Được Chính phủ hỗ trợ tiền du lịch mà không dám nhận, điều gì đang diễn ra tại Nhật Bản?
07/08/2020 | 15:37Chính phủ Nhật Bản tung những gói kích thích du kịch như "Go Travel" để cứu trợ nền kinh tế, nhưng số ca nhiễm mới tăng mạnh lại đang khiến người dân hoang mang.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch mùa dịch Covid-19 là điều nguy hiểm khi có thể nhiễm bệnh hoặc lây lan dịch ra các vùng khác. Bởi vậy khuyến cáo của chính phủ nhiều nước là người dân nên hạn chế đến nơi đông người.
Thế nhưng với Nhật Bản, câu chuyện lại phức tạp hơn nhiều. Quốc gia này chưa bao giờ áp đặt lệnh cách ly trên toàn quốc mà chỉ khuyến nghị người dân nên cẩn trọng, đồng thời dựa vào ý thức cộng đồng cao để chống dịch. Tất nhiên, thói quen sạch sẽ và đeo khẩu trang khi ra đường giúp Nhật Bản khống chế được dịch giai đoạn đầu. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở y tế tốt khiến tỷ lệ tử vong tại đây thấp cũng khiến chính phủ Nhật Bản chủ quan hơn.
Hệ quả là chính quyền Tokyo bắt đầu nới lỏng giám sát, tung ra các biện pháp kích thích kinh tế nhằm tránh một cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Thế nhưng Nhật Bản bất cẩn quá sớm đã để dịch Covid-19 bùng phát lần 2 với số người nhiễm tăng vọt thời gian gần đây, khiến những chương trình kích thích kinh tế, du lịch gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Ví dụ như dự án "Go Travel" của chính phủ nhằm kích thích du lịch khi hỗ trợ tiền vé máy bay, tiền phòng… cho các du khách. Thế nhưng việc dịch bệnh chưa được kiểm soát đã khiến nhiều chính quyền địa phương cũng như người dân lo ngại. Chính quyền địa phương thủ đô Tokyo thậm chí đã rút khỏi dự án này vào phút cuối do lo ngại lây nhiễm dịch Covid-19.
Du lịch hay không du lịch?
Tháng 8/2020 là mùa lễ hội của Nhật Bản khi rất nhiều sự kiện được tổ chức, ví dụ như lễ Trung thu vốn được tổ chức rất lớn tại xứ sở hoa anh đào. Theo truyền thống, người Nhật Bản sẽ trở về quê thăm gia đình, tảo mộ người thân hay tụ tập bạn bè vào dịp lễ này nhưng dịch Covid-19 lại đang khiến mọi chuyện trở nên phức tạp.
Trong khi chính phủ khuyến khích người dân đi du lịch mùa lễ hội thì chính quyền địa phương lại cảnh báo mọi người không nên ra khỏi nhà, tạo nên sự bối rối trong cộng đồng xã hội.
Ngay trước khi mùa lễ hội diễn ra, Thị trưởng Tokyo là ông Yuriko Koike đã cảnh báo người dân không nên về quê trong đợt này.
"Tình hình hiện nay khá đặc biệt. Tôi muốn mọi người hãy từ bỏ các chuyến về quê, đi chơi ban đêm hay du lịch xa nhà. Nếu tình hình tệ hơn thì tôi không còn cách nào khác ngoài việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo", Thị trưởng Koike nhấn mạnh.
Tháng 8 là dịp để người Nhật tảo mộ và thăm quê theo truyền thống
Khuyến cáo của thị trường Koike là hợp lý khi số ca nhiễm mới tại nhiều vùng Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục. Thế nhưng chúng lại đi ngược với các chính sách khuyến mãi và hỗ trợ du lịch của chính phủ trung ương. Thậm chí chẳng có quan chức hay cơ quan nào đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc nên đi du lịch như thế nào, cần tránh những gì mùa dịch…
Trong khi các quốc gia khác đưa ra những thông báo cụ thể, nhất quán và chặt chẽ cho người dân mùa dịch thì người Nhật lại khá bối rối vì chẳng biết nghe ai. Khi được hỏi mọi người có quyền tự quyết định về quê hay không, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trả lời: "Về cơ bản là có thể".
Câu chuyện ngày càng trở nên phức tạp khi nhiều vùng địa phương chưa có dịch kêu gọi mọi người không về quê thời gian này nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Việc những người trẻ trở về từ thành phố có thể lây dịch cho những người già tại vùng quê, đối tượng dễ nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 nhất.
Tại Tokyo, việc lây nhiễm thông qua người thân trong gia đình là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nhiễm trong mùa dịch Covid-19 gia tăng thời gian gần đây. Vào ngày 4/8 vừa qua, số người lây qua người thân trong gia đình chiếm đến 10% tổng số ca nhiễm mới. Khoảng 40% số người già nhiễm mới bị lây từ các thành viên trẻ khỏe khác.
Bất chấp những rủi ro này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào về việc người dân nên cẩn trọng khi du lịch. Điều này hoàn toàn trái ngược với những động thái quyết liệt ở các nước khác.
Vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm nay khi hàng triệu người Trung Quốc đổ về quê, chính phủ Trung Quốc đã cho cách ly thành phố Vũ Hán do dịch bùng phát và yêu cầu các công ty lữ hành ngừng nhận tour tới đây.
Những chuyến tàu chen chúc về quê dễ lây nhiễm dịch Covid-19
Tương tự, Ả Rập Xê Út cũng đã hạ quy mô của ngày lễ hành hường hàng năm, qua đó giãn cách cũng như hạn chế số người được đến quốc gia này trong mùa lễ trọng đại nhất của Hồi giáo.
Việc thiếu những khuyến cáo cần thiết và sự nhất quán từ chính phủ sẽ càng khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp tại Nhật Bản. Tháng 8 thường là đợt đông đúc nhất trên các chuyến tàu Nhật Bản khi mọi người đổ về quê. Những đoàn người chen chúc, hết chỗ ngồi phải đứng sát nhau trên các đoàn tàu đã trở thành văn hóa Nhật Bản thì nay chúng lại trở thành hiểm họa lây lan dịch Covid-19.