Hà Giang: Bài trừ hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa
04/06/2021 | 08:28Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền cùng các chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta được nâng lên đáng kể. Mặc dù vậy, ở một số thôn, bản vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân vẫn giữ cách nghĩ, nếp sống không phù hợp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT - XH của địa phương.
Bằng những giải pháp thiết thực và cách làm sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã dần xóa bỏ các phong tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.
Là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đa, có nhiều dân tộc đặc biệt ít người như: Cờ Lao, La Chí, Pà Thẻn, Phù Lá, Bố Y… Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều hoạt động đa dạng như bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống… Nhờ đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy, tạo nên sắc màu văn hóa vô cùng độc đáo cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí, nên một số vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại các phong tục lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống thời nay. Điển hình có thể kể đến như: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức cúng bái khi gia đình có người ốm đau; trong đám tang giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày; thói quen uống nhiều rượu làm bê trễ sản xuất; làm chuồng trại gia súc ở gần nhà… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, lãng phí của cải.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phong tục, tập quán lạc hậu có thể phân chia thành hai loại, gồm: Loại tập tục liên quan mê tín, dị đoan và loại tập tục hình thành từ thói quen, nếp sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù hiện nay, tình trạng tập tục lạc hậu đã giảm đáng kể và chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo thành “rào chắn” cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển KT – XH ở địa phương.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các giải pháp bài trừ hủ tục, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch bổ ích, thiết thực, giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, giảm nghèo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò của Hội nghệ nhân dân gian ở các xã, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống hiện đại.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương, vừa qua, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09, ngày 10.5.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Giang. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt coi trọng vai trò của Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào. Đưa nội dung tuyên truyền bài trừ hủ tục vào trường học nhằm từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức cho thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào thiểu số.
Cùng với đó, tập trung quan tâm đầu tư hỗ trợ đồng bào thiểu số giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh cho nhân dân. Thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời giải quyết. Phát động và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh…
Để bài trừ các hủ tục lạc hậu là việc làm không thể “một sớm, một chiều” mà cần có sự chung tay, chung sức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức cho phù hợp với mỗi dân tộc, vùng miền nhằm đảm bảo vừa xây dựng đời sống văn hóa mới đồng thời vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.