Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giếng làng khiến khán giả Nhật phải... “ngả mũ”

12/09/2019 | 10:47

Sự xuýt xoa, trầm trồ, thán phục từ khán giả Nhật Bản tại sân khấu trước toà nhà thị chính thành phố Kanagawa đã cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của Giếng làng, một tác phẩm mới của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Giếng làng khiến khán giả Nhật phải... “ngả mũ” - Ảnh 1.

Giếng làng khiến khán giả Nhật phải... “ngả mũ” - Ảnh 2.

Khán giả Nhật Bản đội nón xem "Giếng làng" tại sân khấu trước cửa toà thị chính thành phố Kanagawa

Đây là một chương trình tạo điểm nhấn của Nhà hát Múa rối Việt Nam trong đợt biểu diễn tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra từ 6 - 17.9, sau đó tham gia Hội chợ thành phố Mezt của Pháp từ 25.9 đến 7.10.

Một “bức tranh” đa sắc màu thôn quê

Giếng làng là tác phẩm do Bộ VHTTDL đặt hàng đầu tư, ngay sau suất diễn ra mắt đầu tiên đã được nhà hát đưa vào lịch diễn tại Nhật. Những phản hồi đầy tích cực từ khán giả Nhật Bản cho thấy phần nào sự mạnh dạn của Nhà hát Múa rối VN khi thay đổi một thói quen trước kia chỉ lựa chọn diễn rối nước bằng các trò rối nước truyền thống cũ. Thay vì sân khấu rối nước với nhà thuỷ đình thì sân khấu của Giếng làng lại lấy chiếc giếng làm chủ đề khai thác và thiết kế sân khấu rối nước. Kèm theo chiếc giếng là những hình ảnh quen thuộc khác của những vật dụng, bối cảnh của làng quê nông thôn Việt Nam.

Xem Giếng làng, khán giả không chỉ cảm nhận trọn vẹn những giá trị tinh tuý của nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam một cách sáng tạo mà còn được thưởng thức những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc khác như quan họ, hát văn, hát ru, độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc như sáo, bầu, nhị, nguyệt… và cả các điệu múa mang đậm màu sắc dân gian. Chương trình đưa khán giả hoà mình vào một không gian làng quê mang đậm nét sinh hoạt văn hoá nông thôn Việt Nam và được thoả sức chiêm ngưỡng những con rối trong các nhân vật như Tễu múa Trống hội, các nhân vật như bướm, cá tung tăng nhảy múa xung quanh cô thôn nữ ngồi trong chiếc thuyền mủng hát Ngồi tựa song đào hoặc các thiếu nữ được tạo hình rối vô cùng xinh đẹp xuất hiện từ những bông hoa sen nhịp nhàng thoắt ẩn, hiện trong Múa sen

Thay vì gặp một chú Tễu ở màn giáo đầu thì có tới 5 chú Tễu đồng loạt xuất hiện tưng bừng sôi động với màn Trống hội. Cũng là màn trình diễn Hầu đồng nhưng qua tạo hình, Cô đôi Thượng Ngàn của rối rực rỡ, huyền bí hơn rất nhiều, nhất là xuất hiện trên mặt nước. Xen lẫn vào con rối là sự xuất hiện của các nghệ sĩ hát, múa minh họa với trang phục dân tộc cũng tạo hiệu ứng vô cùng ấn tượng. Bốn nữ diễn viên duyên dáng trong trang phục áo yếm mô tả những nét sinh hoạt của người dân quê tại giếng làng như chải đầu, giặt chiếu trên mặt nước là sân khấu của rối nước vô cùng ấn tượng. Càng thú vị hơn sau đó họ lại trở về vai trò chính đó là những diễn viên điều khiển các con rối sau tấm bình phong chính là những mảnh chiếu vừa được thả trên nước.

Giếng làng khiến khán giả Nhật phải... “ngả mũ” - Ảnh 3.

Giếng làng khiến khán giả Nhật phải... “ngả mũ” - Ảnh 4.

Một tiết mục trong "Giếng làng"

Đã đến lúc phải thay đổi

Có thể thấy, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã làm mới thành công từ những trò rối nước quen thuộc bằng một chương trình nghệ thuật tổng hợp đầy bứt phá. Ở đấy, nghệ thuật múa rối nước vẫn nổi trội hơn cả khi đứng trong tổng thể một chương trình nghệ thuật đậm bản sắc văn hoá nghệ thuật truyền thống. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, đồng thời là đạo diễn của Giếng làng chia sẻ: “Qua một thời gian hoạt động biểu diễn, chúng tôi thấy rằng đã đến lúc cần phải thay đổi hình thức khai thác và thể hiện đối với nghệ thuật rối nước để khách du lịch và quốc tế không cảm thấy chán khi xem mãi những trò cổ. Vì vậy, chúng tôi đã đặt các con rối nước truyền thống ở một bối cảnh, không gian mới lạ hơn đó là giếng làng, nơi gần với sân đình, nơi tụ hội gần gũi với đời sống người dân và làng quê nông thôn Việt Nam. Khi đến xem Giếng làng, khán giả sẽ không chỉ được tiếp cận với nghệ thuật múa rối nước truyền thống mà còn được thưởng thức nhiều hình thức nghệ thuật và những nét tổng quát về văn hoá đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam như các loại hình âm nhạc và vũ đạo dân gian”.

Mạnh dạn tạo hình con rối to hơn với con rối trước kia, mạnh dạn đưa các nhân vật mang đậm bản sắc văn hoá Việt như Cô đôi Thượng Ngàn, đưa con rối vào hình tượng hoa sen, đổi mới sáng tạo kỹ thuật điều khiển con rối để tạo con rối sinh động hơn, làm được những động tác khó hơn những con rối trước kia… cho thấy đội ngũ nghệ sĩ múa rối đã không ngừng sáng tạo. đặc biệt là việc nghiên cứu cải tiến chất liệu tạo hình và bộ máy điều khiển rối.

Trước đây, một con rối nước truyền thống chỉ sử dụng tối đa là 4 dây thì ở vở rối này có con rối như Cô đôi Thượng Ngàn, rối múa sen lên tới 8 đến 10 dây và huy động tới 4 - 5 nghệ sĩ cùng điều khiển. Sự nâng tầm cho nghệ thuật múa rối cũng đã thể hiện ngay cả với sự xuất hiện của những người nhạc công tham gia thổi sáo, đánh trống, bắt buộc các nhạc công cũng phải hoá thân vào trở thành một nhân vật trong câu chuyện.

Được biết, mỗi lần mang một chương trình rối nước truyền thống đi biểu diễn, trọng lượng của nhà thuỷ đình và đạo cụ, con rối lên tới tầm 2 tấn, ngày hôm nay với sự nỗ lực rất lớn của ê kíp sáng tạo, toàn bộ khối lượng rút gọn lại là 700 kg. Đóng góp này thật không nhỏ giúp cho các nghệ sĩ khi đi lưu diễn trong nước và quốc tế.

Có nhiều trò diễn rất đắt được ghi nhận ở Giếng làng như cảnh tạo sóng, cảnh giặt chiếu, gội đầu… Việc giới thiệu được nhiều loại hình nghệ thuật trong một chương trình nghệ thuật rối nước truyền thống là một sáng tạo rất đáng ghi nhận. Chắc chắn cách khai thác này sẽ tiếp cận hiệu quả đối với khán giả quốc tế cũng như khán giả Việt Nam.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×