Du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế: Cần liên kết chặt chẽ hơn
22/05/2021 | 08:16Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021 với chủ đề “Du lịch Quảng Trị - Liên kết khai thác giá trị tiềm năng” diễn ra vào đầu tháng 5/2021. Từng là tỉnh Bình Trị Thiên trong lịch sử - một “Bình Trị Thiên khói lửa” và cũng là vùng có tài nguyên du lịch phong phú cả về thiên nhiên, nhân văn với nhiều nét đặc sắc riêng có. Tuy vậy, sợi dây liên kết trong phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa có sự gắn kết và mang lại hiệu quả như mong đợi.
Với mật độ dày đặc các điểm đến hấp dẫn, cùng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động, du lịch di sản, văn hóa tâm linh và di tích cách mạng…, ít có nơi nào hội tụ được nhiều thế mạnh để tạo nên sự đa dạng và diện mạo mới cho điểm đến du lịch như ở 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Vì thế, trăn trở của không ít người khi đề cập đến vấn đề này là vì sao vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch như vậy lại chưa có một chuỗi phát triển du lịch vùng mang tính gắn kết?
Trên thực tế, từ năm 2017, giữa các địa phương này đã hình thành mối liên kết khai thác du lịch kết nối “Con đường di sản miền Trung” với tuyến du lịch DMZ; tour “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” kết hợp thăm và tìm hiểu về di tích chiến tranh, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số và sinh thái dọc theo miền tây các tỉnh này hay chương trình giáo dục lịch sử từ Huế đi Quảng Trị, Quảng Bình cho học sinh, sinh viên; tour du lịch đường bộ cho du khách Thái Lan, Lào đi qua các cửa khẩu Cha Lo, Lao Bảo, La Lay để đến Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… 3 tỉnh cũng phối hợp xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua một số hội chợ, hội nghị về du lịch… Tuy vậy, sự hợp tác, phát triển du lịch giữa 3 địa phương mới chỉ tập trung vào công tác kết nối, hợp tác của các doanh nghiệp lữ hành theo kiểu liên kết về quảng bá, xúc tiến nhưng còn nặng về hình thức, coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch cũng như đầu tư du lịch… còn ít. Thực tế, chuỗi liên kết hoạt động du lịch giữa 3 tỉnh chưa thể hiện sự liên kết không gian lãnh thổ và liên kết liên ngành; chưa chú ý đến liên kết doanh nghiệp; chưa dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn về liên kết kinh tế vùng và liên kết du lịch đặc thù cấp vùng, tiểu vùng nên chưa phát huy được thế mạnh du lịch độc đáo, thậm chí vẫn còn cạnh tranh lẫn nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm nên dẫn đến tình trạng manh mún, trùng lắp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, việc kết nối chặt chẽ giữa 3 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ góp phần định hướng thu hút du khách trong xu thế mới. Đây sẽ là sản phẩm du lịch vùng độc đáo mang tính cạnh tranh rất cao. Vì thế, cả 3 địa phương cần tập trung nghiên cứu việc xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu cho điểm đến du lịch chung của 3 tỉnh; liên kết chặt chẽ trong việc quảng bá du lịch các địa phương ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Đặc biệt, 3 tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh chung cho khách du lịch nội địa; nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sinh thái, mạo hiểm tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh hay chuỗi sản phẩm du lịch Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình). Thường xuyên cung cấp, trao đổi những thông tin có liên quan, giới thiệu sản phẩm, tuyến - điểm du lịch mới không chỉ của địa phương mình mà còn của địa phương bạn trên phương tiện thông tin đại chúng và tại sự kiện văn hóa, du lịch lớn của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, ngành du lịch 3 tỉnh cũng cần thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước giữa các địa phương, trong đó ưu tiên học tập việc xây dựng, quản lý quy hoạch, môi trường kinh doanh du lịch, phát triển du lịch bền vững; tiếp tục phối hợp nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch có thương hiệu chung với sản phẩm du lịch chọn lọc mang tính đặc thù của mỗi địa phương... Một điều tưởng nhỏ để tạo nên sự gắn kết, chia sẻ nhưng chưa được các doanh nghiệp lữ hành chú ý, đó là từ thành phố Huế ra Quảng Bình, lộ trình này cần có điểm dừng nghỉ để tạo sự thoải mái cho khách du lịch.Theo tính toán của các chuyên gia du lịch thì điểm dừng nghỉ ở Quảng Trị có lẽ phù hợp hơn cả vừa bảo đảm sức khỏe cho du khách, nhất là du khách cao tuổi vừa tạo niềm hứng thú cho du khách trên hành trình đến với tiềm năng du lịch cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy, du lịch nội địa, đi ngắn ngày và nhóm nhỏ là xu hướng du lịch của người Việt trong bối cảnh COVID-19 vây bủa như hiện nay. Trong đó, nhu cầu khách du lịch biển vẫn ở mức cao (67%), nhu cầu khám phá thiên nhiên (48%), nghỉ dưỡng núi là xu hướng mới và tăng so với trước COVID-19. Có thể thấy, xu hướng du lịch mới này nằm trọn trong lợi thế về sản phẩm và điểm đến của 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Vì thế, việc xúc tiến khai thác cũng như hợp tác, liên kết nhằm tạo ra một sản phẩm liên vùng độc đáo để đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch là hết sức cần thiết. Trong xu thế mới này, ngành du lịch 3 tỉnh cần tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh mới có nhiều thay đổi về phương thức thị trường khách, thị trường điểm đến để chuyển đổi dữ liệu, thông tin và ứng dụng công nghệ số vào công tác xúc tiến, quảng bá cho cả 3 địa phương. Có thể nói, việc xây dựng định hướng chiến lược dài hơi cùng các giải pháp trung hạn, ngắn hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế riêng về du lịch, khai thác và chia sẻ nguồn lực sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch của từng địa phương trong tình hình mới.