Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Xây dựng văn hóa gia đình - Nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa
31/07/2021 | 10:41Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030, đề ra 12 nhiệm vụ lớn, trong đó nhiệm vụ thứ 3 về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh" có đề cập đến xây dựng văn hóa gia đình. Trong lĩnh vực phát triển văn hóa tinh thần, nhiệm vụ xây dựng văn hóa gia đình có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết các nhiệm vụ khác- vì con người từ các gia đình có mặt ở tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội. Do đó xây dựng văn hóa gia đình có thể được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6) vừa qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tải nhiều bài viết và phát biểu của lãnh đạo đất nước nói về vị trí, vai trò của văn hóa gia đình trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Với tinh thần: “Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người.Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Tiêu chí xây dựng gia đình Việt Nam là: Ấm no, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em”. Đó là mục tiêu, là ước vọng tốt đẹp, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải trả lời được câu hỏi: Làm cách nào để đạt được những ước muốn đó? Sau đây là những phân tích sâu hơn những khía cạnh cốt lõi nhất của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay để thấy nhiệm vụ đó khó khăn, phức tạp như thế nào?
- Làm thế nào để gia đình là "tổ ấm":
Người xưa có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" - tức là mỗi gia đình có hoàn cảnh và điều kiện sống vật chất và tinh thần khác nhau. Mặt khác, bản chất của xã hội là "Chín người, mười ý" nên không thể tránh khỏi sự nảy sinh mâu thuẫn trong lao động mưu sinh và giao tiếp hàng ngày. Cho dù là những người trong cùng một gia đình cũng khó tránh khỏi có lúc mâu thuẫn. Tuy nhiên không phải mâu thuẫn nào cũng dẫn đến xung đột, và không phải mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết êm xuôi mà tùy thuộc vào mức độ mâu thuẫn và cách giải quyết của mỗi người trong cuộc.
Trong văn hóa gia đình, quan hệ hôn nhân đóng vai trò trung tâm. Nó chi phối hầu như tất cả các mối quan hệ khác trong đời sống gia đình. Nó quyết định việc gia đình ấy có phải là tổ ấm hay không? Tuy nhiên ngày nay ở Việt Nam và cả trên thế giới, tình trạng ly hôn đã trở nên khá phổ biến và có chiều hướng ngày càng tăng. Vậy đâu là nguyên nhân? Và văn hóa gia đình có đứng trước nguy cơ tan vỡ không? Ngăn chặn nó bằng cách nào?
Ai cũng biết, mỗi cuộc ly hôn là làm nguội lạnh một "tổ ấm". Nhưng như thế không có nghĩa là cứ duy trì hôn nhân bằng mọi giá thì có thể giữ được hơi ấm gia đình, mà còn có không ít những trường hợp ngược lại. Tuy hôn nhân không tan vỡ nhưng ở trong nhà còn lạnh hơn ở ngoài sân. Như câu chuyện này ở TP.HCM: Có một người mẹ cố gắng chịu đựng cuộc hôn nhân không còn nhu cầu chia sẻ. Vì nghĩ rằng mình đang hy sinh vì con cái để cho nó có một gia đình. Nhưng 20 năm sau, khi tình cờ đọc được nhật ký của cô con gái đã 30 tuổi mà chưa dám quen bạn trai vì nó sợ sẽ có cuộc hôn nhân lạnh nhạt như của bố mẹ. Lúc đó người mẹ mới hiểu là mình đã vô tình làm hại con vì nó phải sống trong một gia đình nhưng không phải là tổ ấm.
Ngày nay, có quá nhiều lý do để ly hôn như do kinh tế, cách dùng tiền bạc, lối sống khác nhau, bạo hành gia đình, quan hệ nội ngoại, do con cái... Thậm chí có cả những cuộc ly hôn "vô căn" mà ngay cả người trong cuộc cũng không thực sự hiểu rõ. Nếu chỉ nhìn vào số lượng và tỷ lệ ly hôn có chiều hướng gia tăng thì có thể nhận định: văn hóa gia đình đang xuống cấp nhưng nếu dùng biện pháp hành chính hay luật pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ly hôn thì văn hóa gia đình có trở nên tốt đẹp hơn không? Nếu hôn nhân danh nghĩa vẫn tồn tại nhưng gia đình không còn là tổ ấm thì hệ quả tiêu cực đối với văn hóa xã hội có lẽ cũng không kém so với tình trạng ly hôn. Do đó trong chiến lược phát triển văn hóa cần có cái nhìn đa chiều và thực tế hơn về văn hóa gia đình để có ngày càng nhiều những "tổ ấm" thực sự với sự hài hòa về vật chất và tinh thần.
