Du lịch Việt Nam - Nhật Bản: Phát triển các điểm đến vệ tinh hướng tới du lịch bền vững
23/10/2023 | 20:17Sáng ngày 23/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển du lịch Việt Nam và Nhật Bản do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và Du lịch Nhật Bản Shukuri Masafumi tham dự buổi hội thảo.
Với chủ đề "Quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh - Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới du lịch bền vững", hội thảo là một trong những sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của ngành du lịch hai quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, kể từ khi chính thức thiết lập ngoại giao (1973 – 2023), Việt Nam và Nhật Bản đã chung tay vun đắp nên mối quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả, dựa trên nền tảng là sự tương đồng về văn hoá, sự gắn kết lịch sử bền chặt và sự tin cậy chính trị cao. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Gần đây nhất, hòa chung trong dòng sự kiện này, tại Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều hoạt động về văn hoá, du lịch được tổ chức như Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023, Không gian văn hóa ẩm thực, Lễ hội Phở Việt Nam… được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng. Điều đó cho thấy, hợp tác phát triển du lịch và văn hóa giữa hai nước ngày càng bền chặt, gắn kết và mang lại nhiều kết quả.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, năm 2023 đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tính đến 9 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt, trong đó thị trường khách Nhật Bản đã đạt 414.444 lượt khách, đứng thứ 5 trong top các thị trường quốc tế đến Việt Nam. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Watanabe Shige- Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch với Việt Nam và sắp tới đây, từ ngày 1/11/2023 Nhật Bản sẽ cấp visa điện tử cho doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tổ chức các tour trọn gói đến Nhật Bản. Chính sách mới sẽ giúp việc xin visa khách đoàn dễ dàng hơn và chắc chắn sẽ thu hút lượng khách nhiều hơn, đặc biệt vào dịp cuối năm. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho việc hợp tác thu hút du khách hai chiều của các hãng lữ hành Việt Nam và Nhật Bản. Và trong 9 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đón khoảng 410.000 khách Việt Nam, đây là tín hiệu vui cho du lịch Nhật Bản khi luôn đánh giá Việt Nam là thi trường gửi khách tiềm năng.
Hiện nay, du lịch quá tải đã là một thách thức đối với ngành du lịch Nhật Bản và hiện cũng là một vấn đề bất cập của du lịch Việt Nam, tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến và chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Hội thảo đã diễn ra với 2 bài tham luận và các bài trình bày ngắn của các diễn giả trong phiên trao đổi thực tiễn phát triển của những điểm đến thu hút khách du lịch cả quốc tế và nội địa của 2 nước, trao đổi của chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành về vấn đề quản lý sức chứa, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch bền vững.
Tầm quan trọng của các điểm đến vệ tinh hướng tới du lịch bền vững
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch đã chỉ ra rõ tầm quan trọng của phát triển điểm đến vệ tinh để giảm tải cho khu vực trung tâm. Để hướng tới du lịch bền vững, giải quyết tình trạng quá tải, việc phát triển điểm đến vệ tinh là cần thiết và chắc chắn đi cùng đó là công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện. Ông cũng chỉ ra rõ các giải pháp cho mục tiêu này, bao gồm xác định điểm đến vệ tinh, phát triển điểm đến vệ tinh, mở rộng mạng lưới vệ tinh… Bên cạnh đó ông đưa ra các kiến nghị như tạo cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi cho các địa phương có tiềm năng trở thành điểm đến vệ tinh; xây dựng bộ tiêu chí cho điểm đến vệ tinh và hướng dẫn các địa phương xây dựng điểm đến du lịch vệ tinh bền vững; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng thu hút sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch tại các điểm đến vệ tinh; chú trọng đến hạ tầng quản lý chất thải, cung cấp năng lượng, nước và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng…Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra cho các trung tâm lớn như TP. HCM và Hà Nội, mà kể cả Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng cần nhanh chóng chuẩn bị các giải pháp để tránh tình trạng quá tải lượng khách du lịch.
