Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giữ tiếng cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu

25/09/2023 | 08:57

Qua các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống, nhiều người dân đồng bào Cơ Tu huyện Nam Đông đã nhận thức được giá trị và biết sử dụng thuần thục cồng chiêng phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước; trình diễn ở hội diễn văn hóa, văn nghệ các cấp và các hoạt động văn hóa ở khu dân cư…

Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, có hai dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là dân tộc Kinh và Cơ Tu. Trong đó, đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm 43% dân số toàn huyện.

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Nam Đông khá đa dạng, gắn liền với điều kiện tự nhiên đặc trưng. Các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn phong phú của đồng bào nơi đây được đúc kết, hình thành qua nhiều thế hệ, gắn liền với các hoạt động lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, trở thành tài sản quý giá, làm nên bản sắc riêng.

Đến nay, nhiều buôn làng tại Nam Đông vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc như lễ mừng lúa mới, cưới hỏi, đám tang, vào nhà mới, dựng nhà Gươl… Trong những dịp này, không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Với đồng bào người Cơ Tu, cồng chiêng là nhạc cụ mang nhiều giá trị văn hóa, gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Tiếng cồng chiêng còn có thể xem như là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.

Giữ tiếng cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu - Ảnh 1.

Cồng chiêng là nhạc cụ mang nhiều giá trị văn hóa, gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào người Cơ Tu.

Tuy nhiên, đứng trước những những biến đổi của đời sống vật chất tinh thần dân cư, sự thay đổi trong phương thức canh tác, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, sự bùng nổ công nghệ thông tin… nét văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu cũng đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Trước thực tế này, thời gian qua, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo Phòng VHTT huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Các lớp truyền dạy được tổ chức với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận biết đánh cồng chiêng, nói lý hát lý và các điệu múa truyền thống… nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc dân tộc. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế cận tiếp nối để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau; giúp cho đông đảo lứa tuổi biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống nói chung, cồng chiêng nói riêng.

Cụ thể, tại các lớp học này, các học viên là thế hệ trẻ đã được những nghệ nhân lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm truyền đạt lại những giai điệu, tiết tấu đánh cồng chiêng kết hợp với trống và một số nhạc cụ trong các nghi lễ của đồng bào Cơ Tu như: cưới hỏi, đón khách, đám tang, cúng thần linh…và các hoạt động văn hóa văn nghệ khác, dựa trên nền tảng từ các bài chiêng, trống của người đồng bào dân tộc Cơ Tu, kết hợp với nét văn hóa đặc sắc của địa phương như: Za Zã, Ba booch, Co Lêng, Cơ Lau…

"Tham gia lớp học, trước hết là trách nhiệm, sau nữa là để nối tiếp truyền thống của cha ông mình. Đây là việc làm ý nghĩa, bổ ích giúp thế hệ trẻ hiểu thêm và gìn giữ nét đẹp truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình. Sau này, mình lại tiếp tục truyền lại cho con cháu của mình", anh Hồ Văn Tơn chia sẻ khi được tham gia một lớp truyền dạy.

Giữ tiếng cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu - Ảnh 2.

Ngày nay, cồng chiêng được người đồng bào Cơ Tu gìn giữ thông qua nhiều hoạt động văn hóa, xã hội; phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước.

Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VHTT huyện Nam Đông, các lớp học còn là điều kiện để học viên và bà con nhân dân phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật bản sắc dân tộc. Tại đây, người dân sẽ được tìm tòi, học hỏi thêm những làn điệu cồng chiêng của các dân tộc anh em trong và ngoài huyện. Từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, sáng tạo truyền thống văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ, góp phần tạo sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông.

Đến nay, qua các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống, nhiều người dân đồng bào Cơ Tu đã nhận thức được giá trị và biết sử dụng thuần thục cồng chiêng phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước; trình diễn ở hội diễn văn hóa, văn nghệ các cấp và các hoạt động văn hóa ở khu dân cư… Cồng chiêng còn được khai thác vào hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Thế Trung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×