Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 4 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra

27/10/2022 | 07:49

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều nay (26/10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 4 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra. 

"Dự thảo Luật đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả", tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới" - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 3 điều, bổ sung 3 điều. Dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới.

Điểm mới thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự (Điều 3); bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (khoản 3 Điều 22).

Điểm mới thứ hai là thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 7, 13, 14 và Điều 15); rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng (Điều 16).

Cùng với đó là sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự (Điều 17, 18); bổ sung "Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình" là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 19, 20); bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình (Điều 21).  

Bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án

Điểm mới thứ ba đó là sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 4 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra"

"Dự thảo Luật trình lần này bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24); bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, đơn giản hóa thủ tục (Điều 25, 26)" - bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Cùng với đó là bổ sung quy định về giám sát thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 27); bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (Điều 31); bỏ điều kiện "đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải", điều chỉnh độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình và quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (Điều 32); Bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" (Điều 33); bổ sung quy định để bảo vệ thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình, quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị thiệt hại (Điều 34).

Điểm mới thứ 4, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Dự thảo Luật quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 35), cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40); bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 42), cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 43), phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 44), bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45).

Điểm mới thứ năm là sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 1 Điều 47); bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thống kê và quản lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 5 Điều 48); bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hướng dẫn cơ sở giáo dục phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình… (Điều 49);

Dự thảo Luật trình lần này cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương (Điều 50); bổ sung trách nhiệm của Công an cấp xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (các Điều 20, 24, 27, 29 và 32)./.

 

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×