Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đưa nghệ thuật đỉnh cao đến gần hơn với khán giả

12/08/2016 | 11:13

Thực hiện chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL sẽ biểu diễn luân phiên tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ 30/8 tới.


Đây cũng là một bước để thay đổi phương thức hoạt động của Nhà hát Lớn, nơi vẫn được mệnh danh là “ngôi đền thiêng” của nghệ thuật. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát Lớn đã chia sẻ về công tác chuẩn bị của Nhà hát cho chương trình đưa Nhà hát Lớn trở thành “cái nôi” của các chương trình nghệ thuật có chất lượng, nơi giữ gìn nghệ thuật truyền thống.



Giám đốc Nhà hát Lớn Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Ảnh Hoàng Nguyên)

+ Trước chủ trương đưa các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn, là đơn vị sẽ tiếp nhận, tổ chức thực hiện quảng bá các hoạt động này, bà có đánh giá gì về những chuyển biến của Nhà hát Lớn trong thời gian tới?


- Chủ trương của Bộ trưởng là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Lớn nói riêng cũng như 12 Nhà hát thuộc Bộ nói chung. Chúng tôi thấy rất phấn khởi. Đây là một chỉ đạo có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Như vậy thì diện mạo Nhà hát Lớn sẽ được thay đổi và nâng tầm lên, các chương trình vào Nhà hát Lớn cũng sẽ được chọn lọc hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, từ tháng 9 tới hết năm 2016 sẽ có gần 20 buổi diễn của các Nhà hát nghệ thuật của Bộ sẽ luân phiên biểu diễn tại sân khấu Nhà hát và kế hoạch cho cả năm 2017 là gần 100 buổi diễn vào các ngày cuối tuần .  

+  Trước mắt, Nhà hát Lớn sẽ bắt tay vào thực hiện những việc gì để chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn, thưa bà?

- Kế hoạch Bộ VHTTDL đã giao cho Cục nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát Lớn phối hợp các Nhà hát xây dựng những chương trình hay nhất để đưa vào công diễn từ nay đến cuối năm. Khởi đầu cho kế hoạch này là ba chương trình chào mừng mở màn cho chuỗi hoạt động và  kỷ niệm Quốc khánh 2/9 do nghệ sỹ của ba nhà hát là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Ngày 30/8), Nhà hát Kịch Việt Nam (Ngày 31/8) và Nhà hát Chèo Việt Nam (Ngày 1/9) biểu diễn. Chuẩn bị cho 3 buổi diễn, lãnh đạo Bộ đã giao cho Văn phòng Bộ, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và Nhà hát Lớn lên kế hoạch chuẩn bị triển khai cho các chương trình này diễn ra thành công tốt đẹp. Nhà hát Lớn đã chủ động phối hợp các đơn vị nghệ thuật để xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, quảng bá các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đến với công chúng.

+ Chủ trương của Bộ VHTTDL vừa qua đã nhận được sự ủng hộ từ truyền thông, dư luận. Theo bà đây là thuận lợi hay là áp lực để những người thực hiện phải làm thật tốt?

- Đúng là chủ trương vừa qua nhận được sự ủng hộ của công luận và truyền thông rất lớn. Báo chí, truyền thông, đã góp phần giúp chúng tôi quảng bá rất nhiều. Đây còn là không gian hội nhập văn hóa trong nước cũng như quốc tế. Việc nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống, tôi biết là cũng khó khăn nhưng chúng ta hãy cứ bắt tay vào làm. Đây cũng sẽ là động lực để Ban Giám đốc cũng như toàn bộ cán bộ nhân viên Nhà hát phải nỗ lực và cố gắng hơn.



Một chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn (Ảnh: Nam Nguyễn)

+ Trong đề án này, vai trò của Nhà hát Lớn là quảng bá. Có khó khăn gì khi Nhà hát Lớn từ chỗ chỉ cho thuê địa điểm giờ lại phải làm truyền thông, thưa bà?

Chúng tôi đã xây dựng đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Lớn giai đoạn 2016-2020 trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Chúng tôi đã đưa ra giải pháp về tổ chức, giải pháp về truyền thông, quảng bá. Chúng tôi sẽ mời công ty truyền thông chuyên nghiệp vào hợp tác, mời các phóng viên, báo đài đến ghi hình để tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các chương trình. Tôi cũng xác định, để đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả và hình thành thói quen, sở thích xem nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát Lớn phải mất một thời gian. Vì từ lâu, nghệ thuật truyền thống của chúng ta bị thiếu vắng khán giả.

+ Khi vận hành thực hiện đề án này, điều gì khiến bà băn khoăn nhất?

- Cũng như nỗi lo của các lãnh đạo nhà hát khác là nỗi lo về bán vé. Trước đây, cũng có những chương trình mời mà không kín được tầng 1. Cả nhà hát gần  600 chỗ. Mời không được thì ai mua?! Nhưng trước mắt, cần lấy nguồn tài trợ để bù chi phí, dần dần lấy lòng khán giả, chọn lọc khán giả và đối tượng khách mời. Chúng tôi sẽ tính đến việc lập một quỹ để chi phí cho các chương trình và các nhà tài trợ sẽ đồng hành cùng các chương trình nghệ thuật diễn ra ở Nhà hát. Hy vọng sẽ thành công.

+ Theo bà, đây có phải là một cơ hội nâng tầm của Nhà hát Lớn? Nhà hát sẽ làm gì để kết hợp tăng nguồn thu từ hoạt động này?


- Đúng vậy! Được  sự chỉ đạo và quan tâm của Lãnh đạo Bộ, đây là cơ hội tốt để nâng tầm Nhà hát Lớn lên. Những chương trình nghệ thuật đặc sắc mới được công diễn tại Nhà hát Lớn, lựa chọn chương trình, lựa chọn  khán giả khi đến với không gian Nhà hát, là nơi được mệnh danh  là "thánh đường Nghệ thuật".

 Cuối năm 2015, công tác duy tu, bảo trì bảo dưỡng, sơn lại toàn bộ trong và ngoài nhà hát đã có một diện mạo khang trang hơn, sạch đẹp hơn để có thể trở thành một điểm tham quan của du khách Quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là sẽ có tour du lịch đưa các đoàn tham quan vào Nhà hát Lớn, và Nhà hát cũng sẽ xây dựng các chương trình giới thiệu văn hóa, nghệ thuật truyền thống của mình tới bạn bè quốc tế. Mong muốn này của chúng tôi đã xây dựng thành đề án trình lên lãnh đạo Bộ để chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp đồng hành cùng các đơn vị nghệ thuật, tạo điều kiện cho việc quảng bá văn hóa nghệ thuật và du lịch Việt Nam tới các bạn bè quốc tế. Nếu được phê duyệt, chúng tôi sẽ kết hợp mở tour tham quan Nhà hát Lớn trong năm 2017.

+ Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

 Hoàng Nguyên (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×