Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Cần nhìn nhận đúng dòng điện ảnh chủ lưu trong chiến lược phát triển văn hóa
17/08/2021 | 15:54Trong tiến trình phát triển đất nước, phát triển văn hóa luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, là căn cốt cho cuộc đấu tranh gìn giữ các nền tảng đạo lý và sự công chính của xã hội. Trong bài viết nhỏ này, chỉ xin đề cập đến lĩnh vực Điện ảnh với ý nghĩa như “vũ khí hạng nặng” của mặt trận văn hóa mà hàng chục năm trở lại đây đã bị buông lỏng, bị lãng quên một cách khó hiểu.
Trên thực tế, nền điện ảnh của bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại với hai trạng thái song hành. Đó là một mặt bằng giải trí phổ biến và một dòng chủ lưu có nhiệm vụ quảng bá lịch sử và bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc đó. Thông thường, dòng phim hướng đến giải trí phần lớn đều nhằm tới doanh thu, tuy không phải lúc nào cũng thành công. Còn dòng chủ lưu với nội dung nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn sẽ khó có được doanh thu ổn định, hoặc một đảm bảo nào đó từ hiện thực sáng tác đến phòng vé. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, ở Việt Nam tuy vẫn tồn tại hai dòng phim khá tách biệt này, nhưng có một sự nhầm lẫn trong nhận thức của các nhà quản lý - đặc biệt là của hệ thống xét duyệt tài chính - khiến các nhà sản xuất hướng đến dòng phim chủ lưu luôn chịu một áp lực trước câu hỏi doanh thu. Vấn đề đặt ra ở đây là khi chúng ta coi phát triển văn hóa như một căn cốt để phát triển con người cho đất nước, thì điện ảnh với dòng chủ lưu làm nhiệm vụ truyên truyền, giáo dục xã hội nằm ở đâu trong chiến lược văn hóa này? Dường như sự phát triển khá tự phát, thiếu định hướng của điện ảnh thị trường đang làm lu mờ đi vai trò và mục đích đầu tư cho điện ảnh?
Vậy nguồn vốn cho đơn vị điện ảnh thuộc sở hữu nhà nước là từ đâu? Từ hơn 20 năm nay, nguồn vốn này hầu như đã bị cắt. Không còn ngân sách cho các hoạt động quản lý mà chỉ có kinh phí cho từng dự án. Từ đó dẫn đến một thực trạng là tiền làm phim vốn đã rất eo hẹp lại bị cắt xén để cung ứng cho hệ thống quản lý. Kết quả, chỉ còn khoảng 1/3 kinh phí cấp cho dự án thực sự được rót vào sản xuất. Như vậy, người lãnh đạo đơn vị có giỏi đến mấy cũng “bó tay” và chấp nhận cho ra đời những bộ - phim – không – người – xem.
Từ một góc nhìn khác, có lẽ ta nên hiểu rằng Điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh. Điện ảnh dòng chủ lưu lại càng không phải. Nếu chúng ta vẫn cần một nền điện ảnh có định hướng thì cần phải chấm dứt chủ trương cổ phần hoá một cách máy móc đối với các đơn vị hoạt động điện ảnh có vốn nhà nước, một việc làm vốn chỉ nhằm hoàn thành một chỉ tiêu nào đó, vô hình trung đã tạo cái cớ để một số người trong và ngoài hệ thống luồn lách trục lợi. Cần phải giữ lại, bảo vệ và phát triển ít nhất một cơ sở điện ảnh thuộc sở hữu của Nhà nước để đảm bảo rằng trong khi chúng ta vẫn tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường thì vẫn giữ được nguyên tắc “có định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sẽ có người nói rằng việc này quá khó, bởi thực trạng là lực lượng nhân sự điện ảnh đã có một sự đứt gãy thế hệ do phương pháp và mục tiêu đào tạo không rõ nét. Hằng năm có bao nhiêu sinh viên điện ảnh ra trường ở cả hai miền Nam - Bắc, nhưng điều kiện phát triển nghề nghiệp với dòng điện ảnh chính thống vô cùng eo hẹp, và phần lớn lao theo những mục tiêu ngắn hạn để nuôi sống bản thân.
Cũng phải nói ngay rằng nguồn nhân lực cho điện ảnh không thiếu. Tuy nhiên, nhân lực cho dòng chủ lưu của điện ảnh thì đã gần như về không. Điều này không thể trách ai, bởi trong chục năm trở lại đây, điện ảnh thị trường đang nổi lên với vài chục phim mỗi năm, trong khi các tác phẩm điện ảnh chính thống chỉ nhỏ giọt. Có thể dễ dàng thấy rằng một người rất thành công trong mảng điện ảnh thị trường gần như không thể thành công với dòng điện ảnh chủ lưu. Bởi một nguyên lý tự nhiên: Dao không mài, làm sao sắc?
Như vậy trong bộ Luật Điện ảnh sửa đổi, cần khẳng định vai trò quản lý nhà nước đối với dòng phim này bằng những hành động cụ thể và toàn diện. Trong đó việc giữ lại ít nhất một cơ sở điện ảnh thuộc sở hữu nhà nước (bao gồm cả điện ảnh phim truyện và phim tài liệu) và tạo nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực bền vững cho sự tồn tại và phát triển của nó là điều kiện tiên quyết. Đồng thời cần có những hoạt động, những sự kiện điện ảnh đủ hấp dẫn để định hướng được khu vực điện ảnh thị trường nhằm vinh danh những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật và nhân văn.
Dường như đã đến lúc cần nhìn lại vai trò thực sự của dòng điện ảnh chủ lưu trong chiến lược phát triển văn hóa, phát triển con người. Cần có một đề án chấn hưng toàn diện và tỉ mỉ cho các cơ sở gánh trách nhiệm duy trì dòng phim này.
Với sự quyết tâm và nỗ lực, tôi tin việc chấn hưng dòng chủ lưu cho điện ảnh nước nhà là không có gì khó khăn.
Dường như đã đến lúc cần nhìn lại vai trò thực sự của dòng điện ảnh chủ lưu trong chiến lược phát triển văn hóa, phát triển con người. Cần có một đề án chấn hưng toàn diện và tỉ mỉ cho các cơ sở gánh trách nhiệm duy trì dòng phim này.
(Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ)