Gia Lai: Phục dựng lễ hội gắn với phát triển du lịch
20/08/2021 | 14:05Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mỗi địa phương đều tận dụng các giá trị di sản văn hóa bản địa để mở rộng sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách. Trong đó, lễ hội truyền thống là vốn tài sản quý giá, có giá trị quan trọng trong xu hướng phát triển du lịch hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số càng có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh lễ hội góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Gia Lai là tỉnh miền núi khu vực Bắc Tây Nguyên với hai đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar và Jrai sinh sống lâu đời vẫn còn giữ được các giá trị văn hóa bản địa từ ngàn đời trong đó lễ hội vẫn giữ được giá trị quan trọng và có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Hằng năm bên cạnh những lễ hội do bà con dân làng tự đứng ra tổ chức như lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ cúng bến nước, lễ thổi tai, lễ cầu mưa, lễ bỏ mả, lễ cưới… thời gian qua chính địa phương thường xuyên tổ chức lễ phục dựng lại các lễ hội truyền thống trong cộng đồng dân cư bản địa. Bên cạnh mang giá trị phát huy và gìn giữ những giá trị quý giá từ ngàn xưa còn góp phần không làm mai một và nâng cao nhận thức cho người dân biết trân trọng, lưu truyền các lễ hội không được mất đi theo năm tháng.
Một trong những lễ hội mang giá trị bản sắc văn hóa lâu đời của người dân bản địa là lễ cúng giọt nước nơi cuối làng. Giọt nước đối với đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai ở Tây Nguyên là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, nó gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của bà con trong từng buôn làng. Các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt, đây là lựa chọn có vai trò hàng đầu. Giọt nước có khi là một bến sông, có khi là một đoạn suối, nhưng thông thường là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau. Mỗi làng có ít nhất một giọt nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết, thanh mát và trong lành. Vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 11 hằng năm trên khắp các buôn làng đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên đều tổ chức lễ cúng giọt nước. Để gìn giữ và lan tỏa hơn nữa giá trị của lễ hội này, thời gian qua làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ cũng đã tổ chức phục dựng lễ cúng giọt nước của làng, một ngày hội lớn có ý nghĩa mà cả làng đều mong chờ.
Ngày nay, cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã dần văn minh, hiện đại hơn rất nhiều, tuy đã không còn nguyên bản như ngày xưa song nhiều phong tục tập quán vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ và các cấp chính quyền phục dựng lại, trong đó có những lễ hội mang ý nghĩa sản xuất, trồng trọt. Thần lúa là một trong những vị thần được tôn thờ bởi tập tục trồng trọt, nương rẫy của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm sau khi thu hoạch, người dân tổ chức lễ mừng lúa mới vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Đây là lễ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người Bahnar, Jrai. Thời gian qua tại làng Apa Ama H'Lăk, xã Chư Mố, huyện La Pa đã tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới. Giá trị mà lễ mừng lúa mới cùng nhiều lễ hội truyền thống khác của cộng đồng dân cư bản địa trên địa bàn tỉnh cần được bảo tồn để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình trải nghiệm những bản làng vốn mang nhiều điều thi vị cho người lữ khách phương xa.
Là một trong những lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh, lễ cúng lên nhà Rông mới là sự hân hoan, chia sẻ, chúc mừng của mọi thành viên trong cộng đồng cùng chung tay, góp sức xây dựng nhà Rông làng. Tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang đã từng được phục dựng lại lễ cúng lên nhà Rông mới gửi gắm niềm tin của bà con vào Yang cầu mong sức khỏe, bình an, mùa màng tươi tốt mang lại sự no ấm cho người dân. Bên cạnh lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng, đây còn là dịp để nhân dân, du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại. Bên cạnh đó, việc duy trì thường xuyên lễ cúng mang giá trị giao lưu văn hóa, tạo tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa cộng đồng cùng nhau gìn giữ những lễ hội văn hóa ý nghĩa đặc sắc bao đời nay cần được phát huy và lưu truyền.
Dù là những lễ hội do bà con dân làng tự đứng ra tổ chức hay các lễ phục dựng, tái hiện lại thì lễ hội phải được giữ nguyên bản sắc, tinh thần truyền thống, tránh lai tạp, pha trộn những yếu tố hiện đại làm phai nhòa bản sắc của lễ hội dân gian, nên phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, đặc biệt là các đối tượng có uy tín già làng, trưởng thôn. Từ đó, thông qua lễ hội các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc. Các cấp, ngành, địa phương cũng đã có những hành động thiết thực trong việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong lễ hội dân gian của mỗi dân tộc, có chính sách hỗ trợ các địa phương bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng lan tỏa rộng rãi là điều rất có ý nghĩa.
Lễ hội dân gian là một loại tài nguyên du lịch nhân văn, bởi vậy, việc xây dựng, quản lý, tổ chức, phục dựng các lễ hội dân gian sao cho hiệu quả, tạo nên yếu tố kích thích sự phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là điều rất cần thiết./.