Đưa văn hóa thành thương hiệu quốc gia là tất yếu nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng
22/04/2022 | 13:38Để mỗi khi bạn bè công chúng quốc tế nhắc đến Việt Nam thì đều nhớ đến một đất nước giàu bản sắc văn hóa, có bề dầy lịch sử truyền thống, thiên nhiên hùng vĩ, nhân dân anh hùng… đó chính là thành công của chúng ta khi đã xây dựng văn hóa thành thương hiệu quốc gia.
Dù mới ngoài 30 tuổi nhưng Nguyễn Đức Lộc đã là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên - công ty chuyên phục dựng, thiết kế những trang phục cổ của dân tộc. Từ tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, Nguyễn Đức Lộc đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Với cách riêng của mình, Nguyễn Đức Lộc đã gìn giữ và làm giàu từ chính những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại. Nguyễn Đức Lộc đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về khát vọng đưa cổ phục Việt Nam ra với thế giới, đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với khát vọng "chấn hưng văn hóa Việt Nam". Để chấn hưng văn hóa, để văn hóa nước nhà có vị thế và chỗ đứng trên thế giới, những người làm văn hóa xác định cần "đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia". Là một người trẻ tuổi nhưng lại chọn con đường nghiên cứu, phục dựng cổ phục, Lộc có suy nghĩ gì về việc "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia"?
- Là một người trẻ tuổi yêu mến văn hóa dân tộc, cũng như nhiều người trẻ khác, tôi luôn có sự trăn trở, khát vọng chấn hưng văn hóa nước nhà. Văn hóa còn thì dân tộc còn, câu nói đó có thể giúp bất cứ ai có thể hiểu được tầm quan trọng của văn hóa đối với một dân tộc và quốc gia trên con đường phát triển của mình.
Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, ngoài tầm ảnh hưởng của quyền lực cứng (kinh tế, quân sự) thì còn ảnh hưởng của quyền lực mềm là văn hóa. Nhiều quốc gia trên thế giới họ có mục tiêu xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài, và nhìn lại Việt Nam chúng ta luôn luôn tự hào là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với hàng nghìn năm lịch sử. Với bề dày văn hóa, văn hiến, chúng ta có đầy đủ yếu tố để đưa Việt Nam thành cường quốc về văn hóa. Đầy đủ yếu tố để đưa văn hóa thành thương hiệu quốc gia. Nó là sự tất yếu, văn hóa và kinh tế là hai khái niệm không thể tách rời, nó luôn song song và bao hàm lẫn nhau, văn hóa cần có kinh tế để phát triển và kinh tế cần có văn hóa để thăng hoa. Đến thời kỳ kinh tế phát triển nhất định, phải tập trung cho sự phát triển văn hóa. Đó là những bài học rất nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Việt Nam là nước đang phát triển chúng ta có thể học được kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong xây dựng văn hóa thành thương hiệu quốc gia. Bác Hồ đã nói, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Điều đó khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa. Vì vậy xây dựng văn hóa thành thương hiệu quốc gia là điều đương nhiên và tất yếu phải làm nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Làm thế nào để xây dựng văn hóa thành thương hiệu quốc gia không đơn giản. Để mỗi khi bạn bè công chúng quốc tế nhắc đến Việt Nam thì đều nhớ đến một đất nước giàu bản sắc văn hóa, có bề dầy lịch sử truyền thống, thiên nhiên hùng vĩ, nhân dân anh hùng… đó chính là thành công của chúng ta khi đã xây dựng văn hóa thành thương hiệu quốc gia.
Theo Lộc, lĩnh vực thời trang, đặc biệt là cổ phục có điểm mạnh gì để quảng bá văn hóa Việt Nam? Để thời trang Việt Nam có thể đến được với công chúng nước ngoài theo Lộc cần làm gì?
