Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Trung Quốc thiệt hại nghiêm trọng

07/04/2022 | 08:47

Ngành du lịch Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do người dân bị hạn chế di chuyển, không thể đi du lịch vào dịp Tết Thanh Minh. Nguyên nhân là bởi nhiều thành phố của Trung Quốc đang hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Du lịch Trung Quốc thiệt hại nghiêm trọng - Ảnh 1.

Nhiều địa điểm du lịch của Trung Quốc không còn nhộn nhịp như trước. (Ảnh: AP)

Tại Thâm Quyến, Zhang Wen, nhà thiết kế nội thất 36 tuổi dự định sẽ đi du lịch thư giãn sau một tuần phong tỏa bức bối bằng cách đi cắm trại. Anh đặt điểm cắm trại trên một ngọn núi ở Quảng Châu, cách Thâm Quyến khoảng 130 km với hy vọng dành thời gian vui vẻ bên vợ và con gái 6 tuổi nhân dịp Tết Thanh Minh

"Tôi muốn nghỉ ngơi sau thời gian cách ly buồn tẻ. Tôi rất muốn đi chơi thật xa để ngắm cảnh mùa xuân. Vé máy bay quá rẻ. Nhưng tôi không dám vì nhiều nơi chưa kiểm soát được dịch. Tôi phải chọn chỗ gần, an toàn hơn để đi", anh Zhang nói.

Bên cạnh đó, anh cũng cho biết: "Tôi thường chia sẻ ảnh đi chơi với bạn bè trên WeChat nhưng lần này thì không thể. Đang có nhiều người phải sống trong lệnh phong tỏa nên giờ không phải thời điểm thích hợp để thể hiện tôi đang tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời. Tôi rất đồng cảm với những người đang phải sống trong cảnh khó khăn".

Trường hợp của Zhang Wen nằm trong số ít những người Trung Quốc không thể đi du lịch xa hoặc không thể đi do tình hình dịch bệnh tại đây diễn biến căng thẳng. Không có doanh thu, ngành du lịch Trung Quốc điêu đứng. Thiệt hại càng nặng nề hơn khi đây đang là dịp Tết Thanh Minh của người Trung Quốc. Trước khi đại dịch xuất hiện, vào dịp này, nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc tăng cao giúp ngành du lịch được hưởng lợi từ dịch vụ vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, mọi thứ hiện đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Trong những tháng đầu năm 2022, khoảng 11.000 công ty du lịch Trung Quốc đã phải đóng cửa. Không chỉ công ty du lịch, ngành hàng không nước này cũng đang lao đao trước đại dịch. Để kích cầu, các hãng đều đang giảm giá vé rất sâu. Nhất là với những chuyến bay đi đến Quảng Châu, Bắc Kinh, nhiều chuyến giá vé giảm tới 90% nhưng vẫn rất ít người đặt. Theo báo cáo thường niên mới đây, các hãng hàng không lớn của nước này như Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đều báo cáo khoản lỗ hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD).

Du lịch Trung Quốc thiệt hại nghiêm trọng - Ảnh 2.

Đường phố Trung Quốc vắng lặng do thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: EPA-EFE)

Chen Xianhong, Chủ tịch công ty lữ hành Wuzhen Tourism ở tỉnh Chiết Giang cho biết: "Du lịch là ngành được hỗ trợ bởi dịch vụ vận chuyển và chi tiêu xuyên khu vực. Nếu người dân không có nhu cầu di chuyển thì sẽ không có thị trường. Do dịch Covid-19, người dân đang rất hạn chế chi tiền cho các chuyến đi đường dài, vào khách sạn, bữa ăn, mua quà lưu niệm… Các chuyến du lịch ngắn ngày cũng giảm đi đáng kể".

Hiện tại, rất nhiều thành phố du lịch của Trung Quốc đang ở trong đợt phong tỏa gắt gao nhất từ trước đến nay. Thượng Hải là một trong những nơi đang phải chịu cảnh này. Giới chức yêu cầu người dân ở yên trong nhà và đình chỉ mọi hoạt động giao thông công cộng. Thành phố cũng không cho du khách đến thăm. Kế hoạch đi du lịch của người dân vì thế bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chính quyền trung ương và địa phương cũng đang khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến các khu vực rủi ro.

Trước thời điểm dịch đợt bùng phát mạnh như hiện nay, do giữ được số ca mắc ở mức thấp, du lịch Trung Quốc bắt đầu khởi sắc lại khi tổng chi tiêu cho du lịch đã tăng 31% vào năm ngoái so với mức năm 2020, lên 2,92 nghìn tỷ nhân dân tệ (460 tỷ USD). Mặc dù con số này chỉ bằng một nửa mức chi tiêu được thấy vào năm 2019 nhưng vẫn được đánh giá là tốt trong bối cảnh đại dịch.

Năm 2019, du lịch và các ngành liên quan chiếm 11,05% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Du lịch cũng đang đóng vai trò chính trong lĩnh vực dịch vụ, đóng góp 79,87 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tương đương 10,31% tổng số việc làm của Trung Quốc. Nhưng với tình hình hiện tại, ngành du lịch Trung Quốc đang hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Giới chức chắc chắn sẽ rất đau đầu để giải quyết bài toán phục hồi du lịch.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×