Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - chìa khóa phát triển bền vững

03/10/2018 | 23:29

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 55 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (gồm 26 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh); 3 Bảo vật quốc gia và 16 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục Di sản VHPVT cấp quốc gia. Những tài sản quý giá này luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và đem lại giá trị cho sự phát triển KT-XH.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện phân cấp quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng. Qua phân cấp, góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 3 di sản là Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận, gồm: Bảo vật quốc gia Chuông Chùa Bình Lâm (xã Phú Linh), Bia đá Chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức) của huyện Vị Xuyên và đôi Trống đồng Lô Lô (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh); đồng thời, ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phố cổ Đồng Văn…

Các nghệ nhân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) luyện tập các điệu Then, đàn Tính.

Thực tế cho thấy, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đều được quản lý theo Luật Di sản Văn hóa và quy định của pháp luật. Các di tích, danh thắng đều có Ban/Tổ quản lý di tích với các thành viên liên quan từ huyện đến thôn theo quy định. Đặc biệt, các Ban/Tổ quản lý di tích đều xây dựng nội quy, quy chế hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Không những vậy, UBND tỉnh còn tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ các di tích trước nguy cơ xuống cấp, mai một. Từ đó, phát huy hiệu quả giá trị di tích, nhất là với một số di tích có quy mô cấp tỉnh như: Thác Tiên, Đèo Gió (Xín Mần), Chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Chùa Bình Lâm (Vị Xuyên), di tích Căng Bắc Mê (Bắc Mê), Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang)…

Ngoài những di sản văn hóa vật thể, với 19 dân tộc cùng sinh sống, tỉnh ta có vốn di sản VHPVT vô cùng phong phú, đa dạng, tạo nên bản sắc riêng của vùng đất Hà Giang, như: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô; tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Đồng Văn; dân ca của người Bố Y… Thực tế cho thấy, di sản VHPVT là các biểu tượng, hiện tượng không thể cảm nhận bằng tay như di sản văn hóa vật thể; mà di sản VHPVT được lưu truyền qua thời gian với quá trình sáng tạo, tái tạo của cộng đồng dân cư như: Dân ca, âm nhạc, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống… Nếu không có chiến lược gìn giữ, phát huy giá trị thì di sản VHPVT khó tránh khỏi nguy cơ mai một. Do vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản VHPVT được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiện qua nhiều kế hoạch, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc như: Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT trong danh mục di sản VHPVT quốc gia” và “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017 – 2020”… Đặc biệt, giai đoạn 2013 – 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã triển khai bảo tồn Làng truyền thống dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tạo thành điểm nhấn trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2018, ngành xây dựng Dự án “Bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Pà Thẻn” tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình); bảo tồn nghề làm Khèn truyền thống dân tộc Mông tại xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn). Đồng thời, phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL), các huyện, thành phố mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nghi lễ truyền thống cho con em đồng bào các dân tộc, như: Làn điệu dân ca dân tộc Cờ Lao tại xã Sính Lủng (Đồng Văn), dân ca dân tộc Pu Péo, xã Phố Là (Đồng Văn) hay lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính dân tộc Tày tại huyện Quang Bình; truyền dạy kỹ năng thổi và múa Khèn cho con em đồng bào dân tộc Mông tại các huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần…

Một ai đó đã nói rằng: Di sản (văn hóa vật thể, phi vật thể) là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được… Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn cần sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Từ đó, tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” không ngừng phát triển; đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.

Theo hagiang.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×