Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ qua gia phả phải được quan tâm đúng mức

02/08/2021 | 14:00

Nói tới truyền thống là nói đến những giá trị văn hoá kết tinh qua những thử thách lịch sử nhất định để hợp thành những “dòng chảy” mang tính chất nguồn mạch văn hóa - xã hội trong đó gia đình, dòng họ chính là thành tố đóng vai trò quan trọng mà gia phả như là một bộ “gia sử”, đồng thời có thể là bộ phận của sử liệu địa phương, quốc gia, dân tộc.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ qua gia phả phải được quan tâm đúng mức - Ảnh 1.

Truyền thống tốt đẹp của dòng họ trở thành động lực thôi thúc cá nhân phấn đấu vươn tới những mục tiêu tốt đẹp

Phải đặt trong quan hệ với văn hóa địa phương, quốc gia, dân tộc và nhân loại

Nói một cách hình tượng rằng, nếu việc xây dựng Gia phả là tìm “bột (để gột nên hồ)” thì giáo dục (truyền thống gia đình và dòng họ) chính là việc đem “hồ (đã được gột)” để sử dụng trong việc nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy truyền thống trong thực tế đời sống của gia đình và dòng họ… Không có “bột” thì sẽ không có “hồ” hoặc ngược lại có “bột” mà vẫn không nên “hồ” và thậm chí có thể có cả “bột” lẫn “hồ” nhưng không phát huy tác dụng tốt trong thực tế!... Xuất phát từ nguyên lý xây dựng Gia phả thì nhìn chung đối tượng của Gia phả vẫn là nội dung liên quan các dòng họ về nguồn gốc (tổ tông) và quá trình phát triển dòng họ (phả hệ), quá trình sinh cơ lập nghiệp (khẩn đất, gầy dựng kinh tế…), sự nghiệp (học hành, thi cử, văn nghiệp, võ nghiệp…), công tích (với làng, nước ở lúc thường, qua các sự cố của cộng đồng), những biến cố liên quan dòng họ (khó khăn vì quốc sự, thiên tai địch họa…) và tất cả bắt đầu từ những cá nhân vốn là thành viên của gia đình và dòng họ.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ qua gia phả phải được quan tâm đúng mức - Ảnh 2.

Ông bà luôn là tấm gương để các thế hệ con, cháu nói theo

Dù muốn hay không, chức năng xã hội của gia phả cũng tương tự như đối tượng nghiên cứu của Gia phả học vẫn là về những gì liên quan đến gia đình và dòng họ, đặc biệt là về khía cạnh văn hóa của nó. Vì định hướng này, xây dựng Gia phả nói riêng cũng như phát triển Gia phả học đối với việc nghiên cứu gia đình và dòng họ nói chung, đặc biệt là việc giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả chính là trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm góp phần hóa giải sự mâu thuẫn thậm chí đối lập nào đó (nếu có) giữa văn hóa gia đình và dòng họ xưa với văn hóa dân tộc nay (nhìn từ góc độ quan điểm lập trường chính trị - xã hội nói chung)… Từ đó nó có thể phát huy tác động tích cực vốn có, hạn chế mặt tiêu cực có thể có của văn hóa các gia đình và dòng họ trong xây dựng nhân cách cá nhân và nếp sống văn hóa cho cộng đồng xã hội theo tinh thần: “Truyền thống tốt đẹp của dòng họ đối với sự phát triển nhân cách của các thành viên… trở thành động lực thôi thúc cá nhân thường xuyên phải phấn đấu vươn tới những mục tiêu tốt đẹp nào đó để nối tiếp thanh danh của họ mình và đem lại cho nó những vinh dự mới… Nó đã chi phối tới hành vi, ảnh hưởng tới phương thức ứng xử của các thành viên của nó một cách rất rõ ràng”. Xây dựng thực hiện gia phả, sử dụng gia phả, phổ biến kiến thức (khoa học) về gia phả và phát huy vai trò Gia phả học vì vậy phải là quá trình khép kín để tạo ra sức mạnh tổng hợp, có hiệu quả chiều sâu và bền vững thực sự đối với việc giáo dục truyền thống trong các gia đình và dòng họ cũng như ngoài đời sống xã hội.

Nhìn từ góc độ chức năng nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, các hệ thống thể chế xã hội quan trọng được nhà xã hội học Mỹ J.H. Fichter khái quát gồm có: gia đình, giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo, giải trí. Theo đó, gia đình mở rộng ra gồm cả dòng họ có thể được xem là một trong những thành tố thuộc cơ cấu văn hóa của tổng thể đời sống xã hội và nó có một bảng giá trị riêng, kết hợp với các bảng giá trị của các thể chế khác để trở thành mô hình văn hóa chung tạo nên bản sắc văn hóa của một cộng đồng xã hội nhất định. Nói tới bản sắc văn hóa là nói đến nét riêng tạo nên sức mạnh bên trong (nội lực) về văn hóa (có liên quan cả kinh tế - chính trị) của một cộng đồng (địa phương, quốc gia, dân tộc và trong chừng mức liên quan cả khu vực quốc tế…). Do vậy, xây dựng gia phả và giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả có ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp việc góp phần tác động vào truyền thống và bản sắc văn hóa cũng như xây dựng nội lực của địa phương, của quốc gia và dân tộc. Ngoài ra, những công việc này cũng có ý nghĩa rất sâu xa đối với mục tiêu góp phần xây dựng con người trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vấn đề xây dựng những “công dân toàn cầu” trong quá trình hội nhập quốc tế nhất thiết “không chỉ tập trung củng cố từng gia đình, từng dòng họ mà còn là phải tập trung góp phần thực hiện mục tiêu đoàn kết dân tộc (trong nước, cộng đồng Việt kiều trên thế giới) bằng tình nghĩa thiêng liêng của văn hóa gia đình và dòng họ hoặc nghĩa “đồng bào” không chỉ trong một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà còn phải bằng một nền văn hóa nhân loại thống nhất trong đa dạng…”.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ qua gia phả phải được quan tâm đúng mức - Ảnh 3.

