Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền- Cái lõi phát triển công nghiệp văn hóa

31/07/2021 | 08:10

Thực tế hiện nay cho thấy, trong âm nhạc, xuất bản liên tiếp xảy ra những vụ vi phạm bản quyền. Trong điện ảnh, người xem phim lậu là chuyện bình thường. Trong quảng cáo, khách hàng mượn ý tưởng của các agency thua thầu là hiện tượng phổ biến. Trong nhiếp ảnh, sản phẩm của tác giả tha hồ bị chôm chỉa, đăng tải vô tội vạ, không xin phép… Trong ngành công nghiệp văn hóa – công nghiệp sáng tạo, vi phạm bản quyền là nỗi đau nhức nhối chưa có hồi kết.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền- Cái lõi phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Dù bắt quả tang vi phạm bản quyền nhưng Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News vẫn thua kiện khi đưa vụ việc ra tòa Ảnh: FIRST NEWS

Điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển Công nghiệp sáng tạo (CNST)

Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) đưa ra định nghĩa chính thức về công nghiệp sáng tạo năm 1998, và cũng được đưa vào báo cáo về công nghiệp sáng tạo toàn cầu năm 2008, như sau: “Công nghiệp sáng tạo là chu kỳ của sự sáng tạo, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ sử dụng sự sáng tạo và vốn trí tuệ như là đầu vào chủ yếu, bao gồm một tập hợp các hoạt động dựa trên tri thức sản xuất hàng hóa hữu hình và dịch vụ trí tuệ và nghệ thuật vô hình với sáng tạo nội dung, giá trị kinh tế và thị trường mục tiêu”. Chính phủ Anh Quốc cũng đưa ra khái niệm riêng về công nghiệp sáng tạo, được ghi lại trong tài liệu của Hội đồng Anh (British Council) năm 2001 như sau: “Công nghiệp sáng tạo là các ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân với tiềm năng tạo ra của cải và việc làm thông qua phát triển sở hữu trí tuệ”. Như vậy, tài sản trí tuệ chính là đặc tính quan trọng nhất tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hoá.

Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 đưa ra danh sách 12 lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hoá: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm; Thủ công mỹ nghệ: Làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ; Thiết kế: Hầu hết là các công ty tư nhân và các bộ phận thiết kế trong doanh nghiệp; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Truyền hình, phát thanh; và Du lịch văn hoá. Với cách hiểu của UNCTAD, 4 nhóm ngành nghề được coi là công nghiệp sáng tạo, bao gồm: Di sản, được chia ra làm hai phân nhóm đó là, biểu đạt văn hóa truyền thống (nghệ thuật và hàng thủ công, lễ hội và lễ kỷ niệm) và Địa danh văn hóa (địa điểm khảo cổ, bảo tàng, thư viện, triển lãm, v.v…); nghệ thuật, là các ngành công nghiệp sáng tạo hoàn toàn dựa trên nghệ thuật và văn hóa gồm hai phân nhóm: Nghệ thuật thị giác (hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và đồ cổ) và Nghệ thuật biểu diễn (nhạc sống, hát, múa, kịch, xiếc, múa rối, v.v…); truyền thông bao gồm hai phân nhóm tạo ra nội dung sáng tạo nhằm mục đích giao tiếp với lượng khán giả đông đảo: Xuất bản và báo in (sách, báo chí và các ấn phẩm khác) và Nghe-nhìn (phim, truyền hình, phát thanh); sáng tạo chức năng, bao gồm các ngành công nghiệp dịch vụ với mục đích phục vụ cho một chức năng nào đó, được chia thành hai các phân nhóm: Thiết kế (nội thất, đồ họa, thời trang, đồ trang sức, đồ chơi) và Truyền thông mới (phần mềm, trò chơi video, và các nội dung sáng tạo số hóa) và Dịch vụ sáng tạo (kiến trúc, quảng cáo, dịch vụ giải trí và văn hoá, nghiên cứu và phát triển sáng tạo (R & D), các dịch vụ sáng tạo kỹ thuật số và các dịch vụ sáng tạo liên quan khác).

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ tạo ra lợi ích cho người sở hữu, mà còn mạng lại lợi ích cho xã hội, người dân được hưởng lợi từ giá trị kinh tế đến giá trị văn hóa và thẩm mỹ là kết quả của ngành công nghiệp sáng tạo. Với cơ chế bảo vệ phù hợp nhận được từ pháp luật và xã hội, người đầu tư và tác giả sẽ yên tâm để sáng tạo tiếp, làm giàu cho chính họ và cho xã hội. Không những thế, nó tạo động lực cho cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động đổi mới, sáng tạo, tạo ra tài sản trí tuệ, bởi vì họ sẽ được hưởng lợi và vinh danh từ những sáng tạo của mình, khích lệ các doanh nghiệp và trung gian tài chính đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, thương mại các sản phẩm và dịch vụ trong CNST, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ CNST, tạo điều kiện để kết nối thị trường trong nước với các quốc gia và khu vực mậu dịch mà việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được coi trọng.

