"Gỡ rối" trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan
14/09/2018 | 16:39Khi bị xâm phạm tác quyền, các chủ thể quyền trước hết phải có ý thức tự bảo vệ mình, hơn là chỉ ngồi một chỗ mà than khó. “Khi mình bị vi phạm thì phải hoàn thiện hồ sơ chứ không chỉ đưa ra báo chí”, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh.
Đây cũng là giải pháp cơ bản được khẳng định tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan vừa được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Trong khi chưa mua được bản quyền, nhiều người đã phải xem “lậu” một số trận đấu
bóng đá tại ASIAD vừa qua. Đây là hành vi vi phạm bản quyền. (Ảnh: LĐ)
Vướng mắc vì thiếu ý thức tự bảo vệ
Theo ông Hoàng Trọng Quang (Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam), việc kiện đòi tác quyền khi xảy ra xâm phạm đôi khi khá rắc rối bởi phải qua nhiều bước như xác lập vi bằng, mua tư liệu kỹ thuật. Mặc dù đã có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ, nhưng khâu thực thi lại gặp không ít vướng mắc. “Điều này không chỉ liên quan cơ sở pháp lý mà là ý thức bảo vệ quyền của chủ thể hoặc người đại diện chủ thể quyền như thế nào. Họ có tài sản nhưng có ý thức bảo vệ hay không...”, nhiều ý kiến nêu. Ông Đặng Đình Long, TGĐ Công ty Aibiz cho rằng, ý thức tự bảo vệ còn quan trọng hơn cả công nghệ.
Ông Bùi Trung Hiếu, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, đơn vị sở hữu K+ nhấn mạnh, tự bảo vệ quyền là biện pháp hữu hiệu để các chủ thể quyền bảo vệ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình và các chương trình phát sóng trước các hành vi sử dụng, khai thác trái phép. “Chính các chủ thể quyền là người nắm rõ nhất thời điểm mình có các quyền đối với thành quả sáng tạo, đầu tư của mình. Vì thế, họ cần được quyền đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ các quyền đó ngay tại thời điểm phát sinh, cũng như có quyền lựa chọn các phương thức phù hợp nhất để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền trong suốt thời hạn bảo hộ, hoặc trong phạm vi thoả thuận theo luật định...”, ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo đại diện K +, trong môi trường số, với sự hỗ trợ của công nghệ, người vi phạm có thể nhanh chóng truy cập, sao chép, truyền phát tới công chúng các nội dung, chương trình tại các địa điểm và thời gian do họ lựa chọn. Điều đó khiến chủ thể quyền rất khó kiểm soát và nắm bắt tình trạng khai thác và sử dụng các quyền của mình. Để ứng phó với tình trạng này, các chủ sở hữu quyền được áp dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm các biện pháp công nghệ để kiểm soát hành vi khai thác, sử dụng quyền là được phép hay trái phép, đồng thời có phương án chủ động ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Ví dụ, để xem các chương trình của Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, gồm các kênh K + cũng như các kênh mà K+ đã mua bản quyền, người sử dụng cần có bộ thiết bị gồm một đầu thu technicolor và chảo thu của K+, hay sử dụng hộp TV box của K+ kết nối TV và kết nối mạng Internet để xem chương trình, hoặc sử dụng tài khoản My K+/ My K+ now có mật mã để có thể xem trực tuyến chương trình trên các thiết bị di động qua kết nối mạng. Tuy nhiên, nhiều người đã sử dụng các blackbox, thu và xem trái phép các chương trình này. Vì vậy, K + đã sử dụng và update liên tục các chương trình phần mềm, đồng thời thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để scanning, rà soát và ngăn chặn việc thu/ phát các chương trình bất hợp pháp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức tự bảo vệ quyền, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) nêu lại trường hợp của nhà sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn” như một bài học kinh nghiệm. Bị livestream khi mới ra rạp, nhà sản xuất đã thực hiện đầy đủ các bước để đưa người vi phạm ra xử lý. “Khi bị vi phạm quyền thì chủ thể quyền phải hoàn thiện hồ sơ chứ không chỉ đưa ra cơ quan báo chí. Tại diễn đàn của các NXB, các đơn vị kêu về vi phạm bản quyền nhiều nhưng cho tới thời điểm đó, lại không có một văn bản kiến nghị yêu cầu xử lý của NXB nào cả...”, ông Bùi Nguyên Hùng nêu.
Cần sự đồng hành từ nhiều phía
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, ông Bùi Trung Hiếu, đại diện K+ bày tỏ băn khoăn: “Trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng tại Việt Nam, các chương trình phát sóng độc quyền không tránh khỏi bị khai thác, sử dụng trái phép, đặc biệt trên Internet...”. Đại diện K + nhắc lại chuyện người hâm mộ Việt Nam đã không thể xem Champions League mùa giải 2016/2017 do tình trạng vi phạm bản quyền, trong các mùa giải sau đó, để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ, K+ đã nỗ lực mua bản quyền phát sóng Champions League. Tuy nhiên, ngoài khoản phí bản quyền khổng lồ đã bỏ ra, đơn vị này đã phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Thực tế cho thấy, rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người hâm mộ và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng”.
Ngày càng nhiều trang web lậu.
Ông Bùi Nguyên Hùng cũng nêu việc cần liên kết với các đơn vị như các hãng luật, văn phòng luật về sở hữu trí tuệ. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Hoàng Minh Thái cho biết, Vụ sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt pháp lý. Ông Thái nói: “Muốn có công nghiệp sáng tạo thì phải có bảo hộ quyền tác giả. Điều này đòi hỏi nhiều phía, trong đó có sự đồng hành của cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp...”.
Cảnh báo tình trạng thu, phát và xem các chương trình phát sóng, đặc biệt các trận bóng đá độc quyền trên các trang web lậu, không có bản quyền ngày càng trở nên phổ biến nếu không được ngăn chặn kịp thời, đại diện K + lấy ví dụ về vụ việc gần đây, trước thời điểm các nhà đài Việt Nam mua được bản quyền phát sóng ASIAD 2018, những website và các mạng xã hội cung cấp đường link, video xem trái phép các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự trở thành các từ khoá tìm kiếm “hot” và trở nên nổi tiếng.
Đại diện K + cũng khẳng định, việc truy cập và xem từ các trang web lậu khó có thể mang đến cho người dùng sản phẩm và dịch vụ chất lượng như nhà cung cấp hợp pháp. Thứ nữa là ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng chân chính. Trong khi đó, các website, đơn vị phát lậu không hề mất chi phí bản quyền mà vẫn có các nguồn thu từ quảng cáo hay người xem. Hành vi này không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ mà còn vi phạm Luật Cạnh tranh.
Nhiều ý kiến cho rằng, bằng các biện pháp kỹ thuật, chủ sở hữu quyền có thể phát hiện và khoá các link vi phạm, tuy nhiên để tìm ra và xử lý triệt để người tổ chức, vận hành các trang web vi phạm cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, còn là vấn đề ý thức của người sử dụng và xã hội. Các chuyên gia cảnh báo việc xem các trang web lậu, các chương trình không có bản quyền sẽ thoả mãn những lợi ích nhỏ trước mắt nhưng tác hại và hậu quả để lại là vô cùng to lớn và lâu dài. |
Theo Báo Văn hóa