Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Mông trắng ở Cao Bằng

20/11/2023 | 08:45

Người dân tộc Mông ở Cao Bằng chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, gồm 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Điều đáng quý là đồng bào Mông ở Cao Bằng luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc... đặc biệt là nhóm Mông Trắng với trang phục đặc trưng và độc đáo.

Tỉnh Cao Bằng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc đều lưu giữ những nét văn hóa riêng, độc đáo. Cuộc sống ngày một hiện đại nhưng đa phần đồng bào luôn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ hoạt động sản xuất, lễ hội, cưới hỏi ma chay...

Người dân tộc Mông ở Cao Bằng chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, gồm 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Điều đáng quý là đồng bào Mông ở Cao Bằng luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc... đặc biệt là nhóm Mông Trắng với trang phục đặc trưng và độc đáo. Ông Dương Văn Dí, dân tộc Mông, ở Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết để có được trang phục đẹp nhất thì cần có đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.

Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Mông trắng ở Cao Bằng - Ảnh 1.

Các cô gái Mông trắng diện trang phục đi hội

Ông Dí nói: "Chiếc váy người Mông ở Cao Bằng không thêu mà váy của người Mông ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu mới thêu. Họ chỉ thêu dải yếm trước ngực, cầu vai đằng sau, hai dải vải từ thắt lưng buông xuống đằng sau có gắn hạt cườm, đồng bạc. Ngày trước, những gia đình giàu mới có bạc trắng, nhà bình thường thì không có. Trang phục người Mông hầu như không có bạc. Trên đầu, bà con cuộn vải “xí chênh” tự dệt, rộng một gang, gấp nhỏ lại cuộn lên đầu. Đối với người Mông trắng khi còn sống thì đội khăn của người Mông trắng, Mông hoa đều được nhưng khi về với tổ tiên phải đội khăn có rằn ri nhỏ hơn".

Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Mông trắng ở Cao Bằng - Ảnh 2.

Sau những buổi lên nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm, các chị em lại cùng nhau thêu, may váy áo.

Theo chị Đào Thị Ban, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để khuyến khích bà con giữ gìn, sử dụng trang phục truyền thống theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Mã Ba cũng đã đề ra mục tiêu hỗ trợ phục hồi, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có trang phục truyền thống. Sau những buổi lên nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm, các chị em người Mông lại ngồi với nhau học thêu, may váy áo... cùng hồ hởi diện những bộ váy áo truyền thống đi chợ, đi đám cưới và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức tại mỗi bản...

"Bây giờ vẫn gìn giữ được văn hóa truyền thống của người Mông trắng là váy trắng xếp ly, cả váy đen cũng vậy, duy trì học cho con cháu sau này còn biết làm. Bây giờ ở Thành Công với Rằng Khoen bà con vẫn mặc đồ thủ công. Chị em còn truyền dạy cho nhau làm váy áo, bán ra thị trường kiếm tiền, tính cả bộ cũng phải mấy triệu", chị Ban nói.

Xa xưa, phụ nữ Mông trắng thường dùng vải lanh tự tay dệt được để làm những bộ váy áo và lựa chỉ màu thêu váy áo cho mình, nhuộm chàm, khâu áo chồng con. Nhưng hiện nay đã có vải công nghiệp, chị em đã không mất nhiều thời gian dệt vải. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bộ trang phục áo váy của chị em với các mặt hàng vải màu cắt may sẵn rất đẹp bày bán, nhưng chất lượng, độ bền không thể bằng cách khâu tay truyền thống. Vì thế, nhiều chị em vẫn muốn tự tay lựa chọn và may cho mình bộ trang phục ưng ý.

Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Mông trắng ở Cao Bằng - Ảnh 3.

Nhiều bộ trang phục áo váy của chị em với các mặt hàng vải màu cắt may sẵn rất đẹp bày bán, nhưng chất lượng, độ bền không thể bằng cách khâu tay truyền thống.

Chị Lầu Thị Bình ở bản Thành Công, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Bây giờ dập ly váy bằng máy nhưng ngày xưa bà con dùng tay gấp từng ly vào sau đó cho vào nồi nấu, ủ nước nóng cho vào nếp, treo 1-2 hôm rồi buông cho nếp giữ. Áo có 2 phần, phần thân áo xưa kia dùng vải chàm nhưng hiện giờ đã dùng vải kim sa, đối với bộ cô dâu sẽ dùng vải kim sa nhiều. Riêng cầu vai và dải khăn đằng trước váy vẫn phải thêu tay. Một tháng mới thêu xong 1 bộ cho cô dâu, còn nếu thêu bộ bình thường thì tầm 20 ngày, chục ngày cũng xong. Kỹ thuật thêu của chị em đã cải tiến nên thêu cũng nhanh".

Với những cách làm hiệu quả, đến nay, việc sử dụng trang phục truyền thống đã trở thành thói quen của các em học sinh người Mông trắng trong trường học ở tỉnh Cao Bằng, giúp các em thêm yêu nét văn hóa của dân tộc mình và góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục truyền thống; đồng thời quảng bá nét đẹp, nét văn hóa của các dân tộc.

Trang phục truyền thống luôn gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc. Bởi vậy, khi cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ nhận thức đúng đắn thì trang phục truyền thống mới ngày càng được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa đương đại.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×