- Văn hóa là bao gồm rất nhiều các yếu tố, những lĩnh vực khác nhau và trang phục, thời trang là một yếu tố của văn hóa. Trang phục là thứ đầu tiên đập vào mắt người khác để trả lời cho câu hỏi bạn là ai, bạn đến từ đâu…Trang phục truyền thống của một dân tộc chính là di sản văn hóa của dân tộc đó. Trang phục dân tộc phản ánh bề dầy văn hóa của dân tộc đó, nó thể hiện nhân sinh quan, thẩm mỹ quan của dân tộc đó. Và theo tôi, trang phục truyền thống của người Việt chúng ta trải qua nghìn năm lịch sử, qua những triều đại phong kiến khác nhau chính là điểm mạnh, chính là di sản để chúng ta quảng bá ra thế giới.
Để quảng bá trang phục Việt Nam ra thế giới có rất nhiều việc cần phải làm. Với thời trang nói chung, đến thời điểm hiện nay, có rất nhiều nhà thiết kế đã từng bước đưa thời trang Việt Nam ra thị trường quốc tế và có tiếng vang nhất định. Nhưng theo tôi, thời trang Việt Nam vẫn chưa thực sự có tên tuổi, có vị thế nhất định trên trường thế giới. Vì sao vậy, vì thời trang hiện đại chúng ta còn nhiều hạn chế. Nhưng với trang phục truyền thống thì khác. Như tôi đã nói, trang phục truyền thống của chúng ta được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện nhân sinh quan, tính thẩm mỹ của dân tộc, vừa chung vừa riêng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Nhưng cho đến hiện tại, trang phục truyền thống, theo tôi nhìn nhận vẫn chưa được công chúng trong nước, các nhà quản lý, các nhà thiết kế đào sâu, khôi phục, phát huy đúng đắn so với giá trị nó đem lại.
Nếu muốn thời trang Việt Nam nói chung và cổ phục Việt Nam ra được nước ngoài, có thể gây được tiếng vang dấu ấn với công chúng nước ngoài thì chỉ có cổ phục của người Việt mới có thể tạo được dấu ấn riêng biệt, gây tiếng vang. Nhưng bản thân trang phục truyền thống còn chưa được người trong nước biết đến nhiều thì làm sao đưa được ra công chúng nước ngoài. Vì vậy, cần phải bảo tồn, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khôi phục, đưa trang phục truyền thống của người Việt sống lại đối với chính người Việt trong nước rồi mới nghĩ đến việc đưa ra nước ngoài.
Theo Lộc, chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia, được công chúng thế giới ghi nhận?
- Để xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa được công chúng thế giới ghi nhận đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Việt Nam là nước đang phát triển, nhìn sang các nước họ phát triển kinh tế trước ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đã làm gì để phát triển văn hóa. Khi kinh tế phát triển thì văn hóa được đầu tư và phát triển.
Đặc biệt như Hàn Quốc, có nhiều điểm tương đồng với chúng ta, họ có thời kỳ phát triển kinh tế và đầu tư cho văn hóa rất bài bản, có chiến lược quốc gia, mục tiêu quốc gia. Cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đều được xây dựng để có thể hỗ trợ văn hóa Hàn Quốc phát triển và tầm nhìn rất xa. Họ đầu tư vào con người, văn hóa.
Hay như Trung Quốc, họ tập trung vào quảng bá văn hóa từ sớm. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, họ đã quảng bá văn hóa qua những bộ phim. Sau đó khoảng 1 thập niên, phim Hàn Quốc cũng ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của các nước khu vực. Nhật Bản cũng vậy, họ đầu tư vào công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa.
Còn Việt Nam, khái niệm này mới được đề cập trong thời gian gần đây. Chúng ta đã có tư duy mới về văn hóa, xác định văn hóa cũng là sản phẩm. Vậy thì cần xác định cách thức quản trị như thế nào, xây dựng hành lang pháp lý ra sao thì mới có thể đưa văn hóa thành thương hiệu quốc gia và có tầm ảnh hưởng với thế giới.
Xin cảm ơn Lộc về cuộc trò chuyện!