca, dân vũ. Nhiều trường học xây dựng thư viện xanh, sưu tầm, xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ truyền thống, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc tại địa phương.
Giai đoạn 2020 - 2023, các trường học đã tổ chức được 464 buổi tham quan di tích văn hóa lịch sử, làng nghề; mời 387 nghệ nhân dân gian truyền dạy VHTT cho học sinh. Các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh hành lập mô hình câu lạc bộ khèn Mông, sáo Mông, truyền dạy nghề làm khèn Mông, thêu dệt thổ cẩm; các trường học huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê tập trung truyền dạy nghề đan lát, làm đồ trang sức, công cụ lao động, hát Then, đàn Tính, múa cấp sắc dân tộc Dao; Trường TH&THCS xã Xuân Giang, huyện Quang Bình xây dựng Không gian văn hóa dân tộc; Trường THCS thị trấn Vị Xuyên thành lập Câu lạc bộ VHTT đàn Tính, hát Then. Các Trường PTDT nội trú, bán trú cho học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc vào ngày thứ hai đầu tuần, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn.
Liên hoan dân ca, dân vũ học sinh phổ thông cấp tỉnh lần thứ 2, năm 2023 diễn ra tại huyện Quang Bình vừa qua là một sự kiện đặc biệt, các em học sinh được thỏa sức biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống dân tộc. Em Đỗ Cẩm Ly, thí sinh huyện Xín Mần tham gia tại liên hoan chia sẻ: "ngoài tham gia thi biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, chúng em mang đến liên hoan những bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Xín Mần do chính tay các bạn HS tự làm với mong muốn được lan tỏa VHTT của các dân tộc đến với các bạn HS trong tỉnh".
Sùng Thị Duyên, lớp 6, Trường PTDT nội trú Phố Bảng (Đồng Văn) tự hào: "Là người con của dân tộc Mông, em tự hào vì dân tộc mình có nhiều nét VHTT độc đáo, đặc sắc, thông qua các hoạt động truyền dạy văn hóa trong nhà trường, em được các nghệ nhân truyền dạy cách thổi và múa khèn Mông, hát các bài hát dân ca, cùng các bạn tìm hiểu văn hóa các dân tộc khác, em rất thích và mong muốn góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc".
Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo của các địa phương và nhà trường thông qua hoạt động giáo dục và truyền dạy VHTT đa dạng, phong phú, các em HS có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở Hà Giang, có khả năng thực hành biểu diễn một số nhạc cụ dân tộc, hát các làn điệu dân ca và làm nghề truyền thống, góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc VHTT các dân tộc trên địa bàn tỉnh, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc trong các em HS.
Bên cạnh kết quả nổi bật, khó khăn nhất hiện nay trong truyền dạy VHTT tại các trường học kinh phí hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu, một số nhà trường có khuôn viên chật hẹp, thiếu sân chơi, sân tập để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, số lượng nghệ nhân dân gian tại các địa phương không còn nhiều, sức khỏe hạn chế, không thường xuyên tham gia truyền dạy các giá trị VHTT cho HS. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, VHTT cho HS giai đoạn 2021 - 2025, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các địa phương đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện; nhân rộng những mô hình hay, cách làm, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục; phối hợp với Hội nghệ nhân dân gian truyền dạy các giá trị VHTT, có chính sách hỗ trợ, động viên, tôn vinh các nghệ nhân dân gian làm công tác truyền dạy VHTT trong nhà trường; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu phục vụ truyền dạy VHTT, bố trí kinh phí hoạt động tham quan thực tế, tìm hiểu thực tiễn địa phương.