Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 đến 2025: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định

31/07/2021 | 08:44

Trong bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch Bình Định đang phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn; là một điểm đến đảm bảo môi trường du lịch với 3 tốt - an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt; 3 không - không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin…Để làm được điều đó, du lịch Bình Định cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn; lấy du lịch biển đảo làm trọng tâm, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch; bên cạnh đó, cần chú trọng đến đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định - Ảnh 1.

Cụm Tháp Đôi, kiến trúc văn hóa Chăm hút khách du lịch

Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025; song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, ngành Du lịch Bình Định tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và từng bước đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng; phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học tại TP. Quy Nhơn, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh Bình Định - Du lịch khám phá khoa học. Ngoài việc tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và làng nghề, Bình Định cũng chú trọng nâng cấp hoạt động các khu vực, tuyến phố văn hóa - du lịch gắn với biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, vui chơi giải trí về đêm ở TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn…; tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch như: các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn ngoài trời, mua sắm...

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định - Ảnh 2.

Bình Định xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Định đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng được xác định là các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian qua, Sở Du lịch đã xây dựng và hình thành các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng, nhất là các di tích lịch sử liên quan phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, văn hóa Chăm phục vụ khách tham quan du lịch; khảo sát, xây dựng tuyến du lịch dọc theo Quốc lộ 19; phát huy các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định như hát Bội, Bài Chòi, võ cổ truyền… để phục vụ phát triển du lịch. Chưa kể, kết nối chuỗi di sản văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với các giá trị văn hóa phi vật thể (hát Bài Chòi, hát Bội, võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn; cồng chiêng Tây Nguyên) và vật thể (cụm không gian kiến trúc văn hóa Chăm); kết nối sản phẩm du lịch biển, các tour, tuyến với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thời gian qua, ngành Du lịch Bình Định đã phối hợp nhịp nhàng với ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh quy hoạch, xây dựng phương án triển khai các hoạt động khai thác, phát huy giá trị tại một số di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng gắn kết với các hoạt động phát triển du lịch trở thành điểm tham quan du lịch. Đồng thời, phối hợp tổ chức, quảng bá và phục vụ khách du lịch tại các lễ hội: Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội Đô thị Nước Mặn...; tại các sự kiện thể thao như giải chạy VnExpress Marathon, golf, bóng chuyền bãi biển… Bên cạnh đó, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định như Bài Chòi, võ cổ truyền; xây dựng “Đề án xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh”, “Đề án Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020”...

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định - Ảnh 3.

Du lịch Quy Nhơn t với biển xanh, cát vàng làm say đắm du khách

Đánh giá nguồn nhân lực ở các địa phương, trong đó có Bình Định đã đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 413 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó có 353 khách sạn với tổng số phòng đạt 10.068 phòng, 41 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 9 điểm du lịch và 10 cơ sở ăn uống. Năm 2019, số lượng lao động trong ngành du lịch đạt 8.900 lao động; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, lao động du lịch giảm sút mạnh.

Đề xuất như thế nào về các chính sách đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển trong lĩnh vực du lịch.

Bình Định phấn đấu đến năm 2025, số lao động trực tiếp phục vụ du lịch đã qua đào tạo, bồi dưỡng là 16.000 người. Vì thế, ngành Du lịch Bình Định đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch hàng năm có hiệu quả “Đề án Phát triển Nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Định” đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực về du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định - Ảnh 4.

Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa tại huyện Tây Sơn thu hút hàng ngàn người dân và khách du lịch

Trong xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực du lịch, Bình Định khuyến khích thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch; khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; còn nữa, khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Ngoài ra, Ngành Du lịch tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động phục vụ khách du lịch quốc tế, nhất là các thị trường khách mục tiêu của tỉnh (Hàn, Nhật, Nga…) như hướng dẫn viên, lễ tân, bàn, bếp…

Trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Nhà nước, doanh nghiệp có cơ chế đặt hàng các cơ sở đào tạo để đào tạo về du lịch. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính sách, các cơ sở đào tạo đóng vai trò đào tạo theo đặt hàng và các đơn vị kinh doanh du lịch đóng vai trò tổ chức triển khai, tiếp nhận nhân lực đã qua đào tạo. Ngoài ra, cũng khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch, nhất là các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hoặc các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có uy tín, thương hiệu.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Bình Định - Ảnh 5.

Nón ngựa Phú Gia mang nét độc đáo, đậm bản sắc văn hóa Bình Định

Chúng ta cần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch hướng đến chuẩn quốc tế; thay đổi phương pháp giảng dạy của giảng viên, học tập của sinh viên theo hướng tích cực, chủ động gắn với thực tế nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch. Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch; tạo cơ sở kiến tập, thực tập cho học sinh và sinh viên; tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc...

Báo Văn Hóa, Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc sở Du lịch Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×