Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giáo dục liêm, chính để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới

15/11/2021 | 08:41

Hội nghị Văn hoá toàn quốc dự kiến diễn ra vào ngày 24/11 sẽ là dịp để để chúng ta nhìn lại, đánh giá công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, đồng thời còn là diễn đàn lắng nghe những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho văn hoá nước nhà. Để góp thêm một ý kiến tâm huyết cho Hội nghị, báo Tổ Quốc trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW; nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW.

Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW ngày 05/6/2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã đề ra quan điểm: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp…". Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn tới "phần đức" của người cán bộ, đảng viên và vai trò của tổ chức đảng trong việc giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Chúng ta đều biết, "liêm" và "chính" là hai trong bốn đức tính cốt lõi của con người: cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính ấy là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là "nền tảng của đời sống văn hóa mới", là phẩm chất trung tâm của đạo đức và là mối quan hệ đối với "tự mình" của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bốn đức tính cần có ấy của con người, giống như "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người". Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ".

Giáo dục liêm, chính để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Liêm" theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân. Tức là, phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, sung sướng. Không tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Hành vi trái với chữ Liêm là cậy quyền thế mà đục khoét, ăn của dân, hoặc trộm của công làm của riêng. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình.

"Chính" là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở. Đối với người, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc, để việc công lên trên việc tư, làm việc gì đến nơi đến chốn, không ngại khó, nguy hiểm, cố gắng làm việc cho dân, cho nước. Người chính trực thấy việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh[1].

Thực tiễn xây dựng chính Đảng Mác xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng cần phải nâng cao năng lực chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thường xuyên thực hiện liêm, chính trong Đảng. V.I. Lê nin đã chỉ ra rằng, điều nguy hiểm nhất của một đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước chính là xa rời quần chúng. Vậy, cái gì khiến đảng xa rời quần chúng? Đó chính là tình trạng tha hóa, biến chất ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Trên thực tế, nhiều đảng cầm quyền trên thế giới tự suy vong chính là do sự tha hóa, biến chất trong đảng, đảng không còn đủ uy tín trong lòng nhân dân. Đảng chỉ có thể cầm quyền khi vẫn còn đủ uy tín bởi phẩm chất trong sạch, giữ được phẩm chất liêm, chính và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng đã cảnh báo rất rõ: "Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Thực tế ấy, đã và đang diễn ra với Đảng ta. Bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện liêm, chính nghiêm túc thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã giảm sút nghiêm trọng, suy thoái về đạo đức, lối sống, gây nhiều hệ lụy trong Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng bị xử lý kỷ luật hầu hết đều là cán bộ, đảng viên có vai trò chính trong các vụ việc vi phạm. Chỉ riêng đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu khóa XII đến nay đã có hơn 100 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều người vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự. Qua kết quả nêu trên, cùng với những vụ án lớn nghiêm trọng tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế, đến các vụ việc xảy ra ở một số tính, thành trong thời gian qua… đã phản ánh rõ tinh thần liêm, chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không còn được giữ vững và thậm chí còn bị tha hóa nghiêm trọng. Đáng tiếc là, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo cơ bản, có hiểu biết pháp luật, nhưng đã không vượt qua được cám dỗ hay nói như một nhà văn nổi tiếng thế giới là "đã bị hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người" dẫn đến làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: "Trong thời gian dài, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể đã buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân".

Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình liêm, chính; phải cảnh giác như "đi trên băng mỏng", như "đứng trước vực sâu" mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ, không để "hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại. Trách nhiệm của các tổ chức đảng là rất lớn lao trong việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước để giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên mới đạt hiệu quả.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có thái độ làm việc nghiêm túc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống trong sáng, liêm, chính, gương mẫu, đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. Đối với những vấn đề lớn có hệ lụy đến sự tồn vong của Đảng, các tổ chức Đảng không chỉ coi trọng về mặt tư tưởng mà còn phải hết sức coi trọng về mặt hành động, vừa kiên quyết vừa quyết đoán, có thể phải "kỷ luật một vài người để cứu muôn người" như thông điệp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm.

Giáo dục liêm, chính đối với cán bộ là một nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên, lâu dài, xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng. Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ và còn có nhiều sơ hở chưa đủ răn đe, trừng phạt, nếu tinh thần liêm, chính không được giáo dục thường xuyên và tự giác thực hiện, khi có chức, có quyền cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thể, tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội bên cạnh việc giáo dục liêm, chính, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc mới bắt đầu manh nha. Đồng thời, cần phát hiện, giúp cho tổ chức đảng và các cơ quan pháp luật nghiêm khắc với những phần tử sai phạm để giành được thành qua trong công tác xây dựng Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Giáo dục liêm, chính để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Các cấp ủy đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục liêm, chính gắn với giáo dục tinh thần nêu gương. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới. Vì vậy, khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của toàn Đảng sẽ tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Song với tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ, các nguyên tắc, quy định của Đảng thì chúng ta cũng phải thấm nhuần tư duy kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng ta đều biết khi xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn, nhạy cảm như ông cha ta đã nói: "Việc với nước là việc lớn những việc giữa người với người cùng là việc không nhỏ" nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải kiên quyết thực hiện theo pháp luật.

Như chúng ta đã biết, "văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam"[2]. Do vậy, nếu giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên muốn có hiệu quả cao thì phải tiến hành thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước để khơi dậy khát vọng chân, thiện, mỹ của con người – đảng viên. Bởi văn học, nghệ thuật có sức mạnh chinh phục cảm hóa con người, nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn con người không gì thay thế được. Và, một khi giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quyền có hiệu quả sẽ lan tỏa trong xã hội, tạo nên những hiệu ứng tích cực như người ta thường nói: "Đảng viên đi trước, làng nước đi sau" để khẳng định vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên. Như vậy, giáo dục liêm, chính là giáo dục đạo đức, nói cách khác là giáo dục cái "cốt lõi" của văn hóa đã trở thành đức trị bổ sung cho pháp trị, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Do vậy, để hiện thực hóa quan điểm trên của Đảng đi vào cuộc sống thì việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng giữ vai trò quyết định. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra việc "tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới"[3]. Ngày 24/11/1021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức "Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", chúng ta tin tưởng rằng Hội nghị nhất định sẽ có những chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển văn hóa trong giai đoạn tới để góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

TS. Bùi Thế Đức

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận,phê bình văn học, nghệ thuật TW;

nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW


[1] Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1999-1950) – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội – 2011.

[2] Nghị quyết ố 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triern văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", ngày 16/6/2008.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thé XIII. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội-2021, trang 143.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×