Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá nhìn từ kinh nghiệm của Huế

23/07/2021 | 20:42

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đó là quan điểm đầu tiên được ghi rõ trong Dự thảo “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá nhìn từ kinh nghiệm của Huế - Ảnh 1.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế “tận dụng” di tích điện Long An suốt mấy chục năm qua

Có thể nói, quan điểm này rất phù hợp với chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế, một vùng đất lấy văn hóa, di sản làm nền tảng và đã được Bộ Chính trị chỉ rõ con đường phát triển tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019: “ Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Trong bài viết này, tôi lấy Huế là ví dụ để soi chiếu vào dự thảo nhằm góp thêm tiếng nói hoàn thiện dự thảo.

Thiết chế văn hoá có vai trò quan trọng

Để bảo tồn và khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại cùng kho tàng di sản phong phú của cố đô Huế thì điều quan trọng là phải có sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt, trong đó hệ thống thiết chế văn hóa là một trong những nhân tố quyết định.

Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá nhìn từ kinh nghiệm của Huế - Ảnh 2.

Tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Thừa Thiên Huế nổi tiếng là vùng đất văn hóa di sản với các kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu đồ sộ cùng các di sản tự nhiên phong phú, đa dạng; thế nhưng cho đến nay địa phương này vẫn chưa có một hệ thống thiết chế văn hóa xứng tầm. Các thiết chế văn hóa cơ bản của Thừa Thiên Huế đang còn rất hạn chế, nếu không nói là rất thiếu, yếu và lạc hậu; tiêu biểu là hệ thống nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế… Nếu không kể Nhà hát Sông Hương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư (hiện giao cho Học viện Âm nhạc Huế quản lý), Thừa Thiên Huế hiện có 2 nhà hát (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Ca kịch Huế) đều có cơ sở vật chất chưa phù hợp và tương xứng với vị thế vốn có. Thêm nữa, ngay tại thành phố Huế, đô thị trung tâm của tỉnh cũng chưa có hệ thống nhà hát/điểm biểu diễn thính phòng dành cho Ca Huế đạt chuẩn trong khi đây là một di sản độc đáo, là sản phẩm chính về du lịch dịch vụ của địa phương.

Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá nhìn từ kinh nghiệm của Huế - Ảnh 3.

Một chương trình biểu diễn của Học viện Âm nhạc Huế tại Nhà hát sông Hương

Hiện Thừa Thiên Huế có 8 bảo tàng (6 bảo tàng công lập là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung và Bảo tàng Dân tộc học thuộc khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế; 2 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng tranh thêu XQ và Bảo tàng gốm sứ) nhưng ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng ở quy mô vừa phải, cách đây đã 20 năm, cả 7 bảo tàng còn lại đều có cơ sở vật chất rất hạn chế, đều tận dụng các di tích hay công trình cũ để làm trụ sở và nhà trưng bày, không phù hợp với quy mô, cách thức, yêu cầu về trưng bày, khai thác của bảo tàng đúng nghĩa; thậm chí còn có 2 bảo tàng mới có tên chứ chưa có trụ sở dù đã thành lập khá lâu (Bảo tàng Mỹ thuật Huế thành lập năm 2018 và Bảo tàng Duyên hải miền Trung, thành lập năm 2009). Thư viện tỉnh là một thiết chế được đầu tư xây dựng khá bài bản nhưng nay lại sắp phải di dời do quy hoạch mới…Và điều rất “lạ” là cho đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn chưa có một trung tâm hội nghị quốc gia, quốc tế đạt chuẩn, dù Khoa học công nghệ và Giáo dục đào tạo từ lâu đã được xác định là những mũi nhọn phát triển của tỉnh, và du lịch MICE cũng được xem là một trong những thế mạnh của du lịch cố đô với hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức hằng năm. Vì vậy, các sự kiện chính trị lớn của tỉnh đều phải tổ chức tại một công trình được xây dựng từ năm 1980 và đã ở trong tình trạng lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh)…

Cần đầu tư thích đáng cơ sở vật chất cho văn hoá

Có lẽ Thừa Thiên Huế không phải là trường hợp cá biệt, vì mới đây, trong hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ rõ 4 điểm còn hạn chế của ngành, mà một trong các hạn chế được nhấn mạnh để sớm khắc phục là “hệ thống cơ sở vật chất của ngành còn yếu, thiếu. Cá biệt, có tỉnh thành 3 thiết chế cơ bản đã quy định trong luật hiện nay vẫn chưa có. Trong khi yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tương xứng”.

Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá nhìn từ kinh nghiệm của Huế - Ảnh 4.

Nhà hát Sông Hương của Bộ VHTTDL là thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng mới và hiện đại tại Huế

Vì vậy, trong chiến lược phát triển văn hóa của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, bên cạnh việc tận dụng khai thác tốt các thiết chế hiện có, tỉnh cần đặc biệt quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản còn thiếu cùng với việc quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa mới như hệ thống bảo tàng (bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng danh nhân, bảo tàng ẩm thực, bảo tàng áo dài…), đặc biệt là cần tạo điều kiện cho việc phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập; nhà hát ca Huế thính phòng; xây dựng và củng cố hệ thống thư viện, phòng đọc phù hợp với thời đại số hóa; đầu tư phát triển Tủ sách Huế..vv.

Cần nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc rằng, các thiết chế đó không chỉ là bộ mặt văn hóa vùng đất mà còn góp phần quan trọng để bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của cố đô Huế, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, và đúng với định hướng của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của quốc gia./.


Báo Văn hóa/TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×