Du lịch Thanh Hóa trên “đường băng” phát triển: Tầm nhìn mới - quyết tâm cao!
24/05/2021 | 08:31Du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thời cơ mới cùng thách thức đan xen, đòi hỏi sự định hướng, tầm nhìn rộng và quyết tâm cao. Có như vậy mới hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nắm bắt thời cơ
Nếu như một, hai thập kỷ trước, du lịch thường vận động theo một vài “dòng” chủ lưu và nhu cầu của du khách cũng dễ dàng nắm bắt để “nắn dòng” cho phù hợp, thì hiện nay mọi chuyện đã khác. Ngành du lịch đang chứng kiến một cuộc dịch chuyển chưa từng có về mặt xu hướng, với các “dòng” nổi trội là tour tự thiết kế, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm và giải trí gắn với sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị công nghệ hiện đại... Đồng thời, khách du lịch cũng ngày càng khó tính hơn và đòi hỏi cao hơn về mặt chất lượng trải nghiệm, thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến, thì gần đây du lịch nghỉ dưỡng núi - sinh thái nguyên sơ và trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc, đang trở thành xu thế mới. Đặc biệt, đi du lịch là để tham quan, ngắm nghía bằng mắt thường đã dần trở nên “lạc hậu” với đối tượng khách du lịch thế hệ mới, khách du lịch trẻ vốn yêu thích công nghệ cao. Do đó, du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử... gắn với các khu vui chơi lớn, các tổ hợp giải trí hiện đại hay các công viên giải trí tích hợp nhiều loại hình trải nghiệm mới đang trở thành đòi hỏi tất yếu của du khách.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, xu hướng tiêu dùng du lịch cũng đang có sự đổi mới rất mạnh mẽ, từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ; sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh để đặt vé máy bay, khách sạn... Tỷ trọng chi tiêu cũng chuyển dịch từ các dịch vụ cơ bản như ăn uống, lưu trú, vận chuyển... sang các dịch vụ mua sắm, giải trí, trải nghiệm sản phẩm dịch vụ mới. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không giá rẻ cũng góp phần thúc đẩy du lịch bằng đường hàng không. Ngoài ra, sự “lên ngôi” của công nghệ thông tin và mạng xã hội đang mang lại cho du lịch nhiều cơ hội phát triển; song cũng đặt nhiều thách thức, đòi hỏi du lịch phải liên tục “làm mới” để bắt kịp xu thế chung.
Du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thời cơ chưa từng có, mà nếu nắm bắt và chuyển hóa thành công, sẽ tạo ra đường băng rộng mở cho du lịch cất cánh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục lựa chọn chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm, đặc biệt Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch. Theo ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với việc xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đây là lần đầu tiên quan điểm về phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ trong văn kiện của Đảng. Theo đó, việc đặt du lịch ở vị trí trung tâm sẽ là kim chỉ nam để đề ra các quyết sách, định hướng, mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành xây dựng chính sách cụ thể, đột phá, giải quyết các khó khăn và vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng.
Để không trở nên lạc hậu hay bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển; thậm chí phải đón đầu xu hướng và nắm bắt thời cơ mới, để có được chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp, đó là yêu cầu đặt ra đối với du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay.
Nhận diện thách thức
Một trong nhiều rào cản đã và đang khiến cho du lịch Thanh Hóa chưa thể bứt tốc tăng trưởng, đó là một xuất phát điểm thấp – cả trong tư duy lẫn hành động. Về bản chất, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh - quốc phòng. Thế nhưng, nhận thức về vai trò, vị thế của du lịch như là một động lực tăng trưởng quan trọng, thiết nghĩ, có lúc có nơi còn “chưa tới”. Thanh Hóa mặc dù được đánh giá cao về trữ lượng dồi dào tài nguyên du lịch, song tài nguyên phân tán, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối các điểm đến còn hạn chế do nhu cầu vốn rất lớn. Do vậy mà phần được khai phá mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”...
