Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ

10/08/2023 | 14:01

Cùng với việc hỗ trợ trùng tu di sản Huế, các chuyên gia của Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức còn nỗ lực trao truyền tình yêu và sự hiểu biết về di sản cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Bà Andrea Teufel giới thiệu về công trình điện Phụng Tiên cho sinh viên

Khám phá họa tiết cung đình triều Nguyễn

Mùa hè này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức phối hợp tổ chức chương trình giáo dục di sản cho các em học sinh. Trong không gian điện Phụng Tiên, hơn 30 em học sinh được tham gia trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế và tìm hiểu ý nghĩa của các họa tiết được sử dụng tại công trình điện Phụng Tiên. Đây là một phương thức tiếp cận thú vị với nghệ thuật triều Nguyễn dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Trò chơi yêu cầu người chơi phải nhớ vị trí và tìm cho ra những cặp thẻ bài có họa tiết cung đình giống nhau. Người tìm ra được nhiều cặp thẻ bài giống nhau nhất là người chiến thắng. Hào hứng với những chiếc thẻ bài đặt trên bàn, các em học sinh thích thú cười vang mỗi khi bốc trúng hai lá bài có họa tiết giống nhau. “Trò chơi này không chỉ để giải trí mà trên mỗi tấm thẻ bài vẽ một mô típ trang trí đều có chú thích về ý nghĩa của nó. Qua đó, giúp chúng em hiểu hơn về ý nghĩa của mỹ thuật cung đình. Thật tuyệt vời khi được tiếp thu nhiều kiến thức về văn hóa triều Nguyễn qua trò chơi này”, em Bùi Ngọc Quỳnh Như, học sinh lớp 9 Trường THCS Đặng Văn Ngữ nói.

Trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế được các chuyên gia của Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức sáng tạo dựa trên 45 họa tiết của triều Nguyễn. Đây là một trò chơi độc đáo, thú vị để khám phá, tìm hiểu về mỹ thuật triều Nguyễn. Theo chuyên gia người Đức Andrea Teufel, trong văn hóa Việt Nam có nhiều họa tiết nghệ thuật trang trí thể hiện sự khác nhau theo vùng miền, thời gian và tùy theo mục đích sử dụng. Vào thời Nguyễn, một phong cách nghệ thuật đặc trưng đã xuất hiện. Đến nay, phong cách này vẫn toát lên nét đặc trưng về một kinh đô của các hoàng đế nhà Nguyễn trên nhiều phương diện, như: đồ vật, khảm, tranh vẽ, điêu khắc, phù điêu trên các tòa nhà, các tác phẩm nghệ thuật... Tuy nhiên, chúng không chỉ dùng để trang trí mà mỗi họa tiết còn có một ý nghĩa đặc biệt theo quan niệm, ước vọng của người xưa.

Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Chuyên gia của Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế

Những mô típ trên thẻ trò chơi cũng là những họa tiết được thể hiện trên bình phong, cổng của điện Phụng Tiên. Sau khi tham gia trò chơi, các em còn được xem những mô típ này ngoài thực tế để hiểu rõ hơn về giá trị của chúng.

Mùa hè năm ngoái, chương trình giáo dục di sản cũng được hai đơn vị trên phối hợp tổ chức cho các học sinh, sinh viên ở các độ tuổi khác nhau. Dành cho học sinh trong độ tuổi tiểu học, chương trình “Tô màu di sản” giúp các em tìm hiểu, khám phá những họa tiết trang trí truyền thống trong Kinh thành, nhất là những họa tiết tại bình phong và cổng chính của điện Phụng Tiên, tô màu họa tiết truyền thống triều Nguyễn.

Trong chương trình “Bảo vệ di sản”, các sinh viên của Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế được nghe chuyên gia Andrea Teufel giới thiệu quá trình bảo tồn, trùng tu các công trình di sản của điện Phụng Tiên, trọng tâm là giới thiệu công nghệ trang trí các công trình với vôi vữa màu và các bề mặt vẽ bích họa. Sinh viên cũng được chuyên gia hướng dẫn thực hành tự làm các tấm mẫu bằng các loại vôi vữa khác nhau.

Trao truyền tình yêu với di sản

“Giáo dục di sản” cho học sinh, sinh viên là chương trình được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tích cực thực hiện trong những năm gần đây. Đây cũng là một mục tiêu mà dự án “Bảo tồn, trùng tu và phục chế ảo, tích hợp đào tạo kỹ thuật tại điện Phụng Tiên” của Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức hướng đến.

Sau những nỗ lực hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bảo tồn và trùng tu kiến trúc còn lại của khu điện Phụng Tiên, ngôi điện và các công trình lễ nghi đã bị phá hủy trong thời gian chiến tranh, Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức tổ chức các hoạt động giáo dục di sản để giới thiệu về giá trị của di sản nói chung và điện Phụng Tiên nói riêng nhằm tuyên truyền sâu rộng về bảo tồn di sản cho học sinh, sinh viên.

Mặc dù công việc chính của bà Andrea Teufel là phục dựng lại điện Phụng Tiên cũng như bảo tồn các di tích theo hợp tác, vậy nhưng, bà luôn mong muốn truyền tải giá trị của di sản Huế đến người dân địa phương. Bà Andrea Teufel chia sẻ: “Cùng với việc hỗ trợ Huế trùng tu các công trình di sản, mục đích của dự án là truyền tải những thông điệp về giá trị của di sản Huế đến với người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục bảo vệ các công trình kiến trúc này trong tương lai. Tôi mong người dân Huế sẽ hiểu hơn về kiến trúc và vẻ đẹp của Kinh thành, về lịch sử và văn hóa cung đình. Từ đó, họ sẽ hiểu về di sản trên chính mảnh đất mình được sinh ra và bảo vệ nó”.

Bà Andrea Teufel luôn trăn trở làm cách nào để trao truyền tình yêu với di sản đến với các bạn trẻ hiệu quả nhất. Bà nói: “Nếu chỉ giới thiệu, giảng giải và trả lời câu hỏi sẽ rất nhàm chán. Các em sẽ không cảm thấy thú vị và cũng không nhớ lâu. Tôi và các đồng nghiệp nghĩ đến việc thiết kế trò chơi “Trí nhớ nghệ thuật Huế”, tổ chức các hoạt động tô màu các họa tiết cung đình cho học sinh tiểu học, khám phá cách làm vôi vữa của người xưa cho sinh viên chuyên ngành hay nặn tượng 3D dành cho sinh viên mỹ thuật và tin học… Tôi thấy các em rất hứng thú tham gia. Hy vọng, những trải nghiệm thú vị này sẽ giúp các em hiểu và ghi nhớ được những điểm quan trọng, đó là thành công của dự án.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×