Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gỡ được nhiều vấn đề “lịch sử để lại” trong chế độ đãi ngộ nghệ sĩ

24/06/2016 | 17:59

Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh

Sau hơn 3 tháng đi vào đời sống, Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh (số 10/2015/TTLT-BVHTTDL- BNV ngày 11/12/2015) (sau đây gọi tắt là Thông tư 10) thực sự đã giải quyết được nhiều “vấn đề lịch sử để lại”. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn mong muốn, Thông tư sẽ tiếp tục được hoàn thiện, góp phần cải thiện chế độ đãi ngộ cho họ.

“Gỡ” nhiều vấn đề

Ông Nguyễn Văn Tấn- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ VHTTDL cho biết: “Thông tư 10 đã góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề ở một lĩnh vực lao động chuyên ngành có tính đặc thù rất cao, trong đó có những vấn đề bất cập thuộc về chế độ đãi ngộ tồn tại đã hàng chục năm nay. Trong đó, ba vấn đề cơ bản là:

Giải quyết được những vấn đề của lịch sử để lại về thang, ngạch bậc lương đối với các nghệ sĩ, diễn viên nói chung và đặc biệt là nghệ sĩ, diễn viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSND, NSƯT) hoặc đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật. Thành công mà họ đạt được trong nghề nghiệp là do năng khiếu bẩm sinh, do những nỗ lực rèn luyện, trau dồi của bản thân. Với Thông tư liên tịch này, Nhà nước đã công nhận chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn là một ngành nghề đặc thù, nó được khẳng định bằng tài năng và kết quả của nghề này là những sản phẩm có giá trị về tư tưởng, tinh thần, được Hội đồng nghệ thuật thẩm định và xã hội công nhận.



Thông tư 10 được đánh giá là gỡ được nhiều vấn đề “lịch sử để lại” trong chế độ đãi ngộ nghệ sĩ (ảnh minh họa: Bảo Trung)

Từ chỗ công nhận tính đặc thù của chuyên ngành nên trước hết, một thực trạng mà chúng ta vẫn hay nói với nhau là “lịch sử để lại” được giải quyết. Đó là đã hàng chục năm nay những người hoạt động ở chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh không có tiêu chuẩn “đặc thù của nghề nghiệp” mà vẫn phải chiếu theo tiêu chuẩn quy định chung cho viên chức các ngành nghề khác dẫn đến hệ quả tất yếu là số đông các nghệ sĩ không thể đáp ứng được những đòi hỏi về trình độ đào tạo nên không được thi nâng ngạch. Vì thế dù đã là NSND, NSƯT thì vẫn chỉ ở ngạch viên chức loại B, hệ số lương chỉ từ 1,86-4,06. Đây là bất cập gây bức xúc cho các nghệ sĩ trong nhiều năm qua.

Nhờ Thông tư liên tịch này, các nghệ sĩ, diễn viên đang là viên chức nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập được phong tặng danh hiệu NSND là đối tượng được xét lên hạng I (tương đương hạng cao cấp), được hưởng hệ số lương từ 6,20 đến 8,00 và NSƯT sẽ được xét lên hạng II (tương đương hạng chính), được hưởng hệ số lương từ 4,40 đến 6,78 đối với đạo diễn và hệ số lương 4,00 đến 6,38 đối với diễn viên mà hoàn toàn không phụ thuộc vào trình độ đào tạo”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Nhuận- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Thông tư 10 đã đáp ứng, giải tỏa vấn đề bức xúc suốt 20 năm qua. Một loạt các nghệ sĩ như NSND Lê Khanh, Lan Hương, NSƯT Trọng Thủy, Chí Trung, Ngọc Huyền… thậm chí, có những người có bằng Thạc sĩ như NSND Lê Khanh, Lan Hương, Như Lai… nhưng từ trước đến nay đều xếp ở mức diễn viên hạng 3.  Giờ họ đã được chuyển ngạch và nâng ngạch một cách đàng hoàng và đỡ thiệt thòi cho hoạt động biểu diễn của họ”.

Bộ chia sẻ những bất cập

Dư luận vừa qua cho rằng, nhiều nghệ sĩ, diễn viên thắc mắc là Thông tư 10 chỉ điều chỉnh chế độ cho NSƯT, NSND hay những người có trình độ Đại học trở lên… trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, xiếc, múa thường chỉ đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng. Các nghệ sĩ ở những bộ môn này dẫu là nguồn nhân lực chính của các nhà hát thì sau bao nhiêu năm học tập, chỉ được nhận bằng trung cấp, cao lắm cũng chỉ dừng ở mức cao đẳng. Vì vậy, khi chưa có danh hiệu NSƯT, NSND, họ sẽ bị thiệt thòi khi không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư.

Ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng: Diễn viên Tuồng không có điều kiện thi lên Đại học được vì trong các trường Đại học không có lớp Tuồng. Nhiều nghệ sĩ đến tuổi hưu vẫn là diễn viên ăn lương hạng 3. Thông tư 10 không có diễn viên hạng 3 nữa. Như vậy vô hình chung, rất nhiều nghệ sĩ đã cống hiến hàng chục năm cho nghề nhưng chưa được phong tặng danh hiệu cũng như chưa có bằng đại học thì sẽ từ diễn viên hạng 3 được xếp “xuống” thành diễn viên hạng 4.

Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ, nhạc công, quay phim, phục trang… được phong tặng danh hiệu NSƯT như họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng, quay phim, NSƯT Lý Thái Dũng cũng không thuộc diện được điều chỉnh bởi thông tư này. Đây là một thiệt thòi cho họ, bởi trong sự thành công của một vở diễn hay một bộ phim vai trò của họa sĩ, quay phim, phục trang… cũng không kém phần quan trọng so với đạo diễn, diễn viên. Bên cạnh việc các đơn vị như Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam không có nhiều cơ hội tham gia Hội diễn, Liên hoan để có huy chương (điều kiện để được phong NSND, NSƯT) thì một vấn đề nữa cũng đang khiến dư luận e ngại rằng sẽ có tình trạng “chạy, xin, cho” giải trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn… về nghệ thuật để tích điểm, tích tiêu chuẩn nhằm đạt các danh hiệu, giải thưởng và đương nhiên, kết quả cuối cùng sẽ là được “thăng hạng” viên chức.

Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Tôi xin chia sẻ với dư luận về những e ngại kể trên. Là những người làm chế độ, chính sách, chúng tôi hiểu rằng mỗi khi có một chế độ, chính sách mới được ban hành thì bao giờ cũng có những tác động, ảnh hưởng. Tích cực là cơ bản nhưng tiêu cực không phải là không có. Cụ thể đối với Thông tư 10, chúng tôi cũng đã nhìn thấy và đề ra những công việc phải triển khai, vừa để Thông tư đi vào cuộc sống, vừa để ngăn chặn, hạn chế những mặt tiêu cực mà dư luận đang e ngại”.

Cụ thể là trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Sở VHTTDL tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các vấn nạn còn tồn tại; xây dựng quy chế chấm giải trong các cuộc liên hoan, thi hoặc hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp một cách khoa học, chặt chẽ hơn. Bởi giải thưởng ở những cuộc này (huy chương vàng, bạc; giải vàng, giải bạc…) gắn liền với thang, ngạch bậc lương đòi hỏi phải được “chấm” một cách công bằng, thực chất./.

(Nguồn: Tổ Quốc)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×