Văn hóa doanh nghiệp

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giữ hồn dân tộc trong dòng chảy hiện đại

23/07/2025 | 16:23

Trong xu thế hội nhập, khi công nghệ và kỹ thuật có thể san phẳng mọi rào cản, thì nét độc đáo đến từ văn hóa dân tộc chính là điểm khác biệt, là "tấm hộ chiếu" quyền lực để sản phẩm thiết kế của Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Thích ứng trong kỷ nguyên số

Mỹ thuật ứng dụng phát triển ngày càng mạnh mẽ, bắt nhịp với sự chuyển mình của xã hội. Theo GS.TS. Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nhu cầu thẩm mỹ được nâng cao, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng.

Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghệ đã mang lại những biến đổi to lớn cho mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam, cả về quan niệm lẫn hình thức sáng tạo. Nếu trước kia, việc thiết kế sản phẩm phần lớn dựa vào cảm tính của nghệ sĩ, với độ chính xác không cao khi đưa vào sản xuất công nghiệp, thì ngày nay, quá trình số hóa đã thay đổi hoàn toàn thói quen sáng tạo.

Giữ hồn dân tộc trong dòng chảy hiện đại - Ảnh 1.

Văn hóa dân tộc chính là điểm nhấn khác biệt để sản phẩm thiết kế của Việt Nam vươn ra toàn cầu. Nguồn: BTN

Việc khai thác triệt để sức mạnh đồ họa máy tính cho phép các họa sĩ, nhà thiết kế dễ dàng xây dựng và phát triển các hình ảnh đa chiều, cả tĩnh và động, phát huy tối đa năng lực sáng tạo trong một thời gian ngắn. Quá trình thiết kế hiện đại chú trọng đến yếu tố sản xuất hàng loạt, nhanh chóng và chính xác, tối ưu hóa thời gian và giảm giá thành sản phẩm. Điều này thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng tiến một bước dài, thích nghi với sản xuất công nghiệp hiện đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

Sự phát triển này đồng thời tạo ra đội ngũ "họa sĩ số" năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhiều họa sĩ tạo hình truyền thống đã chuyển hướng sang hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, tạo ra sự giao thoa mạnh mẽ giữa các loại hình nghệ thuật.

Tuy nhiên, kỷ nguyên số và hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho các nghệ sĩ ngành mỹ thuật ứng dụng. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra chân trời sáng tạo mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lo ngại lớn nhất là tình trạng phụ thuộc vào AI, dẫn đến thiếu tính sáng tạo và độc đáo trong tác phẩm, khiến nhiều sản phẩm trở nên đồng nhất, thiếu bản sắc…

Mặt khác, quá trình số hóa cũng đặt ra vấn đề lớn trong việc thay đổi thói quen thiết kế và sáng tạo của họa sĩ Việt Nam, có nguy cơ làm mai một những kỹ năng thủ công và tư duy tạo hình truyền thống. Điều này có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.

“Tấm hộ chiếu" để vươn ra thế giới

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập, khi công nghệ và kỹ thuật có thể san phẳng mọi rào cản thì nét độc đáo đến từ văn hóa dân tộc chính là điểm nhấn khác biệt và là "tấm hộ chiếu" quyền lực để sản phẩm thiết kế của Việt Nam vươn ra toàn cầu. Một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng thành công không chỉ hài hòa giữa thẩm mỹ, công nghệ và kinh tế, mà còn phải chứa đựng "hồn dân tộc".

Theo TS. Ngô Thị Hồng Giang, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng không chỉ thể hiện sự tiếp nhận kỹ thuật, mỹ thuật nước ngoài mà còn cho thấy rõ sự kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách đặc sắc. Đây là mục tiêu trọng tâm mà các nhà sáng tạo mỹ thuật ứng dụng cần hướng tới hiện nay.

Giữ hồn dân tộc trong dòng chảy hiện đại - Ảnh 2.

"Đại Việt kỳ nhân" - Boardgame lịch sử mang theo dáng vóc của các anh hùng hào kiệt. Ảnh: BG

Từ thực tế nghiên cứu, giảng dạy mỹ thuật ứng dụng, TS. Ngô Thị Hồng Giang phân tích, một sản phẩm thực sự có sức sống khi kết nối với đời sống tinh thần và vật chất của cộng đồng nơi nó sinh ra. Hành trình kế thừa và sáng tạo này được thể hiện rõ nét qua ba khía cạnh chính là chất liệu, kỹ thuật và chủ đề. Về chất liệu, các nhà thiết kế nên khám phá và ứng dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như mây, tre, gốm, sơn mài…

Về kỹ thuật thường gắn với kỹ thuật thủ công tinh xảo của các làng nghề vốn đã đúc kết qua nhiều thế hệ kết hợp với các nguyên tắc thiết kế hiện đại để tạo ra sản phẩm vừa giữ được chất riêng, vừa đáp ứng thị hiếu đương đại. Trong khi đó, họa tiết, hoa văn truyền thống, nhân vật lịch sử, truyện cổ tích, các yếu tố trong tín ngưỡng dân gian… hoàn toàn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho thiết kế nội thất, thời trang, đồ họa, trò chơi…

Xu hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại này đã được chứng minh qua nhiều sản phẩm và dự án thành công, cho thấy sức sống của văn hóa Việt trong nền kinh tế sáng tạo. Đơn cử trong lĩnh vực thiết kế trò chơi (game), nhiều dự án sáng tạo đã lồng ghép văn hóa truyền thống không chỉ để tăng tính hấp dẫn, gần gũi mà còn nhằm quảng bá và phát huy giá trị di sản dân tộc. Những boardgame như Đại Việt kỳ nhân, Vạn tích… sử dụng hoa văn, họa tiết, nhân vật dân gian, lịch sử, góp phần thay đổi cách tiếp cận và lan tỏa giá trị văn hóa.

Để mỹ thuật ứng dụng phát triển, đóng góp vào nền công nghiệp sáng tạo, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao nhận thức về hệ giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi nghệ sĩ, nhà thiết kế. Chính sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa sẽ là nguồn cảm hứng vô tận, giúp các nhà thiết kế tạo ra những tác phẩm vừa hiện đại, vừa có phong cách riêng và đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

“Con đường phát triển của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung của thế giới, nhưng để đi xa và bền vững, nó phải bắt rễ sâu vào cội nguồn văn hóa dân tộc. Việc đào tạo một thế hệ nhà thiết kế vừa giỏi chuyên môn, vừa am hiểu và biết trân trọng di sản cha ông chính là hướng đi quan trọng, không chỉ mang lại thành công cho cá nhân họ mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo nên hồn cốt cho sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế”, TS. Ngô Thị Hồng Giang nhận định.

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×