Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giao hưởng đặc biệt: Đêm nhạc của đỉnh cao thành công ngoài mong đợi

31/08/2016 | 11:47

Sự đón nhận nhiệt thành của khán giả đã đem đến thành công ngoài mong đợi của chính những người tổ chức chương trình Giao hưởng đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tối 30/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


Vừa nghe vừa sợ... hết chương trình

Khán phòng lặng phắc, chỉ có những giai điệu và thanh âm bay bổng, lan tỏa. Ba tầng ghế của Nhà hát Lớn không còn chỗ trống, sau mỗi tiết mục của các nghệ sĩ là những tràng pháo tay không dứt của khán giả. Điều đó đủ chứng minh cho sự thành công của đêm nhạc, đủ chứng minh, nhạc giao hưởng vẫn có khán giả nếu được biểu diễn đều đặn, ở nơi phù hợp như Nhà hát Lớn.

Cụ Bùi Đình Kế, 90 tuổi một mình bắt taxi từ Đội Cấn đến Nhà hát Lớn. Cụ biết đến chương trình qua báo chí, không mua được vé, cụ vẫn “đánh liều” đến Nhà hát Lớn. Cụ bảo: “Tôi không mua được vé xem chương trình, nhưng vì thích nghe nhạc, lại đã lâu lắm, không có những chương trình giao hưởng do Nhà nước tổ chức nên cứ đến. Đọc báo thấy nói có vé ưu đãi cho các quân nhân, người có công với cách mạng… nên không có vé tôi vẫn đến. Khi tôi trình bày tôi cán bộ lão thành, 70 năm tuổi Đảng, thì không ngờ được người của Bộ VHTTDL ra tận cửa đón vào”.



Chương trình đã khiến người xem phải xuýt xoa khi kết hợp nghệ thuật Đông- Tây nhuần nhuyễn

Chưa hết xúc động sau khi thưởng thức trọn vẹn đêm nhạc, cụ Kế chia sẻ: “Tôi không biết nhạc nhiều nhưng rất thích nhạc. Rất vui và hạnh phúc vì được xem chương trình. Đây là chương trình quá hay. Vừa là nhạc dân tộc, vừa là nhạc quốc tế, vừa thanh nhạc thực sự người không hiểu nhiều về giao hưởng như tôi cũng hiểu và yêu thích”.

Cụ Kế cũng bày tỏ: “Tôi xem mà cứ sợ hết chương trình. Nếu Bộ VHTTDL có nhiều chương trình như thế nữa thì tuyệt vời. Các nhạc sĩ, nhạc công đã trình diễn rất hay. Làm tôi nhớ lại những câu thơ của Nguyễn Du Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa, đó là những câu thơ thực sự phù hợp khi đánh giá về đêm nhạc này. Tiết mục Đàn bầu, tiết mục đơn ca Người Hà Nội, hay tiết mục Conterbass đều cực kỳ xuất sắc, các bản nhạc kinh điển thế giới được biểu diễn bằng kỹ thuật đỉnh cao. Tôi thấy trình độ của Dàn nhạc Giao hưởng nước ta không thua kém gì chương trình của dàn nhạc giao hưởng thế giới”.

Một khán giả cao tuổi khác, nhạc sĩ Hoàng Dương (85 tuổi) cũng không ngại ngồi thưởng thức trọn vẹn đêm Giao hưởng đặc biệt. Nhạc sĩ của “Hướng về Hà Nội” đánh giá cao trình độ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam: “Các nghệ sĩ có trình độ tầm cỡ khu vực, không có gì vui hơn thế”.

Đánh giá về việc chương, trình nhận được sự đón nhận nhiệt thành từ khán giả, nhạc sĩ Hoàng Dương cho biết: “So với trước đây, công chúng đã bị phân hóa bởi nhiều loại hình giải trí, nhưng trí thức, sinh viên vẫn hâm mộ giao hưởng cũng như nhạc chính thống. Nhạc giao hưởng, nhạc chính thống sẽ thâm nhập dần dần vào tầng lớp tinh hoa của xã hội, đó là điều đáng mừng”.

Cảm ơn Bộ VHTTDL đã là “người trồng hoa”

Cho rằng, việc tổ chức những đêm nhạc Giao hưởng cũng như các chương trình nghệ thuật định kỳ ở Nhà hát Lớn là “nhãn quan về văn hóa rất cao đẹp của ông Bộ trưởng Bộ VHTTDL”, nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ: “Đừng lo về khán giả. Cứ tổ chức, cứ biểu diễn đi, khán giả sẽ biết và tìm đến. Các nhà hát lớn của nhiều nước, kể cả Nga, người ta cũng dành sự khuyến khích cho nghệ thuật bác học, có như thế mới tạo điều kiện cho quảng đại quần chúng tiếp xúc thể loại âm nhạc này”.



Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của công chúng

Còn nhạc sĩ Phú Quang thì nhận định:"Để khán giả hiểu hơn về giao hưởng, phải gây dựng dần dần. Thời tôi làm giao hưởng, biểu diễn khán giả vỗ tay nồng nhiệt trong khi thời đó còn đói, người ta chỉ ăn 1 lạng thịt một tháng nhưng vẫn say sưa nghe giao hưởng. Như vậy, không phải do đời sống kinh tế quyết định đến đời sống văn hóa. Chính đời sống văn hóa đang ảnh hưởng đến văn hóa. Những chương trình ồ ạt trên truyền hình đang làm tầm thường hóa trình độ thưởng thức của người dân. Phải chấp nhận vài lần lỗ nhưng đến một lúc nào đấy sẽ có người mua vé, sẽ bán được vé với giá cao”.

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Năm 70, chúng tôi làm ở Dàn nhạc giao hưởng, không có nhiều nhạc công giỏi như bây giờ, không có chỉ huy là ngườ nước ngoài như bây giờ nhưng tại sao lại chật kín khán giả, không ngớt tiếng vỗ tay? Còn bây giờ, sao lại lo giao hưởng không có khách, đó là sai lầm của một thời kỳ chúng ta thiếu quan tâm đến nghệ thuật”.

Nhạc sĩ Phú Quang cũng nhấn mạnh: “Không trồng hoa thì đừng trách tại sao cỏ dại mọc. Tôi cảm ơn Bộ VHTTDL đã “trồng hoa”, đã làm điều tử tế. Đêm nay, nghe những tràng pháo tay bạn cũng đủ biết chương trình đã thành công thế nào. Điều đó chứng tỏ rằng tại sao lại sợ giao hưởng không có khách, chúng ta chưa biết kéo khán giả đến với chúng ta thôi”.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng là khán giả nhiệt tình của đêm diễn. Bà nhận xét: “Đây là một đêm diễn có chất lượng tuyệt hảo bởi những dàn nhạc như thế này cực kỳ khó khăn khi thành lập và nhất là khi biểu diễn và để biểu diễn với tinh thần chất lượng cao. Tôi thấy chúng ta cần có chính sách quan tâm tới Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, bởi đấy là bộ mặt của văn hóa, là bộ mặt kinh điển và bộ mặt xuất sắc của văn hóa đất nước. Bởi vì không phải quốc gia nào cũng đủ trình độ để xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng tử tế và Dàn nhạc Giao hưởng của chúng ta đêm nay đã hoàn thành xuất sắc đêm công diễn ra mắt các chương trình của Bộ VHTTDL, tại một địa điểm cực kỳ sang trọng”.

“Hai bản nhạc giao hưởng của hai tác giả người Việt là Lê Phi Phi và Trọng Bằng vô cùng xúc động. Những bản nhạc quốc tế thì không còn gì để bàn, đã là kinh điển thế giới rồi. Thanh nhạc (hát) ở đây thì quá xuất sắc, không mic. Đó mới là trình độ cao cấp của Dàn nhạc Giao hưởng, hát giao hưởng không mic và hay quá. Giọng Soprano của cô Đào Bích Vân rất hay, đẳng cấp. Tôi bỗng nhớ đến Lê Dung, tôi rất tiếc giọng ca như Lê Dung”- PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.

Bà Minh Thái cũng nhấn mạnh: “Tôi rất xúc động khi xem chương trình và rất thích cử chỉ này của Bộ VHTTDL, đây là một cử chỉ chiến lược. Chương trình này phải được cho dân chúng nghe và Dàn nhạc giao hưởng phải được biểu diễn thường xuyên thì mới có sức sống được. Không biểu diễn thì không có sức sống, đó là quy luật của một nền biểu diễn”.

Một nền nghệ thuật có sức sống, điều này, chắc chắn sẽ được thực hiện, bởi trong tối 30/8, sau khi thưởng thức các chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ với các nghệ sĩ và báo giới, sẽ không chỉ tạo “đất diễn” cho nghệ thuật bác học như giao hưởng mà sẽ “vực dây” tất cả các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương… ./.

Hà An -Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×