Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gia Lai: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" - nền tảng cho sự phát triển

23/09/2020 | 14:09

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" - tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa qua 20 năm triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với hướng đi phù hợp, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới để văn hóa thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển.

Qua 20 năm triển khai thực hiện, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa" đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa. Những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam đã đi vào đời sống của người dân và tiếp tục lan tỏa, bồi đắp cho chặng đường tương lai.

Dựa trên quan điểm "người người làm văn hóa, nhà nhà làm văn hóa", phong trào được các ngành và chính quyền địa phương coi trọng trên cả 3 lĩnh vực: xây dựng phong trào, xây dựng bộ máy và xây dựng thiết chế văn hóa, đưa phong trào phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Gia Lai: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" - nền tảng cho sự phát triển - Ảnh 1.

Những nghệ nhân ở Gia Lai được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" đợt 1.

Môi trường văn hóa sôi động

Nếu năm 2000, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh Gia Lai chỉ đạt 5,3% thì đến cuối năm 2019 đạt 79,3%. Tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa năm 2000 là 9,3%, đến cuối năm 2019 là 79,6%. Các chỉ tiêu phong trào đều có bước chuyển biến, tăng từ 50% đến 70%. Bên cạnh đó, nhiều phong trào như "Người tốt-việc tốt và các điển hình tiên tiến"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng… đều đạt nhiều kết quả quan trọng.

Khởi nguồn cho sức mạnh văn hóa chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và quan điểm ấy đã được các địa phương trong tỉnh vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp thực tiễn cuộc sống. Tổ 4 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) 5 năm liền được công nhận là khu dân cư văn hóa. Mỗi công trình ở nơi đây, từ nhà văn hóa khang trang đến những con đường bê tông trải rộng, hàng cây xanh mát... đều ghi dấu ấn của cộng đồng. Người dân ai nấy đều phấn khởi, tự hào khi cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng cao.

Ông Lê Xuân Thắng - Bí thư Chi bộ tổ 4 - cho biết: Để có được kết quả đó, địa phương luôn cố gắng đưa văn hóa đi vào cuộc sống của người dân một cách tự nhiên thông qua nhiều hình thức. "Bà con tự trồng hoa trước nhà, xã hội hóa lắp camera an ninh để giữ gìn an ninh trật tự, bình yên xóm làng. Nhân dân rất phấn khởi khi bộ mặt tổ dân phố ngày càng đổi mới, khang trang, giao thông đi lại thuận lợi, sáng-xanh-sạch-đẹp" - ông Thắng nói.

Đi vào thực tiễn sinh động, phong trào được vận dụng thực hiện trong các cơ quan, đơn vị, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu như các cấp Hội Nông dân có phong trào Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", mô hình "Tự quản về an ninh trật tự"; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có khẩu hiệu "Phụ nữ tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu", "Phụ nữ giàu lòng nhân ái" giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Các cấp Hội Cựu chiến binh có mô hình "Nghĩa tình đồng đội" giúp xóa nhà dột nát, hỗ trợ hội viên nghèo... Đặc biệt, ngày 18-11 hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư" thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Bà Phạm Thị Lan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - nhìn nhận: "20 năm qua, các hoạt động của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, cộng đồng dân cư đồng thuận cùng phát triển, cùng nhau xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Di sản cho mai sau

Nếu di sản là quà tặng từ quá khứ thì chính sự nỗ lực để gìn giữ, sáng tạo các giá trị văn hóa trong hành trình đi tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển trong tương lai. Gia Lai hiện có 26 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh và 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia. Phát huy giá trị, tạo sức sống cho di sản, các hoạt động lễ hội, liên hoan, thông tin lưu động, văn nghệ quần chúng được tổ chức rộng khắp gắn với các di tích văn hóa-lịch sử. Công tác bảo tồn và trùng tu di tích được quan tâm, chú trọng. 

Gia Lai: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" - nền tảng cho sự phát triển - Ảnh 2.

Một gian hàng của đồng bào Bahnar tại phiên chợ Kinh - Thượng trong khuôn khổ Hội hát Cầu huê năm 2020.

Trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, lễ cúng Quý Xuân, Hội hát Cầu huê gắn liền với kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sau hơn nửa thế kỷ thất truyền nay đã được phục dựng với các quy trình, lễ thức sống động, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa. Cũng trên miền đất di sản An Khê, những phát hiện về phức hợp di tích Đá cũ - nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử loài người ở Việt Nam gây chấn động giới khảo cổ - đã mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu quốc tế, tạo cho An Khê thế đứng vững chắc dựa vào di sản để phát triển trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Bí thư Thị ủy An Khê - chia sẻ: "Chúng tôi xem phát triển văn hóa, trong đó có bảo tồn, phát huy giá trị di sản là điều vô cùng quan trọng, được ví là tài nguyên. Với thế mạnh sẵn có, thị xã sẽ tập trung xây dựng, phát triển di sản vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, trong quá trình ấy, chúng tôi xác định lấy người dân làm chủ thể, từ đó tạo cơ hội để người dân trực tiếp tham gia và tạo ra các giá trị kinh tế từ di sản".

Từ năm 2000 đến nay, Gia Lai có thêm 23 nghệ nhân, 01 nghệ sĩ, 05 nhà giáo, 06 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu ưu tú; 244 tập thể được Chủ tịch nước trao tặng huân chương, huy chương; 10 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Hàm lượng tri thức của các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được đánh giá là đã góp phần làm nên sức mạnh nội sinh của văn hóa tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, có 2 sự kiện văn hóa lớn đã để lại ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế là Festival Cồng chiêng Quốc tế 2009 và Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Sự thành công qua 2 lần tổ chức festival cồng chiêng đã khẳng định vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc...

Theo ông Trần Ngọc Nhung Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với những hiệu quả mang lại trong 20 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Để phong trào lan tỏa sâu rộng, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc xây dựng chương trình hành động cần có nội dung, mục tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai tổ chức, thực hiện phong trào. Đặc biệt, cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến - hạt nhân của phong trào để tạo sự lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ hơn nữa.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - nhấn mạnh: "Phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đảng viên, hội viên mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng cơ chế giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; phát huy các di sản văn hóa được UNESCO công nhận".

Theo baogialai.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×