Người ta ước tính rằng công nghiệp sáng tạo tạo ra doanh thu khoảng 2250 tỷ đôla, chiếm 3% GDP toàn cầu, vượt xa ngành viễn thông (1570 tỷ đôla), tạo ra 29,5 triệu việc làm (nguồn: World Economic Forum 2015). Tại Việt Nam, chúng ta kỳ vọng tới năm 2030, công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra 7% GDP, tức là 25 tỷ đôla. Như vậy, việc đảm bảo cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chuỗi giá trị của một ngành sản phẩm, dịch vụ thuộc CNST-CNVH thường vận hành qua 5 giai đoạn: Hình thành ý tưởng và concept sản phẩm, dịch vụ; sản xuất sản phẩm hoặc thiết lập cơ sở dịch vụ; lưu thông và phân phối sản phẩm, dịch vụ; truyền tải và hiển thị sản phẩm, dịch vụ; tiếp nhận và tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ. Trong đó, khâu thứ nhất tạo ra giá trị gia tăng cao nhất, và cũng là mảnh ghép khó định giá nhất, và Việt Nam, mặc dù đã tham gia tất cả các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, vẫn chưa có một cơ chế hợp lý đảm bảo sự tôn trọng giá trị vô hình này.

Hiện trạng và tương lai

Do đặc thù CNST phát triển chủ yếu dựa trên sức sáng tạo, tài năng, kỹ năng cá nhân trên cơ sở khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng không đòi hỏi đầu tư đặc thù. Nhà nước chủ yếu tạo khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ. Chúng ta đã tham gia các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên (Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Bern, Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPs trong khuôn khổ của WTO,...) hoặc Việt Nam chưa là thành viên nhưng thừa nhận áp dụng chung và áp dụng trên cơ sở có đi có lại với các quốc gia khác; các Hiệp định song phương (Hiệp định với Thụy Sỹ, Hiệp định thương mại tự do với Mỹ, và EVFTA Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Đây là những căn cứ khá đầy đủ để xây dựng một nền tảng pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả văn minh tại Việt Nam.

Tuy vậy, tình trạng thực thi ở Việt Nam còn nhiều bất cập, có nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến và thủ tục tố tụng khá phức tạp. Người dân vẫn có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ những cơ sở sản xuất có vi phạm bản quyền. Người ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau các cuốn sách dưới dạng PDF, sẵn sàng download và nghe các bản nhạc sao chép trộm trên internet, phát tác các bộ phim lên YouTube ngày khi bộ phim vừa ra rạp… Phần mềm bản quyền là thứ hoàn toàn xa lạ. Vẫn còn doanh nghiệp tiếp tay cho việc làm hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các cơ sở kinh doanh có uy tín và tôn trọng bản quyền.

Tuy nhiên, hy vọng là, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sự quan tâm của chính quyền và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, báo chí truyền thông, ngày càng tăng. Ý thức của người dân đối với bản quyền tác giả đang được cải thiện. Mặc dù vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng hàng sao chép không phép, nhưng phần lớn người dân đã hiểu đó là vi phạm tác quyền. Những vụ tranh chấp bản quyền bắt đầu được xử lý ngày càng nhiều trên tòa án cũng nâng cao dần năng lực của cơ quan thực thi pháp luật.

Làm thế nào để bảo vệ bản quyền đối với các sản phẩm công nghiệp hiện nay? Trước hết, những người sáng tạo và chủ doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong mọi khâu trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Không những bảo vệ quyền của mình mà còn phải dũng cảm từ chối sử dụng tài sản trí tuệ của người khác mà không có thỏa thuận chuyển giao. Vai trò chính của chính quyền là hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường vận động, tuyên truyền tới cộng đồng về văn hóa tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ, nhưng cũng đồng thời phải đi đầu, thực thi bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền, một cách tích cực nhất, là tạo ra một thị trường công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, xác định rõ giá trị sản phẩm và tôn trọng giá trị đó, với một hệ thống thực thi hiệu quả. Đồng thời, việc nâng cao ý thức xử lý tranh chấp tại tòa án, đảm bảo xử lý công bằng, chính là giải pháp răn đe tốt nhất, thúc đẩy xã hội Việt Nam văn minh hơn, tiến nhanh hơn đến nền kinh tế sáng tạo.

Theo Báo Văn hóa/LÊ QUỐC VINH - Chủ tịch Le Group of Companies - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×