- Bình đẳng giới và giá trị giới trong xã hội và gia đình Việt Nam
Ở Việt nam, từ năm 2009 khái niệm bình đẳng giới được sử dụng nhiều khi chính thức tham gia công ước CEDAW 1979 về "Bình đẳng giới" của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã nêu rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo…" và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”… Đến Hiến pháp năm 1992, Luật Bình đẳng giới năm 2006, đến Nghị quyết đại hội X... đều đề cập đến bình đẳng giới. Nhìn chung, về pháp lý, bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới là thống nhất nhưng một số quan niệm. Cụ thể về hành vi bình đẳng thì có những điểm khác nhau, phản ánh sự khác biệt về văn hóa. Điều đó có thể nhận thấy qua việc tiếp thu chương trình bình đẳng giới do tổ chức quốc tế tài trợ. Ở lớp tập huấn bình đẳng giới cho một trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình ở TP.HCM, giáo trình nêu ra một trường hợp mô phỏng: Có “một cặp” ở chung với nhau, một người dậy sớm, đi chợ, ăn sáng xong thì đi đến quán bar, người kia dậy muộn hơn, ăn sáng xong thì đi đến mỹ viện. Hỏi ai là nữ, ai là nam? Phân tích theo quan niệm của người Việt thì không phân biệt được nên đáp án của giáo trình là không cần phân biệt giới tính theo hành vi - như thế mới là bình đẳng giới. Ngoài ra, giáo trình còn giới thiệu một số quan niệm khác như: Đàn ông ở nhà làm nội trợ là chuyện bình thường. Khi thấy một bé trai khóc thì không được nói: Là con trai sao lại khóc - vì như thế là "áp lực giới". Như vậy, quan niệm bình đẳng giới của phương Tây không sai về luật pháp. Vì không ai cấm phụ nữ uống rượu. Không ai cấm đàn ông đi chăm sóc da. Nhưng quan niệm đó giống như sự "cào bằng" các giá trị giới. Ngược lại, văn hóa truyền thống Việt Nam lại rất đề cao các phẩm chất riêng của từng giới. Cụ thể là từ xa xưa đã có câu: "Làm trai cho đáng nên trai, Phú xuân đã trải, Đồng Nai đã từng". Phụ nữ thì đề cao "Công, dung, ngôn, hạnh". Đến thời kháng chiến có khẩu hiệu: "Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang"... Những quan niệm truyền thống về giá trị giới như thế vẫn là chủ đạo ở Việt Nam.
Nhìn chung việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực và rõ nét ở quy mô xã hội và gia đình. Cụ thể là: Số lượng và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo là phụ nữ trong chính quyền và các cơ quan đã nâng cao đáng kể. Việc cất nhắc, đề bạt không còn phân biệt nhiều về giới tính. Ở lĩnh vực kinh tế, đã có rất nhiều nữ doanh nhân thành đạt từ địa phương đến tầm quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không phải chỉ do thực hiện Luật Bình đẳng giới mà chủ yếu do đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế đã tạo ra cơ hội cho phụ nữ thể hiện tài năng.
Ở phạm vi gia đình đã giảm nhiều tình trạng bạo hành, gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong việc tố cáo bạo hành, đã dám chủ động ly hôn để tự giải phóng khỏi những cuộc hôn nhân "Chồng chúa, vợ tôi". Tuy nhiên, đó là cái nhìn tổng quan về văn hóa gia đình ngày nay nhưng bên trong đời sống xã hội và gia đình vẫn còn không ít những biểu hiện tiêu cực từ cả hai xu hướng. Một là bảo thủ, giữ nguyên những quan niệm lạc hậu, mê tín như: Trọng nam khinh nữ, lối sống chồng chúa, vợ tôi, môn đăng hộ đối. Xu hướng thứ hai là là ảnh hưởng lối sống phương Tây, thực hiện bình đẳng giới cực đoan, xa rời những giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Những hiện tượng đó đã nhiễm vào một vài nhà nghiên cứu văn hóa, một vài nhà văn. Họ tuyên truyền về đấu tranh cho "nữ quyền" như sự đối kháng với "nam quyền". Họ còn cho rằng những phẩm chất "Công, dung, ngôn, hạnh" đã lỗi thời, tiết hạnh đã lạc hậu, Một số "tín đồ" của bình đẳng giới cực đoan còn lập các trang mạng để công khai văng tục, chửi thề, phát ngôn phản cảm như để chứng tỏ mình chẳng kém gì đàn ông. Một vài gia đình ở thành phố còn phân chia công việc nhà cho vợ và chồng theo kiểu bằng nhau, không cần biết có thích hợp hay không với kỹ năng của từng giới. Lối sống ấy có thể phù hợp với một số người nào đó. Tuy chưa nhiều nhưng không nên coi thường vì nó có khả năng "lây lan" trong giới trẻ. Có lẽ phần nhiều các gia đình Việt Nam hiện nay vẫn thích ứng tốt hơn với mô hình gia đình theo văn hóa truyền thống. Mặc dù mô hình đó chưa phải là hoàn hảo nhưng vẫn là gam mầu chủ đạo trong bức tranh văn hóa gia đình Việt Nam
Xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam để trở thành "tổ ấm" trên cơ sở thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa. Đương nhiên phải có rất nhiều biện pháp đồng bộ. Nhưng giải pháp căn cơ và lâu dài phải chăng là: Xây dựng những giá trị giới hiện đại theo quan niệm văn hóa truyền thống Việt Nam. Nói theo cách đơn giản và dễ hiểu là khi nào "Đàn ông ra đàn ông", "Phụ nữ ra phụ nữ". Tức là có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất của nam giới và nữ giới thì tự nhiên có các gia đình bình đẳng, hài hòa trong khác biệt. Thay vì tìm cách tạo ra những gia đình bình đẳng giới cực đoan thực dụng và khô cứng.