Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Việc nào là trọng tâm, là nhiệm vụ quan trọng nhất
20/07/2021 | 20:40Nhìn trong tổng thể Dự thảo “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030” (dưới đây gọi tắt là “Dự thảo Chiến lược 2030”) đã có những thay đổi lớn theo hướng đơn giản hóa về cấu trúc nội dung và hình thức trình bày so với “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến 2020” công bố năm 2009 (gọi tắt là “Chiến lược 2020”).
Nếu Chiến lược 2020 dài hơn 22 nghìn chữ trình bày dưới dạng một văn bản độc lập ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng thì Dự thảo Chiến lược 2030 với độ dài hơn 8 nghìn chữ.
Về cấu trúc thì Chiến lược 2020 có cấu trúc khá bài bản với 5 phần (Thực trạng - Bối cảnh - Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ - Giải pháp - Tổ chức thực hiện), trong khi Dự thảo Chiến lược 2030 chỉ có cấu trúc 3 phần (Quan điểm - Mục tiêu - Nhiệm vụ và giải pháp). Nếu việc trình bày ngắn gọn, đơn giản là một ưu điểm thì việc bỏ qua phân tích thực trạng và bối cảnh là một hạn chế, gây cảm giác thiếu thuyết phục. Phân tích thực trạng thực chất là một tổng kết về hiệu quả của Chiến lược phát triển giai đoạn trước. Việc đánh giá chính xác mặt mạnh, mặt yếu của giai đoạn trước sẽ cho phép xác định đúng trọng tâm cần làm trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung phần phân tích thực trạng và bối cảnh, cần xem đây là việc không thể không làm.
Việc ghép “Nhiệm vụ và giải pháp” vào chung trong một phần cũng có hai mặt: mặt lợi là tiện thể hiện những việc mang tính “nước đôi”, vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp, nhưng mặt bất lợi là có thể gây lẫn lộn giữa nhiệm vụ và giải pháp, dẫn đến đánh giá không chính xác vai trò của mỗi việc.
Về các nhiệm vụ và giải pháp
Dự thảo Chiến lược 2030 xác định 12 “nhiệm vụ và giải pháp”; trong đó trừ việc cuối cùng được ghi rõ là “Giải pháp tài chính” thì trong 11 việc còn lại có ba việc không trực tiếp phát triển văn hóa, chúng có thể xem là mang tính “nước đôi” (vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp). Đó là: “Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế văn hóa”, “Phát triển nguồn nhân lực”, và “Nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa, nghệ thuật”. Hai việc sau đứng ở vị trí áp chót (thứ 10 và 11), đã thể hiện rất rõ tính “nước đôi” này.
Riêng việc “Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế văn hóa” thì ngược lại, hiện được đặt ở vị trí đầu tiên. Cho dù đây là việc rất quan trọng, nhưng nếu đặt ở vị trí đứng đầu sẽ gây lẫn lộn giữa nhiệm vụ và giải pháp. Trong Chiến lược 2020 cũng có việc “Hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa”, nhưng đã được đặt ở vị trí cuối cùng, cho thấy việc này được đánh giá là giữ vai trò hỗ trợ cho các nhiệm vụ phát triển văn hóa. Vì vậy, trong 12 nhiệm vụ và giải pháp của Dự thảo Chiến lược 2030, chúng tôi đề xuất đặt việc “Hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa” ở vị trí thứ 9 là vị trí giáp ranh giữa các nhiệm vụ và giải pháp. Trước nó sẽ là 8 nhiệm vụ hoàn toàn phục vụ cho việc phát triển văn hóa; sau nó sẽ là 2 việc thiên về giải pháp và 1 việc là giải pháp hoàn toàn.
Như vậy trừ ra 3 việc thiên về giải pháp và giải pháp hoàn toàn, trong Dự thảo Chiến lược 2030 còn lại 9 nhiệm vụ; về số lượng cũng bằng 9 nhiệm vụ của Chiến lược 2020. Tuy nhiên, về thành phần thì khác hẳn. Chín nhiệm vụ trong Chiến lược 2020 chủ yếu là các bình diện (như: di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học - nghệ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng, thông tin đại chúng…). Chín nhiệm vụ trong Dự thảo Chiến lược 2030 không sa đà vào liệt kê theo các bình diện mà có phần khái quát hơn, trong đó nêu ra được một số nhiệm vụ cập nhật, mang tính thời sự cao (như: phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số).
Về nhiệm vụ quan trọng nhất
Câu hỏi đặt ra là trong số 9 việc thì việc nào là trọng tâm, là nhiệm vụ quan trọng nhất? Việc trả lời câu hỏi này rất cần thiết vì nó sẽ giúp tập trung trí tuệ và điều kiện cho nhiệm vụ mang tính quyết định, tránh sự đầu tư dàn trải.
Có một việc như thế, đó chính là nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Con người sáng tạo ra văn hóa; văn hóa luôn đi đôi với con người. Nếu tập trung xây dựng được con người Việt Nam phát triển toàn diện thì mọi nhiệm vụ khác sẽ theo đó được hoàn thành. Nếu không xây dựng được con người phát triển toàn diện thì mọi việc khác sẽ chỉ là hao tiền tốn của.
Trong Dự thảo Chiến lược 2030, việc “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” hiện đang đứng ở vị trí thứ hai. Nếu chuyển nhiệm vụ “Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế văn hóa” xuống vị trí thứ 9 như vừa đề xuất ở trên thì việc “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” sẽ trở thành đứng ở vị trí thứ nhất. Trong Chiến lược 2020, việc “Xây dựng con người, lối sống văn hóa” cũng đứng ở vị trí đầu tiên.
Nội dung việc “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” trình bày trong Dự thảo Chiến lược 2030 hiện nay là khá đầy đủ, song thiên về miêu tả, thiếu khái quát hóa; cũng do vậy mà mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm, thiếu điểm nhấn. Để khái quát hóa, tìm ra trọng tâm, điểm nhấn, thì cần có sự phân tích thực trạng với việc đánh giá mặt mạnh mặt yếu, là điều đã bị bỏ qua trong Dự thảo Chiến lược 2030 này.
Xem lại phần phân tích thực trạng trong Chiến lược 2020 thì thấy những mặt yếu về vấn đề con người được xác định từ 10 năm trước đến nay cơ bản vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu. Đó là “Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tượng càn quấy, coi thường luật pháp, làm mất an toàn xã hội; bạo hành trong gia đình, trên sân cỏ; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; căn bệnh “vô cảm” đối với nỗi đau của con người; nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu dân, mất đoàn kết của một bộ phận cán bộ, đảng viên… đang làm nhức nhối dư luận xã hội”.
Nguồn gốc của tình trạng này là sự xung đột về hệ giá trị, khi mà Việt Nam xuất phát từ một xã hội nông nghiệp - nông thôn - nông dân đang chuyển mạnh sang một xã hội công nghiệp - đô thị - công dân; từ một hệ giá trị lấy ổn định làm mục tiêu chuyển sang một hệ giá trị lấy phát triển làm đích đến. Một khi các hệ giá trị cũ mới xung đột với nhau, sẽ có những cái xưa từng là giá trị hiển nhiên nay có thể trở nên lỗi thời, cần phải loại bỏ; lại có những cái xưa không được thừa nhận nay đang trở thành giá trị phải chấp nhận, không thể từ chối hoặc bỏ qua. Ðây là lúc cái tốt cái xấu đang đan xen nhau; cái bảo thủ và cái tiến bộ đang cùng tồn tại, đấu tranh với nhau, khó bề phân biệt. Bởi vậy nếu không sớm chủ động nhận thức, hoàn thiện và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người, để thúc đẩy việc chuyển đổi diễn ra một cách tích cực thì quá trình này sẽ diễn ra khó khăn và chậm chạp, chúng ta sẽ sa lầy trong mớ bùng nhùng, bị nhốt dưới cái “trần thủy tinh” vô hình mà không biết và do vậy khó bề thoát ra.
Như thế, trong nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”, công việc chính phải là “xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Việc này đã có được nhắc đến nhưng hiện đang hòa lẫn vào nhiều nội dung khác, chưa được đưa lên thành điểm nhấn.
Mọi hệ giá trị mới xây dựng đều gồm hai bộ phận là những giá trị truyền thống tốt đẹp cần bảo tồn và những giá trị mới được bổ sung, thay thế cho những cái lỗi thời. Ðể xây dựng được hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, điều quan trọng nhất là cần xác định được những giá trị truyền thống nào cần được bảo tồn và phát triển, những giá trị nào đang trong quá trình suy thoái, và những cái gì đang là thói hư tật xấu cần phải loại bỏ.
Trong ba việc ấy, cần kíp và quan trọng nhất, và cũng khó khăn nhất, luôn luôn là việc xác định và thừa nhận các thói hư tật xấu (phi giá trị). Cần kíp và quan trọng bởi sẽ không thể nói đến việc chữa bệnh nếu người bệnh không nhận ra và thừa nhận là mình có bệnh. Khó khăn là vì người Việt Nam vốn có truyền thống “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, “Không vạch áo cho người xem lưng”. Trong khi đó, ở những giai đoạn chuyển mình, thì các tật xấu thường nổi lên, có khi còn rõ hơn cả những giá trị, cho nên sự cần kíp, quan trọng và khó khăn càng tăng lên gấp bội.
Về mặt này, có thể nói Ðảng ta đã có cái nhìn thật sự dũng cảm, khách quan. Bên cạnh việc ghi nhận đúng mức những thành tích và cố gắng, trong nhiều năm qua, Ðảng ta đã xác định rằng số lượng cán bộ, đảng viên suy thoái là “một bộ phận không nhỏ”, đã quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực “không có vùng cấm”. Báo cáo Chính trị tại Ðại hội XIII vừa qua tiếp tục thẳng thắn thừa nhận: “Vai tròcủa văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”; “Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”.
Như thế, Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 chỉ có thể thành công khi hoàn thành được nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Mà nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” chỉ thực hiện được khi hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đưa vào cuộc sống.
Câu hỏi đặt ra là trong số 9 việc thì việc nào là trọng tâm, là nhiệm vụ quan trọng nhất? Việc trả lời câu hỏi này rất cần thiết vì nó sẽ giúp tập trung trí tuệ và điều kiện cho nhiệm vụ mang tính quyết định, tránh sự đầu tư dàn trải.
Có một việc như thế, đó chính là nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Con người sáng tạo ra văn hóa; văn hóa luôn đi đôi với con người. Nếu tập trung xây dựng được con người Việt Nam phát triển toàn diện thì mọi nhiệm vụ khác sẽ theo đó được hoàn thành. Nếu không xây dựng được con người phát triển toàn diện thì mọi việc khác sẽ chỉ là hao tiền tốn của.