Gần 100 di tích – nhà ở được đầu tư tu bổ khẩn cấp tại Hội An
20/01/2020 | 14:25Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện dự án "Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ" theo quyết định đầu tư của UBND Quảng Nam cho gần 100 di tích - nhà ở.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện tu bổ cho tổng cộng 424 công trình di tích nhà nước và di tích hỗ trợ tư nhân - tập thể với tổng số vốn đầu tư là 152.373.000.000đ. Việc thực hiện dự án "Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ" theo quyết định đầu tư của UBND Quảng Nam từ năm 2005 đến nay cho gần 100 di tích - nhà ở từ nguồn vốn ngân sách 40% của tỉnh, 60% của thành phố, cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, và tham gia đóng góp của các chủ nhà ở, di tích. Đặc biệt với cơ chế chính sách nhà nước hỗ trợ từ 40% - 75% kinh phí khi người dân tham gia dự án, cho đến nay quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích và liên quan đến tính mạng con người.
Trong quá trình quản lý, ngành văn hóa phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo tồn di tích. Công tác này được tập trung thực hiện thông qua nhiều hình thức in ấn, tổ chức tuyên truyền Luật di sản văn hóa, các văn bản dưới luật, các quy chế, và các ấn phẩm như cẩm nang hướng dẫn tu bổ di tích, sách danh mục di tích, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, các sách về kết quả nghiên cứu… phổ biến đến từng hộ dân, chủ di tích; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ở xã /phường, khu dân cư, tại các hội thảo, lễ hội, sự kiện; Xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh từ khối lớp 1 và lớp 6, cùng với các chương trình chúng em khám phá Bảo tàng; thi tìm hiếu qua sách báo tại thư viện; các trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng,…
Trong nhiều năm qua, địa phương thành phố Hội An đã phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt báo cáo các chuyên đề: "Đô thị cổ Hội An - Những giá trị đặc trưng", "Xây dựng Hội An- Thành phố văn hóa", "Xây dựng Nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ, giao tiếp ứng xử" cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Di sản văn hóa Hội An qua internet","Chúng em với di sản và môi trường","Thanh niên Hội An với di sản Văn hóa Hội An"… nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.
Công tác kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm chú trọng, trên cơ sở đó đã đề nghị Bộ đưa các Nghề mộc Kim Bồng và Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà là vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trên lĩnh vực phát huy di sản văn hóa nói chung, trong những năm qua, cùng với quần thể Di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: "Đêm phố cổ", "phố đi bộ", "phố không có tiếng động cơ xe máy", các khu Chợ đêm; gắn với nhiều lễ lệ, lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu và với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Hàng năm, một số lễ hội như: Hội Tết dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, các Giỗ Tổ nghề, cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với nhiều địa phương trong nước, và ở các nước: Hồng Kông – Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... được tổ chức, mang lại nhiều kết quả.
Các sự kiện văn hóa như: Festival Di sản Quảng Nam (định kỳ 4 năm 1 lần), Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế, cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất, hội nghị APec… đã góp phần làm cho hình ảnh Hội An ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thêm hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, hưởng thụ.