Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 đến 2025: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
24/07/2021 | 16:18Thời gian qua, việc phát triển du lịch dựa trên những giá trị văn hóa đặc trưng của các địa phương trong đó có Quảng Nam đã phát huy hiệu quả, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, trong tình hình mới, để phát triển du lịch, bên cạnh việc phát huy thế mạnh là nền tảng văn hoá, các địa phương cũng cần xây dựng các nhóm giải pháp có tính khả thi
Phát huy giá trị văn hóa đặc trưng thành sản phẩm du lịch .
Quảng Nam- mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng với 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn; nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Nơi đây còn có hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng,…
Thời gian qua, các sản phẩm du lịch độc đáo ở Khu phố cổ Hội An cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian, Lễ hội đèn lồng... được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, một số lễ hội dân gian, ca múa nhạc truyền thống của dân tộc Chăm đã được tái hiện nhằm phục vụ du khách, đồng thời đã làm sống lại “cái hồn” của khu di tích này.
Bên cạnh đó Quảng Nam còn xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ hấp dẫn tại các điểm đến khác như: Hồ Phú Ninh, Làng cổ Lộc Yên, vườn Sâm tại huyện miền núi Nam Trà My,…
Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trên 20% mỗi năm; Năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 764.000 lượt khách quốc tế. Sau hơn 20 năm tái lập (1999 - 2019), quy mô khách đến Quảng Nam tăng gấp 25 lần. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó, khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ.
Có thể nói, những nền tảng văn hóa mà Quảng Nam có được chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân. Với những tài sản vô giá ấy, một trong những thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Nam là tìm ra phương án bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, đồng thời duy trì tính đa dạng văn hóa hiện có của các dân tộc địa phương.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp quy liên quan cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị các DSVH; các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Đối với 2 DSVHTG, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu Di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2020; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DSVHTG đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2020. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của Đô thị nói riêng, hệ thống di tích, di sản văn hóa ở thành phố Hội An nói chung được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của thành phố và cả cộng đồng người dân chung tay thực hiện.
Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều công trình nghiên cứu và dự án tu bổ, phục dựng được thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chính phủ Ấn Độ, Italia, …góp phần ổn định kết cấu kiến trúc, gia cố vững chắc các tường tháp, góp phần hoàn thiện cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm của di sản, phục vụ việc tham quan của du khách. Bên cạnh đó, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa quốc tế New Delhi (Ấn) Độ dịch thuật hệ thống văn bia; phối hợp với các tổ chức MUTSUBISI, JICA sưu tầm tư liệu, xuất bản các ấn phẩm văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu di sản đến với du khách trong và ngoài nước,…
Thời gian tới, để di sản văn hóa tiếp tục trở thành động lực cho sự phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp có tính khả thi mang lại hiệu quả thiết thực.
Thứ nhất, tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị hai DSVHTG Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn gắn với phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị tích cực trong tín ngưỡng dân gian. Qua đó, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có: Phố cổ Hội An, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An; tổ chức chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên); Làng Bích họa Tam Thanh, Địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ); Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Khu du lịch sinh thái Rừng Hà Gia (Điện Bàn); Làng du lịch cộng đồng xã Tam Hải (Núi Thành)...; Xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường khách theo hướng du lịch xanh, bền vững dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa bản địa.
Thứ hai, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Quảng Nam đến với du khách, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống của tỉnh; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hoá, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Thứ ba, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào dân cư bản địa; phát triển du lịch có trách nhiệm hướng tới chia sẻ hài hòa các lợi ích, trong đó đảm bảo lợi ích cho cộng đồng và du khách; lấy lối sống, sinh kế, văn hóa bản địa cùng với sự hiếu khách và môi trường văn minh là yếu tố hấp dẫn và mục tiêu phát triển điểm đến.
Theo Báo Văn hóa, Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam