Đưa 1.001 thư viện đến bản xa
07/06/2018 | 11:42Thích làm việc thiện nguyện và đam mê đọc sách, một nhóm bạn trẻ tại TP. HCM đã bắt tay vào việc hiện thực hóa dự án 1.001 thư viện cho trẻ em ở bản xa
Đến nay, hơn 200 thư viện miễn phí đã thành hình cùng với nhiều hoạt động bổ trợ khác giúp hàng ngàn trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh thành trên cả nước được tiếp cận với đa dạng đầu sách phù hợp.
Những em bé vùng cao thích thú tham gia một lễ hội sách do nhóm Chủ Nhật yêu thương tổ chức.
Được thành lập từ năm 2007 với tên gọi Chủ Nhật yêu thương, nhiều năm nay, nhóm bạn trẻ yêu thích công việc thiện nguyện này đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn và trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn TP. HCM. Không dư dả về vật chất nhưng đến ngày cuối tuần họ lại cùng góp tiền đi mua tập vở, thức ăn về chế biến rồi mang đến tặng cho người vô gia cư, trẻ lang thang hoặc các cụ già neo đơn.
Đi nhiều, tiếp xúc với trẻ em ở nhiều nơi, đặc biệt là những em sống ở khu vực bản xa, núi sâu, Nguyễn Tú Anh - người sáng lập và điều hành nhóm Chủ Nhật yêu thương - luôn nhắc bản thân phải làm điều gì đó để giúp đời.
Đầu năm 2014, dự án “1.001 thư viện nơi bản xa” bắt đầu khởi động bằng việc xây dựng thư viện sách đầu tiên cho học trò nghèo tại tỉnh Bình Phước. Đến nay, hơn 200 thư viện đã được nhóm đặt tại các bản xa, khu vực giáp biên giới hoặc những địa phương hết sức khó khăn trên khắp cả nước với mong muốn giúp trẻ em nơi đây không xa lìa con chữ.
Mỗi thư viện dao động từ 300 đến hơn 1.000 quyển sách tùy quy mô. Tạo thư viện xong, Tú Anh còn thường xuyên cùng các bạn đến bản xa tổ chức lễ hội sách, các hoạt động gắn kết, vui chơi và thiện nguyện.
Anh Nguyễn Tú Anh cho biết, từ ngày xây dựng thư viện đầu tiên đến nay, mọi việc vẫn được nhóm thường xuyên chăm chút: “Không chỉ gửi sách một lần để lập thư viện mà chúng mình sẽ bổ sung sách thường xuyên. Mỗi năm chúng mình có 1-2 chuyến gửi sách bổ sung cho các thư viện để bù vào nguồn sách mất mát và có thêm những đầu sách mới. Trong cùng một huyện, xã, khu vựa hay trong cùng một trường học chúng mình sẽ liên kết các cụm thư viện trao đổi sách cho nhau để tạo nguồn sách mới, giúp các bé ham học hơn, giúp thư viện hoạt động hiệu quả hơn”.
Anh Nguyễn Tú Anh và những trẻ em vùng cao.
Điều mà Nguyễn Tú Anh cùng các thành viên quen thuộc của Chủ Nhật yêu thương cảm thấy ấm lòng là bất kỳ hoạt động thiện nguyện nào ngay khi nhóm giới thiệu đến cộng đồng đều được hưởng ứng nhiệt tình.
Từ lạ đến quen, các bạn cùng góp tiền, chung sức đi mua sách, xin sách, đóng gói rồi tổ chức các chuyến lên thăm trẻ em vùng cao.
Những cuối tuần thảnh thơi cà phê, dạo phố của các thành viên trong nhóm từ 2 năm nay thành các đợt khẩn trương gom và phân loại sách hoặc vận động sự ủng hộ từ nhiều nguồn để sớm lập xong thư viện cho nhiều vùng đất mới. Mọi mệt nhọc tan biến khi họ nhìn thấy những người bạn tí hon của mình háo hức lật từng trang sách, hít hà mùi giấy mới trong sự ngạc nhiên, thích thú. Niềm vui của những em nhỏ nơi bản xa khi lần đầu thấy quyển sách đẹp hay khi được các anh chị tặng cho góc học tập xinh xắn khó có thể diễn tả bằng lời.
Nguyễn Thị Hoa Tranh, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Đối ngoại TPHCM, một thành viên của nhóm chia sẻ: “Cái hay nhất của dự án này theo tôi chính là ý nghĩa về chặng đường lâu dài mà nhóm mang lại cho các em nhỏ. Mục đích mà nhóm hướng đến không phải là góp gạo, chia sẻ thức ăn, quần áo để lo cho nhu cầu trước mắt của các bạn nhỏ. Chúng tôi hướng các em đến tư tưởng lâu dài là sau này tụi có thể trở thành người tài giỏi hơn để đem lại sự giàu có cho gia đình và cho mảnh đất mà tụi em đang sinh sống.”.
Mang văn hóa đọc và cả tình thương yêu đong đầy trong từng trang sách, điều mà các bạn trẻ trong nhóm nhận được chính là tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ mái đầu khét nắng khi hè sang, lạnh sương khi đông về. Thấm thía sự thiệt thòi của trẻ em vùng cao, từ đây đến năm 2020, nhóm đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 1.001 thư viện với mong muốn trẻ em ở bất cứ nơi đâu cũng có đủ sách để đọc mỗi ngày. Theo kế hoạch này, số sách nhóm phải kiếm được là rất lớn, các chuyến đi sẽ dày dặn hơn, phần việc mỗi thành viên phải làm sẽ tăng đáng kể nhưng ai cũng thoải mái cống hiến vì họ biết mình đang làm có ích cho đời.
Phạm Thị Như Thùy, một thành viên khác của nhóm vui vẻ nói: “Vốn dĩ mình cũng đến từ một vùng quê nên cảm thấy bản thân và những người bạn ngày trước rất thiếu thốn về việc đọc sách. Cho nên khi đến với trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh như vậy mình thấy chương trình này rất ý nghĩa. Việc này mang lại ánh sáng mới, ánh sáng văn hóa cho nhiều em đồng bào dân tộc thiểu số”.
Sách của nhóm Chủ Nhật yêu thương không chỉ xuất hiện trong trường học, nhà văn hóa thôn xã, các tụ điểm văn hóa, thư viện gia đình mà còn có cả ở nhà chùa, nhà thờ và sắp tới là nhà tù. Các thành viên trong nhóm cho biết họ sẽ nỗ lực kết nối cộng đồng nhằm tạo ra mạng lưới thư viện cho người nghèo ở khắp Việt Nam chứ không chỉ dừng ở con số cổ tích 1.001. Khi từ bản xa đến núi sâu được phủ đầy bởi những thư viện sách thì việc tiếp cận với con chữ, với văn hóa đọc của trẻ em và cả người lớn nơi đây sẽ không còn là chuyện quá xa vời như hiện tại./.
Theo VOV