Hà Giang: Giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng bền vững
20/03/2023 | 17:14Tỉnh ta là một trong những địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa đặc trưng của 19 dân tộc cùng sinh sống. Nhiều du khách khi đến Hà Giang đều cho rằng đây xứng đáng là điểm đến mới về DLCĐ gắn với du lịch sinh thái. Để ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, tỉnh ta đã, đang xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp phát triển DLCĐ.
Hà Giang đang sở hữu tài nguyên du lịch thiên nhiên vô giá, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo không nơi nào có được. Đó là Cột cờ Quốc gua Lũng Cú, Làng cổ Lô Lô, kiến trúc Nhà Vương, Cổng trời Quản Bạ, Phố cổ Đồng Văn, chợ Phong Lưu Khâu Vai, đèo Mã Pì Lèng, Vườn tượng Thạch Sơn Thần, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Bãi đá cổ Nấm Dẩn... Có 61 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, Lồng Tồng, Nàng Hai; phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà đến những làn điệu dân ca, dân vũ. Nghề truyền thống như: Dệt lanh Lùng Tám, Cán Tỷ; làm phở Tráng Kìm; nấu rượu ngô ở Thanh Vân (Quản Bạ) và nhiều phiên chợ vùng cao như chợ phiên huyện Đồng Văn, Mèo Vạc…
Ngoài ra, Hà Giang còn là nơi sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ, có Công viên Đại chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Chiêu Lầu Thi (Hoàng Su Phì); thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần) rất thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ DLCĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 13 làng tại 9 huyện, thành phố được UBND tỉnh công nhận là Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu đạt các tiêu chí quốc gia theo Chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm).
Các điểm sau khi được công nhận đi vào hoạt động đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch. Người dân đã chủ động đầu tư xây dựng các homestay, thành lập các đội biểu diễn văn nghệ, cung ứng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, thổ cẩm, dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách. Một số Làng Văn hóa DLCĐ đã từng bước khẳng định thương hiệu, trong đó không thể không nhắc đến Làng Văn hóa DLCĐ thôn Nặm Đăm điểm du lịch cộng đồng được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bên cạnh đó, chính quyền và ngành Du lịch tỉnh đã xây dựng, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; chú trọng nâng cao nhận thức về du lịch trong nhân dân cũng như chính quyền. Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch đến Hà Giang trong tháng 2.2023 đạt 242.000 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 15.547 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 569 tỷ đồng.
Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, trong thời gian tới, Hiệp hội khuyến khích các hội viên tạo điều kiện để nhân viên tham gia các lớp tập huấn về du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Thường xuyên xây dựng các sản phẩm mới hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ điểm du lịch giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tài nguyên thiên thiên, môi trường… Hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn giá trị thiên nhiên - văn hoá dân tộc. Sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành với vai trò kết nối xây dựng các chương trình tour, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình DLCĐ đến du khách, góp ý để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ của các điểm đến. Chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển DLCĐ gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Từng bước chuyển đổi số, tập trung quảng bá điểm đến địa phương trên các trang mạng xã hội: facebook, youtube, zalo, twitter, instagram, hot fanpage (Amazing things in vietnam); nâng cao hiệu quả website du lịch, liên kết với website của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các tỉnh tại khu vực và trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... đặt logo hoặc banner tạo đường dẫn kết nối về website du lịch của tỉnh nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin điểm đến du lịch Hà Giang đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước.
Triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn Hà Giang sẽ sớm trở thành mô hình điểm về phát triển DLCĐ, hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.