Giáo dục truyền thống gia đình phải được xem là một chiến lược lâu dài trong đời sống văn hóa dân tộc

Phải là hoạt động giáo dục đồng bộ, toàn diện và mang tính chiến lược lâu dài

Như đã phân tích ở trên, xét về thực chất truyền thống gia đình và dòng họ cũng như mỗi bộ gia phả của gia đình và dòng họ đều có thể được xem là bộ phận trực tiếp liên quan truyền thống và lịch sử của địa phương, quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả không chỉ nhằm nhìn lại quá khứ mà tất cả là vì cuộc sống hiện tại và vì tương lai lâu dài của gia đình, dòng họ và của cả quốc gia dân tộc… Đây là định hướng chiến lược quan trọng nhất của vấn đề.

Về cơ sở pháp lý cũng như về nhận thức khoa học, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Khoản 10 Điều 8) đã nêu rõ: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau”. Điều đó đưa đến mục tiêu, giải pháp xây dựng Gia đình văn hóa tức những mô hình thực tế thông qua các phong trào vận động với những tiêu chí theo khuôn mẫu, chuẩn mực cụ thể nhằm xây dựng Văn hóa gia đình gồm những giá trị tốt đẹp (Chân - Thiện - Mỹ) gắn trong mọi quan hệ bản chất nhất của gia đình, chủ yếu gồm:

(1) Quan hệ hôn nhân: Dựa trên cơ sở “Luật” (chủ yếu là Luật hôn nhân và gia đình) và “Lệ” (chủ yếu là theo các phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp)…

(2) Quan hệ huyết thống: Dựa trên cơ sở xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tình nghĩa thiêng liêng giữa cha - mẹ/ông bà với con/cháu và anh - chị - em trong từng gia đình và trong quan hệ dòng họ (nội - ngoại)…

Theo đó, xây dựng Văn hóa gia đình còn là nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của gia đình trong thực tế: Ngoài chức năng sinh sản, chức năng kinh tế chủ yếu đó là chức năng văn hóa - giáo dục với mục tiêu cơ bản nhằm làm cho “mỗi gia đình thực sự là một “tổ ấm/mái ấm”, là nơi làm điểm tựa, chỗ dựa về tinh thần của tất cả thành viên gia đình, nơi giữ gìn các giá trị truyền thống của gia đình, gia tộc và dân tộc…”.

Vì những lý lẽ trên, giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả chắc chắn phải được xem là một chiến lược lâu dài trong đời sống văn hóa dân tộc và nhất thiết phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện, cụ thể đó là:

+ Đối tượng, môi trường giáo dục: Trong gia đình kết hợp với giáo dục nhà trường và các hình thức giáo dục xã hội khác nhau…

+ Tổ chức, quản lý giáo dục: Xây dựng các mô hình, phương thức phù hợp quy luật kinh tế - xã hội trên cơ sở vận động phong trào rộng rãi tham gia xây dựng gia phả và giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả (Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động…).

+ Phát triển khoa học giáo dục: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thực hành gia phả, phổ biến kiến thức về gia đình, dòng họ và gia phả thông qua giáo dục nhà trường, hoạt động của ngành Văn hóa, các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng (ví dụ như đầu tư phát huy mô hình Trung tâm Nghiên cứu Thực hành Gia phả - Viện Lịch sử Dòng họ…).

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ qua gia phả phải được quan tâm đúng mức - Ảnh 4.

Gia phả dòng tộc là nơi lưu giữ những giá trị tốt đẹp của dòng họ

Đúng như khẩu hiệu mang tính chất slogan của Trung tâm Nghiên cứu Thực hành Gia phả - Viện Lịch sử Dòng họ đã và đang đưa ra: “Gia phả linh thiêng, Dòng họ vĩnh truyền”, một số nội dung trong bài viết như đã nêu khẳng định giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả là sự nghiệp giáo dục đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, xã hội sâu sắc. Do bản chất của nó, đây là hình thức giáo dục liên quan cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội cả về mục tiêu, nội dung và phương thức giáo dục. Trong đó, việc triển khai đồng bộ, toàn diện về chiều rộng kết hợp với các biện pháp chuyên môn, khoa học về chiều sâu có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động này. Có thể cụ thể đó là việc xây dựng ngành Gia phả học bên cạnh Gia đình học không chỉ là những ngành khoa học ứng dụng trong các chương trình giáo dục đại học về khoa học xã hội mà còn phải là những chương trình truyền thông được phổ cập qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình sinh hoạt của các thiết chế văn hóa đại chúng… Nhưng, quan trọng và bao quát hơn, đó là trong các chiến lược văn hóa giai đoạn tới đây nhất thiết giáo dục truyền thống gia đình và dòng họ qua gia phả phải là một nội dung cần được quan tâm chú ý đúng mức hơn theo như các quan điểm quan trọng mở đầu Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, hệ điều tiết cho phát triển bền vững đất nước”, “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” và “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình…”.

Theo Báo Văn hóa/PGS.TS HUỲNH QUỐC THẮNG

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×