Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giá như nhiều lễ hội đông mà vẫn miễn phí như ở Chùa Bà, đến Minh Thề mà người người nghìn nghịt rủ nhau đi

22/02/2019 | 08:56

Những ngày đầu xuân, nhìn lại một số lễ hội đã diễn ra trên nhiều tỉnh, thành bỗng thấy có không ít hình ảnh trái ngược nhau, không thể không so sánh và suy ngẫm.

Trong khi phần lớn lễ hội hướng tới cầu tài, cầu lộc, cầu danh lợi… ở nhiều địa phương thu hút đông đảo người dân khắp nơi đổ về, người người chen chúc, đội lễ, rải tiền lẻ… thì lễ hội Minh Thề- hội thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư lại có số người dự chưa đông bằng.

Trong khi những lễ hội đón một lượng người đổ về quá đông, những dịch vụ ăn theo tranh thủ chèo kéo, chặt chém, trà trộn hàng kém chất lượng… thì ở lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương các dịch vụ đó lại được người dân vui vẻ, không toan tính, sẵn sàng mời khách sử dụng miễn phí như một chuyện lạ mà lại có thật.

Giá như nhiều lễ hội đông mà vẫn miễn phí như ở Chùa Bà, đến Minh Thề mà người người nghìn nghịt rủ nhau đi - Ảnh 1.

Những hình ảnh đẹp ở Chùa Bà, Bình Dương. Ảnh: Dân Việt

Đi lễ, đi hội… để cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, cộng đồng là nhu cầu chính đáng, là nét đẹp mà có lẽ nhiều quốc gia cũng có. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định: Nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Cầu nguyện là bản năng của con người, là khuynh hướng chủ đạo của tất cả các tôn giáo tử thuở sơ khai. Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại cũng như các tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng khác có chức năng là chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người.

Nhưng những hình ảnh trái ngược của một số lễ hội khiến nhiều người không thể không so sánh, suy ngẫm và đặt ra một số câu hỏi. Đông và vắng, chen chúc và bình yên cho ta thấy điều gì?

Tại sao một lễ hội ý nghĩa như hội Minh Thề, hướng con người ta đến những việc làm minh bạch, có ích cho nhiều người, đem lại thanh thản cho bản thân để sống tốt hơn, đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, nhưng lượng người đến lại chưa đông bằng các lễ hội khác, nhất là nếu trong đó có cầu danh lợi, tiền tài địa vị… Thậm chí người ta không ngần ngại lợi dụng tâm linh để trục lợi, lăn xả vào để "cướp lộc" bất chấp nguy hiểm và phản cảm. Lễ hội Phết Hiền Quan năm nay buộc phải dừng tổ chức là một ví dụ cho thấy sự nhốn nháo, "vỡ trận".

Có trăm ngàn lý do để những hình ảnh chưa đẹp ở lễ hội cũng như những nơi tôn nghiêm diễn ra, trong đó có cả lý do vì lượng người quá tải. Nhưng cũng tại lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương lượng người đổ về vẫn đông đúc mà những dịch vụ miễn phí vẫn diễn ra và đáp ứng được. Bởi vậy, phải chăng sự nhốn nháo chỗ tôn nghiêm, thánh thần phải chăng nguyên nhân sâu xa hơn cả đó là tâm lý tranh thủ, chộp giật, tư túi, ích kỷ cá nhân bằng mọi giá để nhận lấy phần được cho là hơn, là có lợi cho bản thân?.

Được biết, không chỉ mùa lễ hội này mà đã nhiều năm nay "lễ hội miễn phí" ở Bình Dương được diễn ra và trở thành một "thương hiệu" lễ hội văn minh, đầy tình người, khiến ai đặt chân đến một lần lại muốn quay trở lại. Du khách đến đây không chỉ cầu tài, cầu lộc mà họ còn nhận được sự chu toàn, tử tế của con người với con người. Mọi bon chen, chặt chém, lo ngại, cảnh giác bị gạt sang một bên để tâm thanh thản, bước chân an vui. Điều đáng nói nét đẹp của lễ hội này ngày càng được nhiều người biết đến, có tác động mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng và trở thành động lực cho các nhà tài trợ cùng chung tay vun đắp. Ban tổ chức cho biết, năm nay có tới hơn 100 tổ chức, cá nhân đã đăng ký hoạt động thiện nguyện. Điều này chứng tỏ, ở bất cứ nơi đâu, lòng tốt của con người cũng là thứ đáng quý, đáng trân trọng và đáng được nhân rộng, lan tỏa.

Có một nghịch lý đã và đang diễn ra, đó là khi đi lễ để cầu là tâm đã tín, đã tin các bậc thánh thần, siêu phàm có sức mạnh hơn người, có thể nhìn thấu cõi, thấy được thành tâm để phù hộ chúng sinh nhưng không ít người lại chen lấn xô đẩy, giành giật, rải tiền vô tội vạ… để lại những hình ảnh không đẹp, đến người trần mắt thịt còn khó chấp nhận thì làm sao thánh thần lại có thể chấp nhận và linh thiêng chứng giám, phù hộ?

Giá như nhiều lễ hội đông mà vẫn miễn phí như ở Chùa Bà, đến Minh Thề mà người người nghìn nghịt rủ nhau đi - Ảnh 2.

Hình ảnh tại lễ hội Minh Thề. Ảnh: Vietnamnet.vn

Câu nói "thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa" dường như chưa bao giờ cũ và vẫn còn nguyên giá trị ngày nay với việc đề cao tính thiện, ứng xử, sự lương thiện, gạt bỏ những sân si trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng.

Những đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng ở nước ta do chiến tranh để lại có thể đã khiến nhiều người hiểu sai, hiểu chưa đúng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, con người được trang bị kiến thức, được tiếp cận với khoa học công nghệ và hội nhập với văn minh thế giới thì cần phải thay đổi hoạt động văn hóa tín ngưỡng chưa phù hợp, lạc hậu, thiếu căn cứ, mê muội… để có cách nhìn đúng hơn, hợp lý hơn.

Giá như nhiều lễ hội duy trì được nét đẹp như ở lễ hội Chùa Bà, giá như lễ hội Minh Thề ngày càng có đông người tự nguyện tham dự thì có lẽ những nét đẹp văn hóa, truyền thống của lễ hội sẽ được duy trì, phát huy và tiếp nối. Để chúng ta tin rằng, dù thế nào thì trong dòng chảy ồn ã của cuộc sống vẫn còn tồn tại những cái đẹp và luôn được nâng niu, gìn giữ.

Nhị Xuân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×