Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 đến 2025: Cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển du lịch
03/08/2021 | 10:11Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn từ nhận thức, cơ cấu thị trường, hệ thống dịch vụ, sản phẩm… của ngành Du lịch, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh thúc đẩy du lịch phát triển phù hợp với tình hình mới. Là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Du lịch cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi sớm nhất, tuy nhiên, muốn phục hồi, doanh nghiệp phải tồn tại được trước đã.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, dịch vụ mới
Trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2019 đã đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 32 tỉ USD, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP và lan tỏa gián tiếp tới gần 18% GDP. Từ năm 2020 đến nay, du lịch toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid- 19, Du lịch Việt Nam cũng rơi vào thảm cảnh chưa từng có. Có thể nói chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam đứng trước khó khăn và thử thách lớn như hiện nay, thiệt hại năm 2020 ước tính đã lên tới 23 tỉ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như: hàng không, lưu trú, ăn uống.
Một kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 126.565 doanh nghiệp cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19, trong đó ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%... Qua đại dịch Covid -19, càng thấy rõ vai trò và sức ảnh hưởng mang tính tác động của ngành Du lịch tới nền kinh tế là rất lớn vì là ngành kinh tế tổng hợp. Đến giờ, khi dịch Covid-19 bùng phát ở khắp nơi, nặng nề nhất là TP.HCM, đầu tàu kinh tế, du lịch của cả nước thì ảnh hưởng tới ngành càng trầm trọng hơn. Du lịch gần như tê liệt hoàn toàn. Bao nhiêu sức người, sức của đều dồn vào chống dịch.
Hiện nay, trong tình hình thị trường du lịch quốc tế chưa mở trở lại do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nước vẫn áp dụng chính sách kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt, tỉ lệ người tiêm vắc xin còn ít… thì thị trường du lịch nội địa đang trở thành “cứu cánh” của ngành Du lịch Việt Nam. Đòi hỏi, phải có những chính sách tổng thể để lấy lại tốc độ phát triển trước đây trong giai đoạn bình thường mới và để du lịch nội địa thật sự trở thành trụ cột chính của ngành Du lịch.
Với góc độ là một doanh nghiệp kinh doanh hàng không và lữ hành, chúng tôi đề xuất một số giải pháp vĩ mô và các kiến nghị để phát triển ngành Du lịch nói chung và khẳng định vị thế của du lịch nội địa nói riêng.
Đầu tiên, cần nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Về nội tại, ngành Du lịch cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong 5 năm tới và chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của Du lịch. Rõ ràng, đại dịch Covid- 19 đã tạo ra nhu cầu mới, làm thay đổi hoàn toàn thị trường du lịch trong nước. Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các kết nối vùng liên kết du lịch; thành lập các Cơ quan quản lý điểm đến để quản lý phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch cho vùng; đẩy mạnh công tác quảng bá trong nước. Quảng bá chung Năm Du lịch quốc gia cho vùng thay vì từng địa phương như hiện nay để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn kích cầu cho thị trường nội địa.
Có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu về lữ hành tại Việt Nam, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia về du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi thuế… Từ đó hình thành và củng cố vai trò của những doanh nghiệp mạnh, đủ tiềm lực đột phá, phát triển; đưa du lịch Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Cũng cần có những cơ chế, chính sách để phát triển gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách bằng mô hình kinh tế ban đêm, du lịch đêm để tạo thêm những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung và khách du lịch nói riêng
Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trở lại cần ban hành nhanh, kịp thời và thực chất để triển khai ngay trong thực tế mới phát huy được hiệu quả. Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm.
Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, vì thế, Chính phủ cần tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông nhiều hình thức tới các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn tại các cảng hàng không lớn như: Hà Nội, TPHCM. Tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông. Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Trước tiên phải cứu doanh nghiệp đã
Muốn gì thì gì, các doanh nghiệp phải sống được mới có thể phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Vì thế, theo tôi, Nhà nước cần tạo cơ chế và chính sách môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng trong nước phát triển du lịch. Cho phép các doanh nghiệp trong ngành được khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay đến hết năm 2021 để các doanh nghiệp phục hồi và tái lập hoạt động sau dịch.Hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số phù hợp với định hướng cơ cấu mới của thị trường khách du lịch.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.
Mọi việc đều bắt đầu từ con người, Nhà nước cần phải có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch.Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện cho phát triển du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch. Thành lập Sở du lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển du lịch theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế.
Đẩy nhanh hơn việc tiêm vắc xin toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng, mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Xây dựng các quỹ tài chính hỗ trợ cho ngành Du lịch dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp cho khách trong năm 2021. Điều này sẽ giúp khuyến khích và tác động kích cầu được 1 lượng khách rất lớn đi du lịch trong nước, giúp hệ thống người lao động dịch vụ phía sau có được việc làm, các doanh nghiệp duy trì được hoạt động và đội ngũ nhân sự. Gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm 2021 đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp du lịch là thiếu vốn để tái lập hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn vay tiền từ ngân hàng phải có tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp du lịch lữ hành chỉ có uy tín và thương hiệu - những thứ mà không ngân hàng nào nhận thế chấp. Vì thế, cần có cơ chế mới để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay khả thi, được vay tín chấp.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện... cần chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ, miễn giảm các khoản thu phí tham quan, tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước. Ngành Du lịch cũng cần đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch, xây dựng nền tảng số dùng chung cho toàn ngành và toàn xã hội. Trong đó, số hóa toàn bộ hệ thống ngành nghề bổ trợ du lịch từ dịch vụ vận chuyển đến lưu trú, ăn uống, điểm tham quan, di sản, kể cả cổ vật trong bảo tàng để thành tài nguyên chung để phục vụ phát triển du lịch.
Báo Văn hóa, NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT, Công ty Du lịch Vietravel