Giao lưu văn học Nga - Việt: Chuyển tải mã văn hóa giữa các thế hệ
24/09/2021 | 14:39Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam đã lớn lên cùng các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Nga. Nhưng tình hình văn học cho thanh, thiếu nhi ở Nga và Việt Nam hiện nay ra sao, vai trò chuyển tải mã văn hóa giữa các thế hệ của văn học thế nào...? Vừa qua, các nhà văn, nhà phê bình văn học hai nước đã cùng nhau chia sẻ trong cuộc giao lưu - tọa đàm trực tuyến văn học Nga - Việt.
Khoảng cách thế hệ và sự thấu cảm
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh (Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam), người trực tiếp kết nối cuộc giao lưu trực tuyến văn học Nga - Việt chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: Đây là hoạt động mở đầu cho Festival “Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương” lần thứ 4, diễn ra từ ngày 23 đến 25-9 tại thành phố Vladivostok. Các nhà văn hai nước đều có những trăn trở với văn học cho thanh, thiếu nhi. Một câu chuyện về sự thấu cảm giữa các thế hệ để chuyển tải, bồi đắp các giá trị văn hóa thông qua văn học.
Mở đầu tọa đàm, các nhà văn Nga thừa nhận văn học Nga cho thanh, thiếu nhi đang chững lại. Các nhà văn bận suy nghĩ vấn đề của người lớn mà bỏ quên câu chuyện của lớp trẻ. “Hơn 20 năm qua, tôi không viết gì cho thiếu nhi” - nhà văn đương đại, nhà sư phạm Nga Andrei Ghelasimov (người đoạt giải thưởng sách Nga bán chạy nhất năm 2019) cũng thừa nhận.
Trong khi đó, các nhà văn Việt Nam - Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy... đều khẳng định sự khởi sắc của văn học cho lứa tuổi này ở Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Mỗi thế hệ người viết kể câu chuyện về thế hệ họ. Có những tác giả chuyên nghiệp lựa chọn viết cho thiếu nhi từ khi còn trẻ cho đến khi về già. Một người trước đây chưa viết cho trẻ em, nhưng khi có gia đình họ bắt đầu viết cho trẻ. Lại có người lớn tuổi rồi mới viết cho thiếu nhi với cách tiếp cận khác, rất đáng đọc. Nhà văn Phong Điệp thì chỉ ra sự quan tâm, bồi dưỡng các tác giả thiếu nhi Việt Nam viết cho chính lứa tuổi mình. Chia sẻ của nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng) cho thấy, mỗi năm Kim Đồng cho ra mắt hơn 250 tác phẩm văn học cho thiếu nhi, trong đó có gần 100 đầu sách mới. Có tác phẩm phát hành lên đến 10 nghìn bản, cao hơn hẳn so với mức trung bình 2 - 3 nghìn bản. Văn học thiếu nhi Nga kinh điển cũng được tái bản đều ở Việt Nam.
Các nhà văn, nhà phê bình văn học Nga ấn tượng với thông tin: Lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam mở giải thưởng văn học thiếu nhi thường niên ngang bằng với tất cả các giải thưởng khác.
Tuy nhiên, cho dù có những khoảng chững hay đang đâm nhánh, nảy chồi thì văn học cho thanh, thiếu nhi ở hai nước vẫn đầy thách thức, mời gọi.
Lý giải của nhà văn Nga Andrei Ghelasimov gợi mở suy nghĩ về cách tiếp cận và khả năng thấu hiểu của nhà văn với thế hệ trẻ: “Tuổi thọ tăng khiến lứa 40 - 50 tuổi trước đây vẫn được xem là già trong các tác phẩm văn học thì nay trở thành trẻ, và 20 tuổi có khi vẫn bị xem là trẻ em. Người ta nhanh chóng quên đi những vấn đề của họ khi còn niên thiếu trong khi những thay đổi của lứa tuổi này không dễ qua đi, thậm chí các bạn trẻ đã phải vật lộn để vượt qua như một bi kịch cá nhân”.
Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm
Nhà văn Kiều Bích Hậu (Phụ trách Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam) mạnh dạn đề xuất hai nước có bản ghi nhớ để dịch chéo tác phẩm thiếu nhi tiêu biểu. Nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học Nga bày tỏ sự thú vị trước những bìa sách đẹp cho thiếu nhi của Việt Nam được giới thiệu trong dịp này, mong các tác phẩm sớm được chuyển ngữ.
Ông Aleksandr Zubritski, Giám đốc Quỹ Thế giới Nga chi nhánh Viễn Đông bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thể hiện sự lạc quan về văn học thiếu nhi hai nước. Theo ông, chính người lớn có thể học nhiều điều từ thế hệ trẻ. Và các nhà văn cần cùng nhau học hỏi kinh nghiệm trao truyền mã văn hóa giữa các thế hệ của các dân tộc trên thế giới. Ông Roman Kosynghin, Tổng Biên tập tạp chí Đội cận vệ trẻ thì thông tin đơn vị này sắp ra mắt tuyển tập văn học thiếu nhi qua con mắt người lớn với sự tham gia của 16 nhà văn Nga viết cho trẻ em. Ông cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của nhà nước, các đơn vị xuất bản phải chủ động trong việc thu hút, tạo ra độc giả của mình.
Các nhà văn hai nước cũng hưởng ứng chủ đề các lần tọa đàm tới theo đề xuất của nhà thơ Nguyễn Thụy Anh là: Chia sẻ kinh nghiệm về thể loại văn học kỳ ảo của các nhà văn Nga và chỗ đứng của văn học đương đại trong chương trình giáo dục môn ngữ văn.
Có thể thấy, văn học cho thanh, thiếu nhi và vấn đề trao truyền mã văn hóa giữa các thế hệ qua văn học là một chủ đề lớn mà các nhà văn hai nước đều mong mỏi tiếp tục đào sâu, hợp tác để cùng thúc đẩy sáng tác, dịch thuật. Đúng như tinh thần khép lại tọa đàm của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc tọa đàm chứa đựng sứ mệnh lớn của nhà văn đối với thế hệ trẻ. Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn mời các nhà văn Nga tới Hà Nội tham dự hội thảo quốc tế về văn học thiếu nhi sau khi dịch Covid-19 được khống chế”.
Theo Báo Hà Nội mới