Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Chiến lược phát triển văn hoá cần có sự cập nhật, điều chỉnh và bổ sung phù hợp tình hình mới
01/08/2021 | 14:15Trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, việc xây dựng và ban hành các chiến lược đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chung, mang tính dài hạn cho một lĩnh vực trọng yếu nào đó. Nhờ có chiến lược, Chính phủ mới có thể có kế hoạch, lộ trình, phân bổ nguồn lực để thực hiện những công việc lớn liên quan đến lĩnh vực đó. Văn hoá là một trong những lĩnh vực then chốt trong phát triển đất nước, vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển văn hoá chắc chắn phải được xem là một nhiệm vụ trọng tâm.
Ngày 6.5.2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hoá đến năm 2020. Qua hơn 10 năm thực hiện, Chiến lược cần có sự cập nhật, điều chỉnh và bổ sung vì những lý do như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 9.6.2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Ngày 31.12.2014, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết số 102/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tại Nghị quyết số 102/NQ- CP, Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo điều chỉnh Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.
Việc ban hành Chiến lược mới nhằm đồng bộ với Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 14.5.2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI); Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31.12.2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ngành và địa phương đã đặt ra những cách tiếp cận, quan điểm và vấn đề mới đối với sự phát triển văn hóa.
Cùng với đó, việc xây dựng một Chính phủ hành động và kiến tạo đòi hỏi một tư duy mới về quản lý văn hóa. Theo đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, xây dựng thị trường văn hóa đi đôi với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh để văn hóa thực sự là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội là những tư tưởng mới cần được cụ thể hóa trong một Chiến lược có tầm nhìn dài hơn. Do đó, việc tổng kết những kết quả đạt được trong thực tiễn triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp đất nước ta có cách tiếp cận cập nhật và phù hợp hơn với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Thứ hai, trong giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Do đó, các Bộ, ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển Ngành trên cơ sở kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới. Các chiến lược cũng cần định hướng những nhiệm vụ giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, tận dụng cơ hội, thế mạnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển.
Trên thực tế, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch về gia đình, điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, các ngành công nghiệp văn hóa và đối ngoại đều đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các kế hoạch hành động đến năm 2030. Chính vì vậy, việc xây dựng Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ tạo điều kiện tốt hơn để thống nhất các kế hoạch hành động của các quy hoạch, chiến lược liên quan đến phát triển văn hóa.
Thứ ba, từ năm 2009 đến nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, biến động về nhiều mặt, đặc biệt là tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, hay Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức quốc tế khiến việc quản lý văn hóa đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ càng và không kế hoạch phù hợp thì những cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng, thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn. Ngược lại, nếu tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức, ngành văn hóa sẽ giúp tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững. Một trong những trọng tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay là đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Quyết tâm hội nhập này được thể hiện trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã cụ thể hóa các Nghị quyết trên bằng Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều hoạt động trong 02 Chiến lược này chưa được thể hiện trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020. Mặt khác, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 50 /NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 20/5/2021 đã thể hiện quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vì vậy, tinh thần của Nghị quyết và các hoạt động của 02 Chiến lược cần được cập nhật trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 để thể hiện sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và địa phương có liên quan.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong tình hình mới, việc xây dựng Chiến lược Phát triển văn hoá đến năm 2030 là hết sức cần thiết. Các nội dung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược sẽ góp phần cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hoá đất nước nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung đến năm 2030.