Về vấn đề này, ông Gamo Atsumi- Giám đốc Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản nhận định rằng, Nhật Bản đã đề ra chính sách du lịch mới giai đoạn 2023-2025 là du lịch bền vững, mở rộng lượng tiêu dùng và thu hút khách du lịch vùng, trong đó đề cao chiến lược marketing gồm 3 phần: thị trường riêng, xuyên thị trường và MICE. Với du lịch bền vững, ông Gamo Atsumi cho rằng 3 trụ cột của du lịch bền vững là gìn giữ nuôi dưỡng môi trường bản địa, văn hóa bản địa và kinh tế bản địa. Hiện nay, Nhật Bản đang hướng du khách tới các điểm đến là các ngôi làng cổ, những nơi có hệ sinh thái xanh bền vững…nhằm giảm tải những áp lực cho các địa điểm trung tâm, tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Một số ví dụ thành công về du lịch bền vững được phân tích tại hội thảo là trường hợp thị trấn Niseko, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản). Ông Katayama Kenya- Thị trưởng Thị trấn Niseko khẳng định rằng nếu muốn phát triển du lịch bền vững thì người dân địa phương phải gắn bó và yêu nơi họ sinh sống, từ đó mới có động lực để thu hút khách du lịch. Cần có rất nhiều quy định để đảm bảo du lịch không tạo ra gánh nặng cho môi trường, cảnh quan, chẳng hạn như hạn chế chiều cao các khách sạn, tòa nhà ở mức dưới 30 mét...
Còn tại Việt Nam, thị xã Sapa tỉnh Lào Cai cũng là một điểm đến định hướng phát triển bền vững thời gian qua. Chia sẻ những giải pháp, bà Hoàng Thị Vượng- Trưởng phòng VHTT thị xã Sapa cho rằng các điểm đến cần làm tốt công tác quy hoạch, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ và tập trung xây dựng các sản phẩm riêng có dựa trên thế mạnh tiềm năng sẵn có.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, các đại biểu tham dự đến từ Nhật Bản và Việt Nam đã tâm huyết, trách nhiệm khi chia sẻ nhiều thông tin quý báu và có nhiều giải pháp đóng góp cho sự thành công của hội thảo. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Cơ quan Du lịch hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản có những hành động tiếp theo giải quyết vấn đề đặt ra, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, tình trạng quá tải khách tại các trung tâm du lịch hiện nay phần lớn xảy ra bởi tính mùa vụ của điểm đến. Việc quá tải khách du lịch mang lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, xã hội cho các địa phương và điểm đến, đặc biệt ảnh hưởng đến trải nghiệm và tâm lý của khách du lịch, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu du lịch của quốc gia. Để quản lý sức chứa về tâm lý và vật lý khi quá tải khách, các địa phương, điểm đến cần lên kế hoạch có các biện pháp phòng ngừa và biện pháp giải quyết. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch quản lý môi trường du lịch, các hình thức quản lý sức chứa thông qua giá vé, điều phối luồng khách; quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch cần thông qua thảo luận, xin ý kiến người dân để nhận được sự đồng thuận và hợp tác. Cần nỗ lực trong công tác nâng cao nhận thức của khách du lịch và người dân địa phương.
Còn về phát triển các điểm đến vệ tinh hướng tới du lịch bền vững, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh, để phát triển điểm đến vệ tinh, cần xác định "giá trị cốt lõi" của điểm đến. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch mà người dân địa phương tự hào, khả năng kết nối giao thông và hình thành tuyến điểm du lịch với chuỗi sản phẩm du lịch. Tập trung khai thác các thị trường ngách để phát triển thị trường tại các điểm đến vệ tinh, tạo dấu ấn khác biệt. Và các địa phương, đặc biệt là tại các khu vực vệ tinh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch bản địa.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ du lịch Việt Nam xây dựng các dự án hợp tác, phát triển các điểm đến vệ tinh, các dự án du lịch cộng đồng, du lịch bảo tồn giá trị di sản văn hóa, tự nhiên. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tích cực triển khai các hoạt động hợp tác với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản, duy trì tổ chức sự kiện hội thảo như hoạt động thường niên để tạo diễn đàn trao đổi hợp tác phát triển giữa ngành du lịch 2 quốc gia.
Cuối hội thảo cũng đã diễn ra Lễ kí Bản ghi nhớ giữa Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam và Viện Nghiên cứu giao thông và Du lịch Nhật Bản.