Đại dịch COVID-19 được ví như một “cú sốc” lớn đối với ngành du lịch trong hơn 1 năm trở lại đây. Kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2024 của Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra dự báo, du lịch có thể từng bước phục hồi vào nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại được xem là rào cản lớn nhất đối với đà phục hồi du lịch quốc tế. Do vậy, trong bối cảnh “sống chung” với đại dịch như hiện nay, thì du lịch nội địa đang giữ vai trò quan trọng, đó là duy trì sự ổn định cho toàn ngành du lịch Việt Nam. Theo đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, hướng đến phát triển mạnh thị trường khách nội địa và đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa... nhằm nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách nội địa. Việc mở rộng quy mô và thị trường du lịch Việt Nam, đang tạo ra cơ hội phát triển du lịch cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, cũng là thách thức cho việc định vị thương hiệu du lịch địa phương trên bản đồ du lịch quốc gia; kéo theo đó là thách thức trong xác lập mô hình, cơ cấu phát triển du lịch địa phương. Đối với Thanh Hóa, mặc dù cơ cấu sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, song đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều tỉnh, thành có cùng tiềm năng, lợi thế. Ví như, với dòng sản phẩm chủ lực nghỉ dưỡng biển – đảo, Thanh Hóa khó có thể so sánh được với những địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng... vốn đã khẳng định được giá trị và thương hiệu điểm đến.
Thách thức chủ quan đến từ nội tại ngành du lịch và khách quan đến từ dịch bệnh, thiên tai, áp lực cạnh tranh giữa các địa phương trong nước khi du lịch nội địa trở thành “cứu cánh” của toàn ngành. Đó cũng là những yếu tố nguy cơ mà ngành du lịch Thanh Hóa cần nhận diện, để có giải pháp khắc phục đúng và trúng. Tại Hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới”, diễn ra ngay những ngày đầu năm 2021, với tinh thần cầu thị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, đã bày tỏ mong muốn tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam các vấn đề có liên quan. Đó là dư địa nào để phát triển du lịch Thanh Hóa trong tương lai? Thanh Hóa cần làm gì và làm như thế nào để định vị du lịch trong tương quan chung với du lịch Việt Nam? Các giải pháp có tính khoa học, chiến lược, bền vững và thực tiễn nào, có thể làm cơ sở cho việc xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XIX?
Sự trăn trở và tinh thần cầu thị này, thiết nghĩ, cần được lan tỏa và thấm sâu vào nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng và mỗi người dân, vì sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của du lịch Thanh Hóa.
Mở hướng tương lai
Có thể nói, dù còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; song không thể phủ nhận, sự phát triển của du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn 2016–2020 đã tạo ra nền tảng bước đầu của một ngành công nghiệp du lịch. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch động lực của vùng Bắc Trung bộ và thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước. Đồng thời, giai đoạn 2021-2025, đón được 68,989 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,9%/năm; trong đó khách quốc tế là 3,178 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 88,7%/năm. Tổng thu từ du lịch là 161.235,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 34,4%/năm; trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 1.257,7 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 124,1%/năm.
Cùng với việc đề ra các mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới, cũng như nắm bắt thời cơ, nhận diện thách thức; thiết nghĩ, du lịch Thanh Hóa cũng cần xác định một tầm nhìn mới, một chiến lược phát triển bài bản và khả thi. Đó là thay đổi tư duy và hình ảnh “điểm đến bình dân”, sang “những điểm nhấn cao cấp”, bằng việc thay đổi mô hình và cơ cấu phát triển du lịch. Cụ thể là tập trung đầu tư xây dựng các dòng sản phẩm cao cấp; mở rộng không gian du lịch về phía Tây, với các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi đẳng cấp, chất lượng. Đặc biệt, phải có các giải pháp để làm sâu sắc hơn giá trị trải nghiệm du lịch. Ví như, thay vì sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đơn thuần, cần phát triển thành sản phẩm “biển và trải nghiệm cuộc sống”, thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa và sức sáng tạo trong cách thức làm du lịch. Từ đó, gia tăng trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.
Có tầm nhìn đúng, chiến lược bài bản, giải pháp phù hợp, thì điều kiện cuối cùng là triển khai thực hiện bằng quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao nhất. Có như vậy, du lịch Thanh Hóa mới phát triển đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị và tầm thương hiệu.