Gặp mặt đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội
21/12/2017 | 12:27Chiều 20/12, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Gặp mặt đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội”.
Hội nghị với sự tham gia của gần 130 đại biểu là những đại diện tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, qua số liệu tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích, đến tháng 12/2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5.922 di tích. Các di tích Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng và có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích của Việt Nam, bao gồm: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, làng cổ, phố cổ. Một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội là những bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ, phát huy tại các bảo tàng, di tích đình, chùa, đến miếu và trong các bộ sưu tập tư nhân. Thủ đô Hà Nội có 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia trong bảng danh mục bảo vật quốc gia, có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật.
Đồng thời, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều bảo tàng tiêu biểu nhất cả nước, đang bảo quản và giới thiệu hàng nghìn bộ sưu tập quý giá về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội cũng có rất nhiều danh lam thắng cảnh - những di sản thiên nhiên, những làng nghề truyền thống và là những tài nguyên du lịch tiêu biểu của Thủ đô như: núi Ba Vì, hồ Tây, làng lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng... Bên cạnh đó là không ít di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương...
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý và những người trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích rất phấn khởi khi công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chủ trương, chính sách, cách làm phù hợp.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đề nghị, “Hà Nội hãy biến những điểm mạnh, những cái nhất về di sản đang nắm giữ trở thành nguồn lực lớn của Hà Nội”.
Thứ trưởng đánh giá, Hà Nội là địa phương “giàu” về di sản văn hóa, là nơi lưu giữ nhiều nhất các di sản của đất nước. Đặc biệt, từ góc độ văn hóa, các di sản phi vật thể có mặt tại Thủ đô vô cùng đa dạng, đặc biệt lễ hội truyền thống của các địa phương vô cùng phong phú, nhiều lễ hội nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở thế giới… Công tác tu bổ, bảo tồn các di tích được Thành phố Hà Nội thực hiện chủ động, trong đó nhiều di tích đã trở nên hấp dẫn, có sức hút với khách tham quan và đóng góp cho du lịch Thủ đô cũng như cả nước như: Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… qua đó đóng góp cho kinh tế xã hội cả nước.
Bên cạnh việc chỉ ra những cái “nhất” của Hà Nội, Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội thực hiện 6 “biến” bao gồm: “Biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa, biến tài nguyên thành tài chính, biến nguồn lực thành động lực phát triển, biến môi trường thành thị trường, cuối cùng phải biến giá trị thành giá cả”. Nếu làm được như vậy thì Hà Nội không chỉ có tiềm năng nhất mà sẽ giàu mạnh nhất”, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ảnh: Gia Linh
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay từ khi mới giành được độc lập, trong điều kiện có muôn vàn khó khăn, song Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lưu tâm đến lĩnh vực di sản, ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 ấn định cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Thành phố đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, cách làm phù hợp, tạo được sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân, qua đó đã góp phần gìn giữ và phát huy tốt vai trò là cái nôi của văn hóa, của di sản tiêu biểu cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội đã luôn nhận được sự quan tâm, chung tay, đóng góp nhân lực, tài lực, trí lực rất lớn từ cộng đồng xã hội, nhất là sự đóng góp của những nhà khoa học, nhà quản lý để gìn giữ và phát huy cái nôi của văn hóa, di sản tiêu biểu cả nước.
Tuy nhiên, bảo tồn di sản văn hóa là một công việc có tính hệ thống, là nhiệm vụ lâu dài và có tính xã hội hóa cao, bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu trong thời gian tới, TP phải chủ động xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi về bảo tồn di sản văn hóa, từ đó quản lý và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội./.
Gia Linh