Đưa di sản lễ hội trở thành 'đặc sản' của TP Hồ Chí Minh
23/11/2022 | 08:38TP Hồ Chí Minh có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là Lễ hội nghinh Ông ở huyện Cần Giờ (được công nhận năm 2013), Lễ hội Nguyên tiêu ở Quận 5 (được công nhận cuối năm 2019) và Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) vừa được công nhận vào cuối tháng 8/2022. Sau khi được công nhận, việc bảo tồn, tiếp tục phát huy giá trị từ các lễ hội này luôn là điều được TP Hồ Chí Minh và các địa phương quan tâm.
Đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan An, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, các lễ hội không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, mà còn có khả năng đóng góp vào kinh tế. Theo đó, điểm thuận lợi là 3 lễ hội này có những màu sắc riêng để thu hút du khách. Cụ thể, Lễ hội Khai hạ - Cầu an mang tính chất tưởng nhớ anh hùng lịch sử, kết hợp những yếu tố tín ngưỡng dân gian với các nghi thức của triều chính, của tôn giáo. Những tục lệ như hạ nêu, khai bút, khai ấn đầu xuân mang tính nhân văn, kết nối. Đặc biệt, hình ảnh cây nêu ngày Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh gần như chỉ còn được nhìn thấy tại nơi đây.
Bên cạnh đó, Lễ hội nghinh Ông Cần Giờ cho thấy, nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người dân miền biển, gắn liền với truyền thuyết, tục thờ cá Ông - được cho là vị thần che chở, mang lại nhiều điều may mắn. Tại đây, có nhiều nghi thức, sinh hoạt đặc trưng như lễ thượng kỳ, lễ cúng bạn cũ lái xưa, lễ nghinh Ông… đi kèm nhiều trò chơi dân gian.
Còn Lễ hội Nguyên tiêu có lịch sử hơn 2.000 năm, gắn liền với cộng đồng người Hoa. Trong lễ hội có nhiều hoạt động thú vị như múa lân sư rồng, diễu hành trên đường phố… Đồng thời, người dân cũng có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh để cầu một năm mới bình an, thuận lợi, phát tài.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan An cho rằng, lượng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, giao thông thuận lợi… cũng là những ưu điểm góp phần thúc đẩy sự phát triển này. Tuy nhiên, đường dài vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận, xử lý thấu đáo.
Đồng quan điểm, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc khai thác lễ hội còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đúng mức. Đối với 3 di sản lễ hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần có tầm nhìn, xây dựng kế hoạch lâu dài.
Theo bà Lê Tú Cẩm, 3 lễ hội này được tổ chức ở những thời điểm riêng biệt, vào tháng Giêng và tháng 8 nên khó có sự kết nối để tạo thành một chuỗi sự kiện liên tiếp. Lễ hội được chia thành hai không gian: Lễ và hội. Trong đó, phần lễ đã được thực hiện tương đối tốt, quan tâm đầu tư hơn qua từng năm. Còn phần hội - nơi tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn người dân vẫn chưa được phát triển đúng tầm.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức các lễ hội đã tổ chức các chuỗi hoạt động phong phú. Cùng các nghi thức, nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, tại Lễ hội nghinh Ông Cần Giờ còn có nhiều hoạt động như giải Marathon Cần Giờ xanh, giải điền kinh bãi biển thanh thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (mở rộng), giải bi sắt Cần Giờ năm 2022 (mở rộng)… Hay tại Lễ hội Nguyên tiêu cũng có tuần lễ ẩm thực Việt - Hoa để thu hút người dân. Nhìn chung, các hoạt động được mở ra theo chiều rộng, nhưng còn thiếu chiều sâu.
Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, với bề dày hơn 300 năm lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh cần thu hút người dân tìm hiểu các sản phẩm về văn hóa thông qua các lễ hội. Chẳng hạn, Lễ hội nghinh Ông có ở nhiều tỉnh, thành, nhưng vì sao phải chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm điểm đến thì buộc phải làm nổi bật được sự đặc biệt, thú vị. Qua Lễ hội Nguyên tiêu, ngoài những màn trình diễn, du khách sẽ thấy được gì từ sự đa dạng, hấp dẫn trong văn hóa sinh hoạt của người Hoa, là điều chưa được tô đậm. Không gian văn hóa được tạo ra còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được đúng tiêu chuẩn cần thiết.
Bảo tồn, phát triển lễ hội gắn với du lịch
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn, việc phát huy giá trị của các lễ hội đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh rất quan trọng và cần nhiều giải pháp.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, muốn phát triển, trước tiên phải quay về mục tiêu ban đầu, từ đó mới hoạch định được đường đi đúng và cụ thể. Do đó, Thành phố cần đánh giá lại tính chất, quy mô, không gian của từng lễ hội, mới có thể tính được tầm phát triển đến đâu. Lễ hội, không gian văn hóa cần kết hợp được với du lịch, nghỉ ngơi mới có thể giữ chân du khách, người dân.
Từ việc quan sát sự phát triển của các lễ hội lớn ở nhiều quốc gia, ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự tham gia thực hành của cộng đồng cư dân bản địa.
“Chẳng hạn, cùng một món ăn, cửa hàng nào có nhiều người ghé, có nhiều xe đậu sẽ luôn được mặc định là sản phẩm ở đó ngon và hấp dẫn hơn. Trong du lịch, tâm lý đám đông cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn. Sự tham gia của đông đảo người dân cũng tạo nên sức hấp dẫn, sự lan tỏa cho lễ hội”, ông Mẫn phân tích.
Tuy nhiên, điều này còn bị hạn chế trong các lễ hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ có Lễ hội nghinh Ông Cần Giờ là có được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, tạo nên sức lan tỏa đủ mạnh. Năm 2022, Lễ hội nghinh Ông Cần Giờ có 110.000 lượt ngư dân và du khách tham gia, tăng 11.000 lượt khách so với năm 2020 (tăng 23,59%).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - muốn phát huy giá trị của lễ hội, thành phố cần nắm rõ quy luật của kinh tế thị trường. Trong đó, cần có sự chung tay tham gia phát triển của các đơn vị chuyên về kinh doanh du lịch.
Để di sản có đời sống tốt trong xã hội, phải vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị kinh tế, tạo sinh kế, lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng cũng không vì yếu tố kinh tế mà quên đi giá trị cốt lõi của một lễ hội là phải định hướng, giáo dục con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi cân bằng được hai yếu tố này, thì không gọi là thương mại hóa lễ hội, mà biến lễ hội thành sản phẩm văn hóa có giá trị đặc biệt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài cho rằng, dựa vào nguồn lực người dân là điều hết sức quan trọng. Bởi lẽ, người dân luôn có hiểu biết rõ nhất về sự quan trọng, tầm ảnh hưởng của lễ hội, những giá trị được truyền dạy từ cha ông… Từ đó, quy hoạch, phát triển cho phù hợp với tinh thần của lễ hội, gắn với cuộc sống của họ; đồng thời lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, văn hóa, các nhà nghiên cứu.
Ngoài ra, để các lễ hội phát triển, lan tỏa, còn phụ thuộc vào việc quy hoạch môi trường văn hóa; liên kết với nhiều bộ phận khác, chẳng hạn thông tin truyền thông; định hướng phát triển trong các sản phẩm… Trong đó, việc quảng bá có đầu tư được xem là chiến lược quan trọng. Vì vậy, việc này cần được phát triển, thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Theo TTXVN